| Hotline: 0983.970.780

Ca sĩ dân gian không thể làm "rác" âm nhạc

Thứ Sáu 21/12/2012 , 10:11 (GMT+7)

Lương Nguyệt Anh luôn khẳng định sức sống bền bỉ của âm nhạc dân gian sẽ là nguồn “năng lượng” thúc đẩy cô tiếp tục làm việc và cống hiến.

Sau khi lên ngôi Giải Nhất dòng nhạc dân gian ở Sao Mai 2011, Lương Nguyệt Anh - cô gái đến từ Bắc Giang đã cho ra đời 2 album. Với mỗi dòng âm nhạc đều có đối tượng nghe nhạc riêng và Lương Nguyệt Anh luôn khẳng định sức sống bền bỉ của âm nhạc dân gian sẽ là nguồn “năng lượng” thúc đẩy cô tiếp tục làm việc và cống hiến.

Trò chuyện với NNVN khi phát hành album mới “Câu hát người thương”, Nguyệt Anh cho rằng: “Các ca sĩ dân gian như tôi không sống nhiều về bề nổi của truyền thông. Và tôi luôn trọng người tài hơn người nổi tiếng, đó cũng là tiêu chí làm nghề của tôi”.

HÁT DÂN GIAN… KHÔNG DỄ KIẾM TIỀN

Cuộc sống của chị dạo này có gì vui và có gì buồn? Nhạc dân gian không nhiều hoạt động rầm rộ, chị có bao giờ tự thấy chán nghề?

Tôi nghĩ buồn, vui là cảm xúc hàng ngày của mỗi người, tôi cũng vậy. Nhiều khi cũng buồn, nhất là khi tôi kì vọng vào gì đó mà kết quả nhận về là sự thất vọng, đặc biệt trong âm nhạc. Còn vui thì tôi có cảm xúc đó nhiều hơn, vì mỗi lần bước ra sân khấu cất tiếng hát, là lúc tôi vui nhất. Ca sĩ mà, cứ được hát là vui rồi.

Tôi chưa và sẽ không bao giờ chán nghề hát. Tôi có thể buồn chán điều khác trong cuộc sống, riêng hát thì không, vì với tôi, hát chính là cuộc sống của mình.

Sau Sao Mai 2011, có vẻ Nguyệt Anh là người chăm ra đĩa nhất, liệu chị không sợ khán giả hồ nghi về chất lượng “đứa con tinh thần” của chị?

Với tôi, danh tiếng không quan trọng bằng tài năng. Một người có tài năng thì luôn phải có những sản phẩm âm nhạc tốt. Tôi là ca sĩ theo dòng nhạc dân gian, không quá cầu kỳ trong việc xây dựng hình ảnh hoặc truyền thông, tôi quan trọng nhất là khán giả phải thấy mình hát thật hay, thật cảm xúc để được yêu mến. Vì thế, mỗi khi hát trên sân khấu hay làm đĩa thì tôi luôn rất cẩn thận, trau chuốt để mình có thể hát hay nhất nhằm phục vụ khán giả.

Có nhiều người hồ nghi về giới ca sĩ thuộc dòng dân gian, rằng hát nhạc dân gian hiện nay có dễ kiếm tiền vì ít sự cạnh tranh như các ca sĩ nhạc nhẹ?

(Lắc đầu) Tôi nghĩ kiếm tiền thì không dễ, nghề nào cũng khó. Nhưng đúng là nếu đem so với các ca sĩ nhạc nhẹ thì chúng tôi ít cạnh tranh hơn, hay nói đúng hơn là cạnh tranh một cách rất lành mạnh.

Anh chị em thường là cạnh tranh bằng cách sáng tạo cách hát riêng cho mình, nếu anh A, chị B làm đĩa này hay thì tôi cũng phải cố gắng làm chất lượng cho bằng anh, bằng chị, mà được hơn thì càng tốt, đấy là cạnh tranh về nghề, và khán giả là người được lợi nhất, vì họ sẽ được nghe các sản phẩm hay.

