| Hotline: 0983.970.780

Bứt phá từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo

Thứ Ba 06/12/2022 , 10:42 (GMT+7)

Hàng loạt các chính sách đúng và trúng đã giúp công tác giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước đạt được nhiều thành tựu.

Đa dạng chính sách hỗ trợ

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số 994.679 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có 195.635 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 40 thành phần dân tộc sống đan xen thành cộng đồng tại 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn.

174440516_2951639668389544_1935141512788455451_n

Lễ trao bò giống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Trần Trung.

Những năm gần đây, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Bình Phước đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một trong những điểm nhấn trong công tác này là phong trào “Toàn dân chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai từ năm 2019. Trong đó có 9 chính sách thuộc chương trình này được hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo thụ hưởng, gồm: hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt, tạo việc làm, vay vốn để phát triển sản xuất…

294448545_5413402085447735_6916592215331181201_n

Bà con huyện biên giới Bù Đốp phấn khởi nhận bò giống. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước, trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được tiếp nhận hỗ trợ từ các chính sách (y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vay vốn,..) theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo (các chính sách hỗ trợ không phân biệt hộ nghèo là người kinh hay hộ nghèo dân tộc thiểu số). Nhưng đối với chương trình này, sự thiếu hụt của các hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầy đủ hơn, đặc biệt là phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ nghèo. 

Xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế, các hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ nhà ở, điện, nước, nhà vệ sinh, tivi, đào tạo nghề, vay vốn. Đặc biệt, hộ nghèo được quyền chủ động lựa chọn cách thức đa dạng hóa sinh kế để tạo việc làm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời giúp chính sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của từng khu vực và đặc biệt là phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ gia đình. Từ đó khắc phục được cơ bản các nguyên nhân dẫn đến nghèo.

Bà Huỳnh Thị Thùy Trang - Giám đốc sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước  cho biết thêm, nếu như giai đoạn từ năm 2011 đến 2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác giảm nghèo là 1.306,635 tỷ đồng, nhưng phần lớn là ngân sách trung ương và nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi 1.157,3 tỷ đồng (chiếm 88,57%), nguồn vận động 145,608 tỷ đồng (chiếm 11,14%) và ngân sách địa phương 3,727 tỷ đồng (chiếm 0,29%). Như vậy, trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm, tỉnh chỉ bố trí khoảng 500 triệu đồng và huy động được 18,2 tỷ đồng nguồn vận động để thực hiện công tác giảm nghèo.

Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2019, ngoài nguồn kinh phí Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 107,926 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 40 tỷ đồng, vận động gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Tiếp tục, năm 2020, kinh phí địa phương đã bổ sung nguồn lực, đưa nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh tăng lên 73,24 tỷ đồng, đồng thời tăng hỗ trợ từ nguồn vận động lên 35 tỷ đồng. Đến năm 2021, nguồn kinh phí địa phương bố trí 66,3 tỷ đồng, nguồn vận động 26 tỷ đồng.

78241482_1334735630042086_8206614984239611904_n

Bà con tiếp nhận nông cụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Như vậy, chỉ tính trong 3 năm kể từ khi thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, tổng ngân sách tỉnh đã bố trí 179,54 tỷ đồng (bình quân mỗi năm bố trí 59,8 tỷ đồng, gấp 120 lần giai đoạn 2011-2018), nguồn vận động 81 tỷ đồng (bình quân mỗi năm vận động hỗ trợ 27 tỷ đồng, nhiều hơn 1,48 lần giai đoạn 2011-2018).

“Có thể khẳng định, nhờ triển khai thực hiện các chính sách một cách trọng tâm, trọng điểm mà giai đoạn 2018-2021, Bình Phước đã giảm 4.747 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số/tổng số hộ  dân tộc thiểu số, giảm từ 7,6% (năm 2019) còn 1,12% (năm 2021). Những kết quả này phần nào cho thấy hiệu quả của các chính sách và sự cải thiện trong đời sống của hộ nghèo dân tộc thiểu số”, bà Trang nhấn mạnh. 

Tiếp tục thực hiện  giảm nghèo theo giai đoạn

Bà Huỳnh Thị Thùy Trang - Giám đốc sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, có cơ sở hạ tầng kém phát triển; khả năng tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, việc phân bổ chưa kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch đề ra, không có đất sản xuất…

DSCN6735

Các đội tượng hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: Trần Trung.

Để khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo, trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh đánh giá, phân loại hộ nghèo nhằm có giải pháp riêng cho từng nhóm và xác định số hộ dân tộc thiểu số có khả năng thoát nghèo bền vững. Trong đó, nhóm 1 là các gia đình già yếu, bệnh tật, thiếu lao động, không có khả năng thoát nghèo, cần vận động hỗ trợ và thực hiện các chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Đây là nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội thường xuyên. Nhóm 2 là các đối tượng có nhân lực, có nhu cầu lao động nhưng thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm. Các đối tượng này sẽ được tập trung cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, giới thiệu, tạo việc làm để thoát nghèo bền vững. Nhóm 3 là đối tượng không chịu lao động, còn tư duy trông chờ, ỷ lại. Đây là nhóm khó chuyển biến nhất và cần tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để thay đổi tư duy trước khi hỗ trợ vốn và tư liệu sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, tỉnh vừa ban hành quyết định giao vốn Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn năm 2022 với kinh phí gần 49 tỷ đồng. Trong đó, hai huyện miền núi có số hộ nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để giảm nghèo gồm: huyện Bù Đăng 834 hộ, cần số tiền 15,5 tỷ đồng; huyện Bù Gia Mập 952 hộ được phân bổ số tiền 16,3 tỷ đồng. Các huyện còn lại được phân bổ số tiền từ 1 đền gần 7 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

DSCN6755

Hộ nghèo hăng say lao động vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trần Trung.

Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Tỉnh hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Để chăm lo ổn định đời sống cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong giai đoạn 2020 – 2025, Bình Phước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về những chính sách hỗ trợ cho đồng bào. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc miền núi. Mặt khác, đề xuất bố trí ngân sách địa phương dành từ 3 - 5% và lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn của doanh nghiệp, vốn xã hội hóa để thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội toàn diện vùng dân tộc thiểu số…”, bà Trần Tuệ Hiền cho biết thêm.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.