Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay tỉnh có hơn 82/107km bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau này bị sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể, trong tổng số hơn 82km bờ biển Đông bị sạt lở, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai đầu tư các công trình bảo vệ với chiều dài 41,6km. Còn lại đoạn có chiều dài là 40,7km đang được đề xuất cần bảo vệ bằng giải pháp công trình.
Đối với 41,6km được đầu tư bằng các công trình bảo vệ, đã có gần 13km kè đã và đang được đầu tư xây dựng tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với nguồn lực đầu tư trên 745 tỷ đồng bằng nhiều nguồn đầu tư khẩn cấp. Trong đó, những vị trí đã hoàn thành gồm: Đất Mũi, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) và Tân Thuận (huyện Đầm Dơi). Hiện đang triển khai tại cửa Hốc Năng, kênh Năm Ô Rô - kênh Năm, kênh Năm - Chùm Gọng.
Đối với các vị trí sạt lở đang triển khai các bước đầu tư với chiều dài còn lại là hơn 28,6km, thì trên cơ sở nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án với tổng chiều dài 16,5km.
Trong đó, đang triển khai thực hiện 3,2km, còn hơn 13,2km đang thiếu vốn 780 tỷ đồng. Còn lại là 12,1km, đang được Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi triển khai.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO) đang triển khai thực hiện là 12 km. Trong đó, tiểu dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL (TDA 1) bao gồm 2 hạng mục Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực cửa Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển, với chiều dài hơn 3,3 km và Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Hố Gùi, huyện Ngọc Hiển, chiều dài 3,8 km và Dự án đầu tư xây dựng Kè Hố Gùi hướng về Đất Mũi, chiều dài 5 km.
Các đoạn sạt lở còn lại của bờ biển Đông với tổng chiều dài sạt lở cần giải pháp bảo vệ hơn 82 km. Hiện nay đã và đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư là gần 42 km. Vậy đề xuất mới các công trình bảo vệ bờ biển Đông với chiều dài là gần 41 km.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng Kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Chốn Sóng đến Kênh Năm Ô Rô, thuộc xã Viên An (huyện Ngọc Hiển) dài 4 km, Khu vực sạt lở ven biển xã Tam Giang Đông (từ cửa Sông Bồ Đề đến cửa Sông Hố Gùi) dài 7 km, Khu vực sạt lở ven biển xã Tam Giang Tây (từ cửa Sông Bồ Đề đến cửa Kênh Chà Là) dài 3,7 km, Khu vực sạt lở ven biển xã Tam Giang Tây (từ cửa Kênh Chà Là đến Rạch Láng Cháo) dài 5 km, Khu vực sạt lở ven biển xã Tân Ân (từ cửa Rạch Ô Rô đến Cửa Kiến Vàng) dài 11 km và Khu vực sạt lở ven biển xã Viên An Đông (từ Kênh Hổ đến Cầu Sua Đũa) 10 km.
Theo ông Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã tham mưu UBND tỉnh này góp ý đề xuất Dự án “Xây dựng hạ tầng bảo vệ bờ biển tổng hợp, phòng chống xói lở, chống mất đất vùng ĐBSCL thích ứng với biển đổi khí hậu” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức, ưu tiên đầu tư về phía bờ biển Đông để bảo vệ những đoạn sạt lở nghiêm trọng hơn.
Được biết, những năm qua, tuyến bờ biển Đông nằm song song với đường HCM qua địa bàn huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, bị sạt lở nghiêm trọng. Bình quân sạt lở mỗi năm từ 45-50m, đặc biệt tại những cửa biển, cửa sông.
Theo ông Nam, có những vị trí sạt lở xung yếu nằm cách đường HCM chỉ khoảng 270m, nếu không có những giải pháp kịp thời thì chỉ trong 1 – 2 năm nữa sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường HCM qua địa bàn huyện Ngọc Hiển.