| Hotline: 0983.970.780

Về nơi người dân quanh năm đi tìm nguồn nước

Thứ Tư 24/05/2023 , 09:52 (GMT+7)

Mảnh đất được coi là ‘Trường Sa cạn’ thuộc huyện Mường Khương bốn bề là những dãy núi đá không chỉ mùa khô mới thiếu nước mà tình trạng này diễn ra quanh năm.

Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, Lào Cai) sử dụng can nhựa để lấy nước. Ảnh: Hải Đăng.

Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, Lào Cai) sử dụng can nhựa để lấy nước. Ảnh: Hải Đăng.

Thích nghi để vươn lên

Tả Gia Khâu và Dìn Chin, những mảnh đất được coi là "Trường Sa cạn" thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai). Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là bà con dân tộc thiếu số. Bốn bề là những dãy núi đá cao, hiểm trở… Không chỉ mùa khô ở đây mới thiếu nước mà tình trạng này diễn ra quanh năm suốt tháng đến cây ngô, cây sắn cũng phải trèo đá mà vươn lên.

Ở đây, từ con trẻ cũng đã biết sử dụng nước tiết kiệm. Cùng với việc học chữ, các em còn học những kỹ năng để thích nghi với cuộc sống ở vùng đất này. 

Cứ mỗi tuần một lần, các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu xách can nhựa đi lấy nước cách đó khoảng một cây số. Các can nước này phục vụ sinh hoạt hằng ngày của chính các em. Không có một giọt nước nào ở đây được sử dụng lãng phí. 

“Sáng ngủ dậy tập thể dục xong đánh răng rửa mặt rồi lấy nước đó tưới hoa, tưới cây trong trường. Các thầy cô giáo dặn học sinh đánh răng, rửa mặt 2 - 3 em chung một chậu. Hằng ngày, các thầy cô luôn luôn dặn phải sử dụng nước tiết kiệm không được lãng phí”, em Lù Thị Mây Tuyết, học sinh lớp 5A2 cho biết.

Ở trường, nước được chứa trong các thùng inox, thùng nhựa và cả bể bằng bạt… Thế nhưng, toàn bộ số nước này cũng chỉ đủ cho cả trường sử dụng trong một vài tuần… vì mỗi ngày tốn khoảng 5 khối nước. Rất may, thời điểm khô hạn nhất thì cũng là lúc sắp kết thúc năm học. Số nước còn lại đủ cho các em sử dụng hết tháng 5 này.

“Nước ở đây cực kỳ là hiếm vì trong khu vực xung quanh nhà trường không có một nguồn nước nào để dẫn nước về nhà trường. Nhà trường phải tận dụng tất cả các mái nhà để làm ống dẫn nước, máng nước để hứng dẫn về bể nước để tích trữ cho học sinh sử dụng. Khó khăn nhất là vào khoảng tháng 2 và 3 là hiếm nước vì trời không mưa nên thiếu thốn rất là nhiều... nên tháng 6 tháng 7, giáo viên thay phiên trực tích trữ nước sử dụng cho năm học mới.

Đỉnh điểm thiếu nước vừa qua, 2 phụ huynh xung phong dùng xe công nông chở được 40 khối nước cho nhà trường. Công an tỉnh Lào Cai và lực lượng phòng cháy chữa cháy chở được 80 khối nước nữa để học sinh sử dụng”, ông Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu cho hay.

Người dân ở Dìn Chin ngoài trồng chè thì còn nuôi bò để không phụ thuộc vào nguồn nước. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân ở Dìn Chin ngoài trồng chè thì còn nuôi bò để không phụ thuộc vào nguồn nước. Ảnh: Hải Đăng.

Sinh kế thoát nghèo

Ông Ly Seo Dín, Chủ tịch UBND xã Dìn Chin dẫn chúng tôi đi khảo sát các bể thu nước, hiếm hoi mới có bể nước chảy vào. Từng giọt nước rỉ xuống thềm bể… tong tong, không khác nước từ nồi nấu rượu chảy ra bởi nước cạn từ mạch nguồn. 

“Từ tháng 3 đến tháng 5 là vào mùa khô, các nguồn nước đều bị cạn kiệt nên nhân dân của các thôn bị thiếu nước. Trong thời gian qua được Đảng và Nhà nước quan tâm đã đầu tư xây được những cái bể chứa nước nhưng với số lượng dân và học sinh đông thì các bể nước cũng trụ được một thời gian ngắn thôi, không đủ cho suốt mùa khô đấy”, ông Ly Seo Dín nói. 

Ở đây nước sinh hoạt đã hiếm chứ đừng nói đến nước sản xuất nông nghiệp. Ấy thế nhưng bà con cũng quen với cuộc sống hiện tại. 

Bà Lù Seo Sỉu thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin cho hay, mùa hè này thì thiếu nước, khó khăn về nước uống không có, phải đi trông từng ngày. Không có nước thì phải đi xe máy chở nước về thôi.

Cũng không vì khó khăn này mà bà con chấp nhận an phận với cuộc sống hiện tại mà tìm cách bứt khỏi cái đói, cái nghèo, tìm cách sản xuất giảm sự phục thuộc vào nước.

Ông Thào Sẹo Dế cùng thôn Ngải Thầu cho biết, ”được sự hướng dẫn của cán bộ đã nuôi 5 con bò vàng. Các con bò này có thể chịu được khát, mỗi con có thể thu lợi 30-35 triệu đồng nhưng khi nhà có việc mới bán”. 

Còn ông Giàng Seo Quỷ cũng như nhiều hộ dân khác mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng chè. “Ở đây không có nhà nào trồng nhiều, mỗi nhà trồng một ít cùng cây ngô, cây lúa thôi. Cây chè rễ nó cắm sâu xuống đất nên không sợ nắng, khô hạn…”, ông Quỷ nói.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho Huyện ủy, chính quyền các giải pháp sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện thiếu nước. Căn cứ vào điều kiện thời tiết khí hậu và trình độ sản xuất của người dân, chúng tôi xác định những loại cây trồng chủ lực thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Cây trồng nhu cầu ít nước và có khả năng chống chịu với những điều kiện bất thuận như là giông lốc và hạn hán đặc biệt là cây chè. Ngoài ra, chúng tôi định hướng cho bà con chăn nuôi bò, lợn đen vì không phụ thuộc nguồn nước.

Ở vùng cao Mường Khương, cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn. Ảnh: Hải Đăng.

Ở vùng cao Mường Khương, cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn. Ảnh: Hải Đăng.

”Khắc phục tình trạng khô hạn, ổn định sản xuất, huyện Mường Khương sử dụng lồng ghép nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ thêm của huyện và của tỉnh khôi phục lại toàn bộ các công trình hư hỏng đảm bảo khai thác và sử dụng tối đa hiệu quả của nguồn nước”, ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nói.

Tạo sinh thủy, giữ nguồn nước 

Mường Khương có địa hình núi cao, dốc, có rất nhiều khe nứt và tầng đất phủ rất thấp trong bối cảnh tỷ lệ che phủ một số xã vùng cao còn thấp. Trong điều kiện như vậy thì Mường Khương là địa bàn khô hạn, nhất là các xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long… Và đặc biệt năm nay thời tiết cực đoan biểu hiện rõ rệt, từ đầu năm đến nay lượng mưa rất thấp, tất cả ao hồ sông suối đều cạn kiệt nguồn nước so với những năm trước, dẫn đến nắng nóng, hạn hán. 

Trong khi đó, những trận mưa đầu mùa lại kèm theo giông lốc, mưa đá nên ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. “Để khắc phục tình trạng hạn hán, huyện Mường Khương chủ động nguồn lực của địa phương và kêu gọi người dân đầu tư các bể chứa nước và các hệ thống đường ống dẫn và các bể chứa nước tập chung khoảng 200-500 khối. Bố trí các két nước di động để đáp ứng những nhu cầu sử dụng nước trước mắt cho các cơ quan đơn vị trường học và người dân…”, ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết. 

Trong tình hình khó khăn như vậy huyện đã tranh thủ những cơn mưa đầu mùa để tích nước tại các bể chứa và hồ chứa, đồng thời huy động người dân khơi thông, bảo dưỡng các tuyến kênh mương, thủy lợi bị mưa lũ sạt lở đất đá… 

Với những công trình cấp nước sạch và thủy lợi tại các xã vùng cao do mô hình cộng đồng và người dân quản lý chưa tốt nên xảy ra tình trạng người dân tranh chấp nguồn nước. Về lâu dài huyện Mường Khương sẽ chuyển sang mô hình khoán dịch vụ cho những đơn vị có đủ điều kiện, năng lực vận hành các công trình cấp nước sạch có thu phí một phần.

Cũng theo vị chủ tịch UBND huyện, địa phương đang báo cáo với tỉnh xây dựng các hồ treo chứa nước chủ yếu là cấp nước sinh hoạt như mô hình ở Hà Giang đã làm từ hàng chục năm nay.

"Chúng tôi đã tổ chức triển khai theo mô hình này và các hồ treo tận dụng địa hình tự nhiên gắn với các nguồn nước sẵn có gắn với khu dân cư theo hình thức phân tán. Chỗ nào nguồn nước tốt thì chúng ta làm quy mô lớn, chỗ nào nguồn nước ít thì đầu tư vừa phải... 

Ngoài ra huyện sẽ phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ các loại cây trồng đòi hỏi phải có lượng nước tưới nhiều chuyển sang các cây chịu được hạn hán phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu ở Mường Khương như cây chè, quế và các cây công nghiệp khác. Về lâu dài, huyện sẽ đẩy mạnh trồng rừng và phát triển bảo vệ rừng để vừa tạo cảnh quan vừa tạo thảm thực vật, tạo được nguồn sinh thủy, giữ được nguồn nước”, ông Lê Ngọc Dương nói.

Ông Cao Xuân Phà, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết, hàng năm ở đây thiếu nước từ 7 đến 9 tháng và được sự quan tâm từ Trung ương, tỉnh, huyện thì xã đã xây được những bể nước cộng đồng nên cũng khắc phục được một phần nào đó khó khăn cho bà con. Còn về nước tưới phục vụ sản xuất ở xã vùng cao này thì 100% bà con không đủ nước.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.