Thành quả
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Sở Lao động Thương binh và xã hội, các nhà khoa học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam dự và đồng chủ trì hội thảo.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong hơn 13 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, và Chỉ thị 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 10 triệu lao động nông thôn với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp.
Trong đó, trên 80% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục việc làm cũ nhưng có năng suất chất lượng cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm, thoát nghèo và trở nên khá giả.
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm đã góp phần giúp người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết chuyển sang học nghề để biết nắm bắt khoa học, kiến thức kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao, giảm nghèo bền vững,…
Thách thức mới - Giải pháp mới
Tuy nhiên công tác đào tạo nghề cho nông dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 10 năm tới bước vào quá trình phát triển mới dựa trên những nền tảng thành tựu nổi bật của giai đoạn trước, bối cảnh mới với những tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cụ thể như, biến đối kết cấu dân cư nông thôn gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá; sự thay đổi trong chức năng và đặc điểm của nông nghiệp do ảnh hưởng của công nghiệp hoá, đô thị hoá; phát triển văn hoá, cộng đồng nông thôn phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường nông thôn, yêu cầu của khoa học công nghệ trong quản trị và phát triển nông nghiệp, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh và chuyển sang giai đoạn mới…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và làm sáng tỏ những vấn đề mới xuất hiện, giải quyết trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Sự tác động của các nền tảng công nghệ, quy mô tác động, tầm ảnh hưởng của cuộc cánh mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phân tích, làm rõ những cơ hội, thách thức cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những giải pháp cần đẩy mạnh trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cư dân nông thôn trong thời gian tới.
Đánh giá của ban tổ chức, hội thảo đã nêu bật được bối cảnh mới về phát triển kinh tế xã hội của đất nước và vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn với những cơ hội, tác động từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư,…từ đó đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, khả thi đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như hiện đại hoá nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề cho lao động.
Đặc biệt, hội thảo đã khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, Khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm nông dân là chủ thể, là trung tâm quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.