Còn trong đời sống, các nghệ sĩ dân gian thường rất quý mến nhau, đùm bọc và yêu thương nhau vì chúng tôi đếm đi đếm lại cũng chỉ chừng một hai chục ca sĩ từ già đến trẻ, vì thế đều coi nhau như anh em một nhà.

Điều khó khăn nhất mà các ca sĩ dòng dân gian thường gặp phải là gì?

Đó là vốn bài hát quá khiêm tốn. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ chừng ấy bài, mà toàn là những bài từ ngày xưa, có nhiều bài đóng đinh với một số ca sĩ gạo cội. Khi hát lại vừa run, vừa lo vì đó là một thử thách.

Bây giờ các nhạc sĩ sáng tác dân gian đã ít, bài hay thì lại càng hiếm hơn. Thế nên mới có chuyện cứ có một ca khúc mới thì hết ca sĩ này đến ca sĩ khác hát, vì nó hay nên ai cũng thích. Chỉ có điều mỗi người sẽ tìm cách làm khác đi để đỡ “dẫm chân” nhau thôi. Tôi mong các nhạc sĩ bây giờ sáng tác nhiều ca khúc có chất “thuần” dân gian hơn nữa để chúng tôi được nhờ.

ALBUM CỦA TÔI PHẢI ĐẠT ĐIỂM 7

Nguồn thu nhập hiện tại của một ca sĩ dân gian như chị có đủ để đầu tư cho album?

Tôi nghĩ là mức độ đầu tư trung bình khá, không quá đắt mà cũng không quá rẻ. Nói chung cũng như các ca sĩ nhạc nhẹ ra đĩa bình thường, không có video clip tặng kèm, không cầu kỳ vỏ đĩa hoặc album ảnh hoành tráng. Nếu cho điểm 10 là đầu tư “xịn” nhất thì tôi nghĩ đĩa của tôi ở mức điểm 7.

Đĩa đầu tiên thì tôi có “đại gia” là bố mẹ tài trợ gần như 100%, khi ấy vừa đi thi hát xong. Sang đĩa thứ 2 này thì bố mẹ chỉ là người đứng ngoài “yểm trợ” khi cần thiết, còn lại là cát-sê của tôi dành dụm một năm đi hát. Tôi dường như không sắm sanh chơi bời, tôi chỉ hát, rồi tích cóp, rồi nghĩ đến chuyện làm đĩa thôi. Tôi đang tập trung gần như tuyệt đối công sức và sự quan tâm cho việc ca hát.

Các ca sĩ dòng dân gian khó sinh ra các thảm họa âm nhạc và… miễn nhiễm với các đại gia. Đúng vậy không?

Tôi nghĩ ca sĩ dân gian không sinh ra “thảm họa” âm nhạc là vì, nếu hát dân gian mà không học hành bài bản thì rất khó mà hát được. Vì những ca khúc dân gian thường phải lấy kỹ thuật hát cổ điển làm cơ bản, những đoạn ngân, rung, luyến láy không phải tự nhiên mà có. Đã thế lại không nhảy nhót múa may tưng bừng được để khỏa lấp giọng hát, nên ca sĩ hát dân gian đều được học hành, mà đã học hành thì không thể làm “rác” âm nhạc được.

Còn chuyện đại gia thì cũng khó nói. Nhưng tôi nghĩ các ca sĩ dân gian, đa phần họ xuất thân từ các miền quê, họ làm việc từ nhỏ và hiểu được giá trị của đồng tiền, giá trị của công việc, vì thế họ khó có thể bị sa ngã bởi đồng tiền.

… và không sống về bề nổi nên sẽ khó dính vào tin đồn, ví dụ nhé, chị có sợ bị dính vào tin đồn cặp kè đại gia?

Như tôi nói đấy, tôi luôn có lòng tự trọng. Tôi là con gái nhưng không muốn dựa vào người khác, trừ khi đó là bố mẹ tôi. Tôi nhẹ nhàng, yếu đuối trên sân khấu nhưng ngoài đời tôi rất mạnh mẽ, thậm chí, nhiều người bảo tôi vừa ngang, vừa bướng, không dễ ai “điều khiển” được tôi đâu.

