| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 28/01/2024 , 17:15 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:15 - 28/01/2024

Cá nhân tham nhũng đe dọa niềm tin tập thể trong sạch

Cá nhân tham nhũng luôn sợ tập thể trong sạch, nhưng cá nhân tham nhũng liêm minh với cá nhân tham nhũng thành lợi ích nhóm, thì áp chế cả tập thể trong sạch.

Cá nhân tham nhũng lần lượt lộ mặt khi ý thức công chính của xã hội được khơi dậy. Hàng loạt cá nhân tham nhũng đã trả giá cho những hành vi bại hoại. Thế nhưng, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cá nhân tham nhũng không còn hoạt động đơn lẻ, mà kéo bè kết cánh thành lợi ích nhóm trên quan trường.

Những ngày cận tết Giáp Thìn 2024, dư luận xôn xao về hai vụ bắt giữ liên tiếp. Thứ nhất, liên quan đến khuất tất dự án Đại Ninh, hai quan chức đương nhiệm của tỉnh Lâm Đồng là Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đều bị khởi tố. Thứ hai, mở rộng vụ án công ty AIC, hai cựu quan chức của tỉnh Bắc Ninh là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đều bị khởi tố. Nghĩa là người đứng đầu tổ chức Đảng và người đứng đầu chính quyền địa phương đã cùng phạm tội theo giới hạn uy lực bản thân, trong một sự việc càn quấy với những giao dịch mờ ám.

Câu chuyện ở Lâm Đồng và Bắc Ninh, thêm một lần báo động về thực trạng đồng liêu tham nhũng. Trường hợp cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh sánh bước ra tòa trong một vụ án, dường như không còn mang tính cá biệt. Như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, hoặc cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.

Về mặt chức năng, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh có vai trò phụ trách hai cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương thì hai nhân vật chủ chốt này đều được trọng vọng ở mức độ tương đương, khi doanh nghiệp hoặc cấp dưới muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp nào đó. Thế nhưng, vẫn phải nhắc lại nguyên tắc cơ bản, trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh nằm ở sự hỗ trợ và giám sát lẫn nhau trong quá trình phục vụ cộng đồng.

Nhìn vào cơ chế vận hành, người dân luôn mong rằng, nếu Bí thư Tỉnh ủy có biểu hiện chưa chuẩn mực trong công tác chỉ đạo thì có Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, để cùng nhau liêm khiết. Ngược lại, nếu Chủ tịch UBND tỉnh lầm lạc trong công tác điều hành thì có Bí thư Tỉnh ủy uốn nắn, để cùng nhau tiến bộ. Vậy mà, oái oăm thay, cả Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình lao vào ham muốn vật chất thấp hèn, thì không còn mang yếu tố cá nhân tham nhũng nữa.

Ở từng địa phương, mà Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham nhũng thì giá trị của tập thể trong sạch đã bị tê liệt. Chắc chắn, cá nhân tham nhũng không thể lôi kéo toàn bộ tập thể tham nhũng. Chỉ đáng buồn, khi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều suy đồi, thì tập thể trong sạch không biết trông cậy vào ai để đấu tranh cho công bằng và lẽ phải.

Nếu không sớm chấn chỉnh biểu hiện cá nhân tham nhũng liên minh cá nhân tham nhũng để thành lợi ích nhóm trên quan trường, chắc chắn tinh thần cống hiến của cán bộ sẽ nhạt phai. Và tình trạng “lãn công” trong cán bộ sẽ tái diễn như lời ca Trần Tiến từng cảnh tỉnh thời bao cấp “có một người không quên không say, không buồn vui chẳng thương nhớ ai bao giờ/ sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng, một lon cơm khô/ họ chẳng chết bao giờ, vì có sống bao giờ đâu”.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm