| Hotline: 0983.970.780

Ca cao - Cây trồng phụ, thu nhập chính

Thứ Sáu 28/11/2014 , 08:13 (GMT+7)

Tín hiệu vui đến với người dân trồng ca cao khi bước vào mùa thu hoạch năm 2014, giá ca cao liên tục giữ ở mức cao khoảng 65.000 đ/kg hạt khô. 

Do vậy, hàng ngàn nông dân tại hai vùng thủ phủ cây ca cao lớn nhất là Đắk Lắk và Bến Tre đang rất hài lòng với sự lựa chọn của mình vì họ đã có thu nhập vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác…

NIỀM TIN CÂY TRỒNG MỚI

Trở lại những “điểm nóng” trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi chứng kiến rất nhiều khu vườn ca cao của người dân và trong vùng dự án đang trĩu trái từ trên ngọn xuống dưới gốc, bắt đầu bước vào thời điểm thu hoạch.

Dẫn khách vào tham quan vườn ca cao nhà mình, chị Hoàng Thị Thu Hiền, thôn Tân Hưng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Păk phấn khởi nói: “Năm nay giá ca cao đạt đỉnh, nhất là vào thời điểm đầu vụ lên tới 67.000 đ/kg hạt khô, khiến bà con chúng tôi sống khỏe, rất yên tâm tiếp tục đầu tư cho vườn cây để cải tạo năng suất, chất lượng”.

Cũng như nhiều hộ dân khác, từ năm 2005 gia đình chị Hiền nhận hợp đồng trồng ca cao cho Cty TNHH MTV Cà phê - ca cao tháng 10. Đến nay vườn ca cao của gia đình chị có 720 gốc xen trong vườn điều, hiện đang cho thu hoạch ổn định với năng suất bình quân đạt 2,2 kg hạt khô/cây/năm.

Sản lượng năm 2013 đạt 1,4 tấn hạt khô, bán được giá 60.000 đ/kg, sau khi trừ hết chi phí cho chị lời 60 triệu đồng.

Vườn cây của gia đình chị Hiền được các chuyên gia đánh giá cao về năng suất, chất lượng và cũng là vườn mẫu được nhiều nông dân quanh vùng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Theo chị Hiền, trồng ca cao không cần tốn nhiều lao động như cà phê, chỉ cần trong nhà có một lao động chuyên và siêng năng là có thể quản lý được 1 - 2 ha. Dự kiến năm nay năng suất ca cao của vườn nhà chị sẽ đạt 2,5 kg/cây.

Tương tự, ông Hứa Văn Nghiệp, thôn 4, xã Ear Sar, huyện Ea Kar cũng chia sẻ, cây ca cao không dành cho người lười làm biếng, không thể thành công nếu chỉ trồng xuống rồi bỏ mặc vườn cây đợi đến ngày thu hoạch.

15-03-33_nh-4
Nông dân đang trao đổi kinh nghiệm SX ca cao bền vững

+ Ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk:  “Mặc dù là loại cây phát triển sau, nhưng ca cao lại có lợi thế hơn các loại cây công nghiệp khác là có quy hoạch và chất lượng giống tốt nên đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, diện tích ca cao trồng mới đang bắt đầu tăng mạnh trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh".

+ Ông Huỳnh Quang Đức, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Bến Tre: “Thị trường ca cao đang phát triển, giá tương đối cao và ổn định. Bến Tre đang dần phục hồi những diện tích ca cao bị đốn bỏ. Nhiều nông dân đang háo hức trở lại đăng ký trồng mới ca cao. Tỉnh cũng đang khuyến cáo các hộ trồng ca cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và bền vững…”.

Bắt đầu trồng ca cao từ năm 2007, đến nay gia đình ông Nghiệp có 800 gốc ca cao trồng xen trong 1 ha điều, hiện 6 sào đang cho thu hoạch.

Năm ngoái vườn ca cao đã cho sản lượng 1,5 tấn hạt khô, còn năm nay do đầu tư chăm sóc tốt ông dự kiến sẽ thu được khoảng 2 tấn hạt, cho lời khoảng 80 triệu đồng. Chưa kể với cây điều nhờ “ăn” ké phân bón cho ca cao nên năng suất cũng tăng 1 tấn và thu được 20 triệu đồng, thay vì trước đó chỉ đạt vài tạ/ha.

“So với trồng hoa màu trước đây thì cây ca cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, với giá bán hiện nay trên dưới 60.000 đ/kg hạt khô và ổn định khiến bà con chúng tôi rất tin tưởng vào loại cây trồng mới này.

Tính ra, ca cao là cây trồng phụ nhưng đã cho thu nhập gấp 4 lần cây trồng chính. Năm tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trồng thêm 1 ha ca cao nữa”, ông Nghiệp hào hứng nói.

ĐỔI ĐỜI

Từ khi dự án SX phát triển ca cao bền vững được triển khai, những người dân đầu tiên tham gia trồng ca cao đến nay đã có thu nhập hơn hẳn các loại cây trồng khác và họ thực sự đổi đời.

Chị H’Bim B’Krông, buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lăk, dân tộc M’Nông trồng 1 ha ca cao (1.200 cây) cho năng suất hơn 3 kg hạt khô/cây/năm. Ca cao bán được 5.000 đ/kg trái tươi (13 kg trái tươi cho 1 kg hạt khô), vượt xa so với thu nhập từ cây bắp lai.

Hiện chị quản lý 3 CLB ca cao ở các buôn Bhôk, Cuôr, Tak và trở thành “bác sĩ ca cao”. Nhà chị cũng là điểm thu mua, sơ chế và cung cấp dịch vụ giống, phân bón cho bà con xung quanh cùng trồng ca cao. Chính nhờ sự hỗ trợ của chị H’Bim, đến nay nhiều hộ trồng ca cao ở xã Yang Tao đã có thu nhập cao ổn định.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Túy (Năm Túy), ấp Phú Hòa, xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre) ngay cả khi phải đối mặt với thời điểm giá ca cao xuống thấp chỉ còn 30.000 đ/kg hạt khô nhưng ông vẫn tin tưởng vào tiềm năng loại cây này và kiên trì vận động bà con quyết tâm cùng giữ lại vườn cây.

Không những thế, đến nay vườn ca cao của ông Năm Túy còn được ví là mô hình ca cao “siêu mẫu” cấp tỉnh. Hơn nữa, ông còn sáng tạo ra cách sử dụng tấm bạt trải quanh gốc ca cao phòng ngừa bệnh thối trái vào mùa mưa rất hiệu quả.

Với 300 gốc ca cao trồng xen dừa, trên diện tích 0,8 ha, năm rồi mỗi cây ca cao của ông Năm Túy đạt gần 5 kg hạt khô, trong khi chỉ cần 2 kg/cây là đã có lời.

Năm 2013 ông thu được gần 1,5 tấn hạt khô. Năm nay ông tin chắc năng suất sẽ cao hơn vì đầu tư bài bản và kỹ thuật chăm sóc tốt hơn. Thực tế, trên 0,8 ha ca cao và dừa đã cho ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Với kinh nghiệm tỉa cành tạo tán ca cao, “nghệ nhân” Năm Túy được nhiều bà con thán phục và nhờ ông đến tận vườn chỉ dẫn cách chăm sóc khiến vườn nào cũng đạt hiệu quả. Cụ thể, vườn của hộ ông Trần Văn Em (cùng ấp Phú Hòa) hay Đặng Văn Phốp, Diệp Kinh Luân trồng ca cao xen sầu riêng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách đến nay cũng đã nằm trong “tốp” vườn mẫu điển hình đạt 5 kg cao cao hạt khô/cây/năm…

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với bệnh cúm gia cầm các tháng cuối năm

Theo Cục Thú y, trong các tháng cuối năm, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trên phạm vi rộng rất cao do hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm gia tăng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.