| Hotline: 0983.970.780

Cá chết nổi bất thường trên kênh ở Thái Bình có thể do… dịch bệnh?

Thứ Năm 27/03/2025 , 14:49 (GMT+7)

THÁI BÌNH Đơn vị vận hành kênh thủy lợi Kiến Giang (tỉnh Thái Bình) nhận định, nguyên nhân cá chết có thể do dịch bệnh; đồng thời có rất nhiều nguồn xả nước thải vào kênh này.

Cá chết bất thường do… dịch bệnh?

Thông tin với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Hoàng Nam Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình (Công ty thủy lợi Nam Thái Bình) nhận định, nguyên nhân cá chết bất thường có thể do dịch bệnh.

Cá chết nổi trên kênh Kiến Giang có thể di... dịch bệnh. Ảnh: Thái Bình.

Cá chết nổi trên kênh Kiến Giang có thể di... dịch bệnh. Ảnh: Thái Bình.

Theo ông Phương, hiện tượng cá chết bất thường xảy ra khoảng chục ngày qua. Bất thường hơn nữa, đa phần cá chết là loại cá dọn bể - loài cá rất khỏe, phàm ăn, hay ăn ở tầng nước đáy.

“Chúng tôi kiểm tra và thấy rằng, không có loài cá nước ngọt nào khác ngoài cá dọn bể và một số ít cá rô phi lai. Điều này chứng tỏ không phải do ô nhiễm nguồn nước mà có thể là dịch bệnh” - ông Phương nhận định.

Ông Phương cho biết sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.

Tuy nhiên, với đặc điểm cá dọn bể ăn tầng nước đáy, rất có thể chúng bị chết hàng loạt do một loại chất thải nào đó bị lắng xuống lớp bùn đáy, còn các loài khác ăn tầng nước nổi nên không bị ảnh hưởng.

Kênh thủy lợi bao tiêu nguồn nước thải cho 1/2 tỉnh

Theo lãnh đạo Công ty thủy lợi Nam Thái Bình, kênh Kiến Giang là trục chính của hệ thống thủy lợi Nam Thái Bình, bắt nguồn từ sông Hồng lấy nước qua cống Tân Đệ (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư) đến cống Lân (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải). Kênh có tổng chiều dài 46km, đi qua địa bàn 4 huyện, thị phía Nam tỉnh Thái Bình (gồm huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư và Tp Thái Bình).

Kênh có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 34.000ha đất canh tác, tiêu nước cho gần 60.000 ha đất; cung cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế và các nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện Kiến Xương, Tiền Hải; cung cấp nước cho các khu công nghiệp, giao thông thủy; chức năng cải tạo môi trường nước và phòng chống thiên tai.

Một điểm đấu nối lấy nước kênh Kiến Giang để sản xuất nước sạch sinh hoạt của Xí nghiệp nước Kiến Xương khiến người dân lo lắng.  Ảnh: Thái Bình.

Một điểm đấu nối lấy nước kênh Kiến Giang để sản xuất nước sạch sinh hoạt của Xí nghiệp nước Kiến Xương khiến người dân lo lắng.  Ảnh: Thái Bình.

Dù đa chức năng như vậy nhưng kênh Kiến Giang cũng là nơi thu nhận rất nhiều nguồn nước xả thải từ khu dân cư, khu công nghiệp.

Cụ thể: nguồn xả thải trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Ivory Việt Nam (thị trấn Vũ Thư); nguồn nước thải sinh hoạt qua kênh Vĩnh Trà, kênh Bạch, kênh Đoan Túc, kênh Bồ Xuyên chảy vào kênh Kiến Giang; nguồn thải từ hệ thống cống, đường thoát nước sinh hoạt từ các khu dân cư; nguồn thải từ một số nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn 3 huyện không trực tiếp xả vào kênh Kiến Giang nhưng xả vào hệ thống thoát nước chung của khu vực, cuối cùng vẫn chảy vào kênh Kiến Giang.

Tháng 10/2024, Công ty thủy lợi Nam Thái Bình đã rà soát các nguồn xả thải, báo cáo UBND tỉnh theo yêu cầu.

Do điều kiện về vị trí địa lý giáp với sông Hồng, sông Trà Lý, một mặt giáp biển Đông, hệ thống thủy lợi Nam Thái Bình chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều Bắc bộ và chế độ xả nước của các hồ thủy điện phía thượng lưu. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nguồn nước của kênh Kiến Giang phải tiếp nhận rất nhiều nguồn nước thải từ các kênh cấp 3 của địa phương đổ vào.

Để đảm bảo chất lượng nước tốt nhất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công ty phải thường xuyên liên tục vận hành hệ thống công trình thủy lợi để lấy nước và tiêu nước trong hệ thống. Bình quân, số ngày mở các cống tưới trong 5 năm (từ 2018 - 2023) là 201 lần. Sau khi đảm bảo chất lượng nước trong hệ thống, bình quân số ngày mở các cống tiêu giai đoạn 5 năm nói trên là 90 lần.

Cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km kênh Kiến Giang. Ảnh: Thái Bình.

Cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km kênh Kiến Giang. Ảnh: Thái Bình.

Việc vận hành các công trình thủy lợi thường xuyên này, theo ông Phương, khiến phát sinh nhiều chi phí quản lý, vận hành công trình.

Trong báo cáo UBND tỉnh Thái Bình thời điểm tháng 10/2024, công ty thủy lợi Nam Thái Bình đề nghị sự tăng cường phối hợp của các cơ quan chuyên môn (Chi cục bảo vệ Môi trường; thanh tra Sở TNMT…) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh vào công trình thủy lợi; có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm quy định về xả nước thải;

Tổ chức đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước thải, sức chịu tải của công trình thủy lợi; xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, không quy hoạch các dự án sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, triệt để di dời các bãi rác ra khỏi phạm vi  bảo vệ công trình thủy lợi.

“Theo quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các chủ thể xả thải có nghĩa vụ xây dựng các phương án bảo vệ môi trường, đóng phí bảo vệ môi trường để từ đó có kinh phí bảo trì, duy tu công trình thủy lợi”, ông Phương cho biết.

Với những đề xuất, kiến nghị của đơn vị vận hành kênh thủy lợi Kiến Giang, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường… rõ ràng không thuộc thẩm quyền, chức năng của họ.

Trong khi đó, sự việc cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km kênh đào Kiến Giang đang đe dọa trực tiếp tới nguồn nước tưới sản xuất nông nghiệp; vấn đề an toàn nguồn nước đầu vào của các nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt cung cấp cho hàng ngàn hộ dân mỗi ngày.

“Không chỉ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước kênh, các nhà máy nước sạch vẫn lấy nước bẩn từ kênh Kiến Giang để sản xuất nước sạch sinh hoạt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng ngàn hộ dân. Chúng tôi khẩn thiết mong muốn các cơ quan chức năng có phương án để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ người dân”, bà Bùi Thị Huyền (xã Quang Trung) chia sẻ.

Xem thêm
4 'nhất' khi đặt mua các dòng xe VinFast Green trong 8 ngày vàng

Ngoài chi phí ban đầu, một trong những yếu tố khiến VinFast Green được săn đón ngay trong những ngày đầu mở cọc là khả năng 'kiếm ra tiền' vô cùng hiệu quả...

Cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km

Thái Bình Gần chục ngày qua, cá chết nổi hàng chục km trên sông Kiến Giang chảy qua các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải… gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Diễn Châu (Nghệ An): 'Gánh nặng' xử lý rác thải vùng ven biển

Một số xã vùng ven biển ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang xảy ra tình trạng đổ rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong công tác quản lý.

Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng

HẢI PHÒNG Hàng nghìn hecta đầm ngoài đê được người dân canh tác theo mô hình kết hợp lúa - rươi tại Hải Phòng đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất nguyên tắc xử lý chất thải phóng xạ

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất nguyên tắc xử lý chất thải phóng xạ an toàn cho con người, tránh gây nguy hại cho tương lai và phù hợp quy chuẩn quốc tế.

Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi Tả Trạch phải kiểm tra chất lượng nước thường xuyên, đảm bảo cho sản xuất.