Trong các ca sĩ trẻ theo dòng dân gian hiện nay, chị thích ai và đánh giá cao ai? Chị có sợ bị chê không?

Tôi ngưỡng mộ chị Anh Thơ lắm. Ở chị ngoài giọng hát tuyệt vời, kỹ thuật thì khỏi nói, điêu luyện và bài bản lắm, còn nữa, là sự nghiêm túc trong công việc và đam mê với nghề. Đó là điều những ca sĩ trẻ như chúng tôi luôn trân trọng và học tập.

Cô gái Bắc Giang xinh đẹp - người đã đăng quang giải nhất dòng nhạc dân gian Sao Mai 2011 - Lương Nguyệt Anh vừa mới ra mắt khán giả yêu nhạc cả nước album vol2 có tựa đề "Câu hát người thương".

Album thứ 2 “Câu hát người thương” của Lương Nguyệt Anh gồm 11 bài hát mang âm hưởng dân ca vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Những ca khúc như: "Ơi con sông Ngàn Phố" (Trần Hoàn), "Đi tìm câu hát lý thương nhau" (Vĩnh An), "Nhớ đêm giã bạn" (Nguyễn Tiến), "Thơ tình cuối mùa thu" (Phan Huỳnh Điểu), "Gió đánh đò đưa" (dân ca)… đã từ lâu trở nên thân quen với khán giả yêu dòng nhạc dân gian. Những ca khúc này từng được các giọng ca tên tuổi như Thu Hiền, Thanh Hoa, Trung Đức... trình bày, nhưng đã được Lương Nguyệt Anh “làm mới” bằng phối khí và cách hát mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại, khiến nó thêm một lần sống lại với thế hệ khán giả của ngày hôm nay, trong đó sẽ có nhiều người trẻ, những người yêu mến tiếng hát của ngôi sao thuộc thế hệ 9X Lương Nguyệt Anh.

Hồi trước, tôi từng bị các nhà báo và giám khảo chê nhiều khi thi Sao Mai năm 2009 chứ, hồi đó tôi mới đi học, chỉ có giọng hát bản năng mà còn non và thiếu kỹ thuật cũng như kinh nghiệm.

Trong nghề hát thì đương nhiên là sợ bị chê hát dở rồi, rất may là tôi chưa bị chê hát dở, hoặc có thể có người chê nhưng tôi chưa nghe thấy (cười). Tôi có buồn nhưng không thất vọng và không chán nản. Tôi là người mạnh mẽ, nếu ai chê, thay vì ghét hay giận người đó, tôi âm thầm nỗ lực tập luyện để chứng minh cho họ thấy mình không dở. Đó mới là tính cách của tôi. 

Sự mềm mại của dòng nhạc dân gian có phản ánh tính cách của chị trong cuộc sống đời thường?

Thực ra tôi thấy các ca sĩ dân gian thường mộc mạc, chân chất giống như dòng nhạc họ theo đuổi. Tôi nghĩ với người thân và… người yêu thì tôi sống rất tình cảm và nặng tình, có lẽ đó cũng chính là bản chất của những người dân quê, nơi sản sinh ra những câu hát dân ca.

Đôi mắt chị khá sắc lạnh và cứng rắn, chị có hay khóc vì những chuyện buồn? Đối mặt với những chuyện buồn, chị thường giải quyết như thế nào?

Tôi “cứng” và ngang bướng lắm, nhưng lại thuộc dạng dễ khóc. Vì mạnh mẽ, cứng rắn nên tôi thường khóc khi bị… oan ức, vì lúc đó mình nghĩ họ không hiểu mình, những cái mình làm là vì nghề hát, vì những người thân mà họ cố tình hiểu sai đi thì thực sự rất khó chịu, khóc là cách để tôi giải tỏa tâm lý. Nhưng với tôi, khóc không đồng nghĩa với yếu đuối và gục ngã. Mỗi lần khóc xong tôi lại phải đứng dậy một cách mạnh mẽ hơn.

Cảm ơn Lương Nguyệt Anh đã chia sẻ!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm