| Hotline: 0983.970.780

Cà phê mộng dừa, mở thêm cơ hội cho cây dừa Bến Tre

Thứ Năm 07/09/2023 , 09:36 (GMT+7)

Trong mộng dừa có chứa hoạt chất saponin (chất có nhiều trong sâm ngọc linh) với hàm lượng lên đến 6,44%, được kỳ vọng tạo nên sự thay đổi cho ngành dừa Bến Tre.

Mới đây, Công ty TNHH thương mại và sản xuất dừa Bentre (Bentrecorp) do ông Lý Thái Hồng Minh (hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai) làm chủ đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm cà phê hoà tan Mộng Dừa CT3 "4 in 1"- đặc trưng của xứ dừa Bến Tre. Đây có thể được xem là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất từ mộng dừa.

Theo kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích - Viện nghiên cứu hạt nhân cho thấy trong mộng dừa sấy thăng hoa có chứa chất saponin với hàm lượng lên đến 6,44%. Ảnh: Minh Đảm.

Theo kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích - Viện nghiên cứu hạt nhân cho thấy trong mộng dừa sấy thăng hoa có chứa chất saponin với hàm lượng lên đến 6,44%. Ảnh: Minh Đảm.

Tinh chất quý trong mộng dừa

Bình thường, trái dừa khô để lâu ngày gặp điều kiện thích hợp sẽ nảy mầm bên trong gáo dừa và thoát ra ngoài phát triển thành cá thể mới qua lỗ mộng, gọi là dừa lên mộng. Mộng dừa chính là trung gian vận chuyển nước và chất dinh dưỡng được dự trữ trong gáo dừa để nuôi mầm cây.

Mộng dừa mềm xốp và là một món ăn tuổi thơ quen thuộc của người dân nhiều nơi, nhất là người dân ở một số tỉnh miền Tây - nơi có hàng chục triệu cây dừa xanh phủ bạt ngàn trên các dãy cù lao. Số liệu phỏng đoán, hiện nay ở Bến Tre có khoảng 2 tấn mộng dừa được đào thải ra khỏi sản xuất, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Trăn trở từ những khó khăn của bà con trồng dừa, ông Lý Thái Hồng Minh có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến cà phê, đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai đã bắt tay nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ mộng dừa để giải bài toán kinh tế này. Theo thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Công ty TNHH thương mại và sản xuất dừa Bentre đã được thành lập nhằm tập trung nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến cây dừa, sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Theo kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích (Viện nghiên cứu hạt nhân) cho thấy, trong mộng dừa sấy thăng hoa có chứa chất saponin với hàm lượng lên đến 6,44%. Đây là một hoạt chất có nhiều trong sâm ngọc linh rất tốt cho sức khỏe. Saponin có thể làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, kích thích sản xuất kháng thể và tăng cường khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất saponin còn có khả năng chống lại và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Qua kết quả đáng phấn khởi trên, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã định hướng, chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và sản xuất. “Khi mình đưa ra ý tưởng là sẽ nghiên cứu tìm giải pháp tiêu thụ mộng dừa cho bà con xứ dừa Bến Tre thì được lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ”, ông Lý Thái Hồng Minh cho biết.

Sản phẩm cà phê Mộng Dừa CT3 '4 in 1' đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự đón nhận của người tiêu dùng. Đây cũng là những nền tảng vững chắc để cà phê Mộng Dừa vươn xa ra thị trường trong nước và thế giới, hình thành một thức uống đặc trưng của xứ dừa - Bến Tre. Ảnh: Hữu Đức.

Sản phẩm cà phê Mộng Dừa CT3 "4 in 1" đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự đón nhận của người tiêu dùng. Đây cũng là những nền tảng vững chắc để cà phê Mộng Dừa vươn xa ra thị trường trong nước và thế giới, hình thành một thức uống đặc trưng của xứ dừa - Bến Tre. Ảnh: Hữu Đức.

Sau đó, được sự hỗ trợ và định hướng của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Công ty Bentrecorp đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại để cho ra các sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có cà phê hoà tan Mộng Dừa CT3 "4 trong 1".

Kết quả là, những hạt cà phê chất lượng từ cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) được chọn lựa kỹ lưỡng để kết hợp với mộng dừa Bến Tre tạo nên những ly cà phê đậm đà mang hương vị đặc trưng của xứ sở và tốt cho sức khỏe. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển gia tăng chuỗi giá trị ngành dừa Bến Tre.

Ông Lý Thái Hồng Minh, Giám đốc Công ty Bentrecorp chia sẻ khó khăn trong quá trình sản xuất: “Nếu chỉ bán tinh chất mộng dừa thì chắc chắn sẽ không bán được. Sản phẩm tiêu dùng bây giờ phải ngon và đẹp mắt thì khách hàng mới mua. Tôi có gần 20 năm kinh nghiệm gia công sản phẩm cà phê nên mới thử nghiệm kết hợp mộng dừa với cà phê thành sản phẩm cà phê hoà tan. Ban đầu chúng tôi cũng gặp nhiều sự cố do phải vận chuyển từ Bến Tre về Di Linh, bảo quản không kỹ mộng bị nứt hút nước, lên men, gắt dầu… làm hư rất nhiều mẻ. Khi sản xuất xong sản phẩm cũng phải đi khai mở thị trường cho khách hàng dùng thử hàng tháng trời để điều chỉnh công thức”.

Mong ước mở ra thị trường mới

Từ ý tưởng ban đầu là làm sao xử lý cái khó cho bà con nông dân về tiêu thụ trái dừa khi bị lên mộng, đến nay sản phẩm cà phê hoà tan Mộng Dừa CT3 "4 in 1" được đưa vào sản xuất, qua đó tiêu thụ được phần nào lượng mộng dừa ở tỉnh Bến Tre. Công ty đang mong muốn sẽ giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng, tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm thấy được tiềm năng của mộng dừa. Thông qua đó tạo ra không gian mới có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp về Bến Tre đầu tư để làm sao khai thác hết, nhiều hơn nữa lượng mộng dừa của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Mộng dừa để lâu sẽ lên mầm, gây khó khăn cho nông dân, tuy nhiên sản phẩm mới được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết thực trạng này. Ảnh: Minh Đảm.

Mộng dừa để lâu sẽ lên mầm, gây khó khăn cho nông dân, tuy nhiên sản phẩm mới được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết thực trạng này. Ảnh: Minh Đảm.

“Dĩ nhiên là mình không khuyến khích bà con để dừa lên mộng bán cho mình, mà chủ yếu là tiêu thụ dừa đã lên mộng. Thường mùa mưa sắp tới dừa sẽ mất giá, chỉ cần thu mua chậm là nó khô, lên mộng ra dầu. Bà con sẽ không bán được, khi đó mình có thể khai thác bán mộng dừa. Tuy nhiên, công ty cũng mong muốn phối hợp với các ngành chuyên môn như khuyến nông để phối hợp khai thác mộng khi còn nhỏ để cơm dừa, nước dừa vẫn còn sử dụng tốt nhằm gia tăng giá trị trái dừa. Thay vì một trái dừa khô bán 5.000 đồng thì khai thác bán mộng cũng được 2.000 đồng, thêm trái dừa 4.000 đồng nữa là thành ra 6.000 đồng”, ông Lý Thái Hồng Minh chia sẻ.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết thêm ở góc độ khác khi lột dừa thường xuất hiện tỷ lệ dừa bị lên mộng từ 5-10%, người dân phải chẻ ra bỏ mộng lấy nước bán cho các cơ sở chế biến thạch dừa, còn lại cơm dừa phải sơ chế rất tốn công. Khi bán được mộng dừa sẽ bù đắp một phần chi phí do dừa bị lên mộng. Ở góc độ lớn hơn, người dân không còn sợ thương lái ép giá do dừa bị lên mộng nữa...

Dừa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre với tổng diện tích đạt trên 78.000ha, sản lượng trên 800 triệu trái/năm, phân bổ trên địa bàn 9 huyện, thành phố của tỉnh. Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa với nguyên liệu đầu vào từ vỏ cơm dừa, nước dừa cùng với sự đồng hành và quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm mới nhằm gia tăng chuỗi giá trị các sản phẩm của cây dừa.

Tuy nhiên, một thời gian dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến ngành dừa cả nước cũng như ở Bến Tre gặp vô vàn khó khăn, do lượng dừa khô tồn đọng quá lớn, lên mộng làm giảm chất lượng dừa.

“Với điều kiện tiếp cận, chế biến sản phẩm từ mộng dừa khá thuận lợi, chúng tôi đã tìm hiểu và vận động ông Minh đi vào tìm hiểu thực tế tại Bến Tre, đặc biệt là mộng dừa. Có thể nói cà phê hoà tan mộng dừa là sản phẩm đầu tiên từ mộng dừa. Để có thể cho ra mắt sản phẩm là một quá trình nghiên cứu kỳ công. Chúng tôi cảm ơn công ty đã nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm mới từ mộng dừa”, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết.

Ông Trần Ngọc Tam (bên phải) - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chúc mừng sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam được chế biến từ mộng dừa. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Trần Ngọc Tam (bên phải) - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chúc mừng sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam được chế biến từ mộng dừa. Ảnh: Hữu Đức.

Thời gian tới, ông Trần Ngọc Tam Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Bentrecorp nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm từ dừa, mộng dừa trên cơ sở tận dụng chất saponin, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành dừa Bến Tre, nâng cao chuỗi giá trị và cải thiện thu nhập của bà con trồng dừa.

Được biết, hiện Bentrecorp cũng đang triển khai phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng mã số vùng trồng. Công ty đã và đang triển khai vùng trồng dừa ở các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri để đảm bảo vùng trồng ổn định đưa trái dừa của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng vươn xa theo con đường chính ngạch. Ngoài sản phẩm cà phê hoà tan mộng dừa, ông Lý Thái Hồng Minh chia sẻ thêm, doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu thêm một số sản phẩm khác từ dừa như mật hoa dừa.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.