| Hotline: 0983.970.780

Xử lý ô nhiễm không khí Hà Nội: Cần đầu tư đúng và trúng

Thứ Tư 26/03/2025 , 15:47 (GMT+7)

Một phần nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô chưa được giải quyết triệt để là do chưa dành đủ tài chính để triển khai đồng bộ các giải pháp.

Những con số báo động

Ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động trong những ngày gần đây. Thậm chí, trong hai ngày 25-26/3, Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí (theo IQAir).

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức không lành mạnh (trung bình trên 150). Theo IQAir, bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội ngày 25/3 cao gấp 23,6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nơi có chỉ số cao nhất là phố Quảng Khánh (quận Tây Hồ) với AQI là 277, mức rất xấu, cảnh báo gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Ô nhiễm không khí xuất hiện từ sáng sớm tại khu vực cầu Nhật Tân. Ảnh: Khánh Ly.

Ô nhiễm không khí xuất hiện từ sáng sớm tại khu vực cầu Nhật Tân. Ảnh: Khánh Ly.

Theo số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, lúc 13h ngày 25/3, hầu khắp miền Bắc đều gia tăng ô nhiễm. Bắc Giang, Hà Nam và Hưng Yên chỉ số AQI đều vượt 100, mức kém. Hà Nội và Thái Nguyên ở mức cảnh báo xấu.

Ngày 26/3, Hà Nội tiếp tục đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI 181 (lúc 14h). Thủ đô chìm trong ô nhiễm không khí khi các chỉ số AQI tại hầu hết các điểm đều nằm ở mức xấu đến rất xấu. Không chỉ tại Quảng Khánh, nhiều địa điểm khác cũng ghi nhận chỉ số AQI chạm ngưỡng tím như phố Lê Duẩn, khu đô thị Ciputra…

Nhiều điểm ghi nhận chỉ số AQI ở mức tím - mức rất xấu. Ảnh: IQAir.

Nhiều điểm ghi nhận chỉ số AQI ở mức tím - mức rất xấu. Ảnh: IQAir.

Khu vực Linh Đàm lúc 14h ngày 26/3. Ảnh: Hoàng Hiền.

Khu vực Linh Đàm lúc 14h ngày 26/3. Ảnh: Hoàng Hiền.

Ô nhiễm không khí gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, tức 800 người mỗi giờ hoặc 13 người mỗi phút. Nhìn chung, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn nhiều yếu tố nguy cơ khác, bao gồm suy dinh dưỡng, sử dụng rượu và không hoạt động thể chất.

Theo báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, số người tử vong do các nguyên nhân bắt nguồn từ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội là 5.800 người/năm. Chi phí y tế và phúc lợi xã hội để cứu chữa các bệnh do bụi mịn gây ra là rất lớn: 7,74% GRDP của Hà Nội.

Đầu tư để giải quyết ô nhiễm không khí

Trong báo cáo Những vấn đề môi trường cấp bách của Thủ đô Hà Nội, PGS.TS. Lưu Thế Anh - Viện trưởng, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tình trạng phát triển nhanh số lượng phương tiện giao thông cá nhân (ôtô, xe máy) trong những năm qua, trong khi hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, cùng với hoạt động xây dựng diễn ra nhiều và nguồn khí thải từ các địa phương lân cận đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.

Một phần nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô chưa được giải quyết triệt để xuất phát từ việc chưa quyết liệt và chưa dành đủ nguồn lực tài chính để triển khai đồng bộ các giải pháp; việc lập và triển khai quy hoạch phát triển Thủ đô chưa đồng bộ, thiếu các giải pháp bảo vệ môi trường khả thi. Hà Nội cần nhanh chóng ưu tiên nguồn lực để xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động đủ lớn mới hy vọng có thể giải quyết tận gốc những thách thức môi trường hiện nay.

Đồng quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, một trong những rào cản trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí đó là hạn chế về kinh phí dành cho giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, những nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực tài chính. Tuy nhiên thiếu kinh phí và và cơ chế tài chính không phù hợp đã không mang lại kết quả như mong muốn. Ô nhiễm không khí là một vấn đề cấp bách, càng để lâu tác động đến sức khỏe và mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội càng khốc liệt, chi phí để giảm thiểu, khắc phục càng tốn kém.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiền.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiền.

Về giải pháp, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội cần đầu tư đáng kể về mặt tài chính một cách có trọng điểm, ưu tiên cho các chương trình giảm thiểu ô nhiễm trong giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch, rà soát, xóa bỏ các điểm nghẽn về thể chế để huy động đủ các nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề bền vững tại Thủ đô (theo Luật Thủ đô).

Bên cạnh đó là đầu tư kinh phí hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí chung quanh: Bổ sung các trạm quan trắc không khí chung quanh trong nội thành và một số huyện ngoại thành; thí điểm triển khai hệ thống quan trắc cảm biến trên địa bàn toàn thành phố để phát hiện các điểm nóng; thí điểm sửa đổi cơ chế tài chính để duy trì hệ thống quan trắc liên tục, thường xuyên; Xây dựng công cụ dự báo chất lượng không khí...

Xem thêm
4 'nhất' khi đặt mua các dòng xe VinFast Green trong 8 ngày vàng

Ngoài chi phí ban đầu, một trong những yếu tố khiến VinFast Green được săn đón ngay trong những ngày đầu mở cọc là khả năng 'kiếm ra tiền' vô cùng hiệu quả...

Cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km

Thái Bình Gần chục ngày qua, cá chết nổi hàng chục km trên sông Kiến Giang chảy qua các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải… gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Diễn Châu (Nghệ An): 'Gánh nặng' xử lý rác thải vùng ven biển

Một số xã vùng ven biển ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang xảy ra tình trạng đổ rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong công tác quản lý.

Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng

HẢI PHÒNG Hàng nghìn hecta đầm ngoài đê được người dân canh tác theo mô hình kết hợp lúa - rươi tại Hải Phòng đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi Tả Trạch phải kiểm tra chất lượng nước thường xuyên, đảm bảo cho sản xuất.