| Hotline: 0983.970.780

Cá sủ đất, đối tượng nuôi biển nhiều tiềm năng

Thứ Sáu 08/11/2024 , 06:30 (GMT+7)

Cá sủ đất là đối tượng nuôi biển đầy tiềm năng, không chỉ lớn nhanh, giá trị kinh tế cao mà còn có thể nuôi trong môi trường mặn, lợ.

Cá sủ đất nuôi càng lớn chất lượng thịt càng ngon. Ảnh: KS.

Cá sủ đất nuôi càng lớn chất lượng thịt càng ngon. Ảnh: KS.

Cá sủ đất có tên khoa học là Protonibea diacanthus, tên tiếng Anh là blackspotted croaker (hay black jewfish) thuộc họ cá lù đù Sciaenidae. Chúng phân bố nhiều ở vùng biển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cá sủ đất lớn nhanh, có giá trị kinh tế cao và có thể nuôi được trong môi trường mặn hoặc lợ, phù hợp với điều kiện nuôi ở các tỉnh ven biển nước ta. Đến nay, một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định đã triển khai thành công mô hình nuôi thương phẩm cá sủ đất trong lồng và trong ao.

Nhận thấy tiềm năng của loài cá này, từ năm 2021 đến nay, Viện Nuôi trồng Thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) đã triển khai đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sủ đất tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh làm chủ nhiệm. 

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình nuôi vỗ cá bố mẹ, cho đẻ và ấp nở trứng, quy trình ương giống, sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá sủ đất, đồng thời tổ chức hội thảo tập huấn nhân rộng mô hình...

Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh cho biết, cá sủ đất hoàn toàn có thể sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ở điều kiện tỉnh Khánh Hòa cũng như các tỉnh Nam Trung bộ. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy cá sủ đất bố mẹ nuôi tại vùng biển Khánh Hòa có thể sinh sản từ tháng 3 - 11 hàng năm với tỷ lệ thành thục đạt trung bình 75,81%. Sức sinh sản của cá mẹ dao động từ 43.838 - 215.652 trứng/kg, trung bình đạt 125.782 trứng/kg cá mẹ, tỷ lệ thụ tinh đạt gần 78%, tỷ lệ nở gần 80,6%.

Con giống cá sủ đất. Ảnh: KS.

Con giống cá sủ đất. Ảnh: KS.

Đề tài sản xuất được gần 90.000 con cá giống cỡ 4 – 6cm, tỷ lệ sống cá bột lên cá hương là 15,8%, tỷ lệ sống cá hương lên cá giống 73,1%. Kết quả thử nghiệm nuôi thương phẩm cho thấy, cá giống cỡ 5 - 6cm sau thời gian nuôi trong lồng 12 tháng bằng thức ăn công nghiệp đạt trọng lượng từ 1,2 – 2,1kg/con, trung bình 1,6kg/con, tỷ lệ sống trung bình 70%, năng suất 8,2kg/m3 lồng nuôi, hệ số FCR trung bình 2,34.

Ngoài ra, đề tài cũng thực hiện chuyển giao kỹ thuật để xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất giống và 3 mô hình nuôi thương phẩm cho người dân địa phương với số lượng giống sản xuất ra là 41.000 con, cỡ 4 – 6cm và 3.160kg cá thương phẩm.

Tuy nhiên, cá sủ đất là đối tượng nuôi mới, thị trường ở Khánh Hòa vẫn chưa biết đến phổ biến nên đầu ra cá thương phẩm của các mô hình nuôi gặp nhiều khó khăn do nhu cầu mua và giá bán thấp.

Theo ông Tô Minh Cường, một trong những hộ thí điểm nuôi thương phẩm tại Hòn Thị, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết, cá sủ đất khó nuôi giai đoạn đầu, tuy nhiên khi cá đạt từ 0,2 - 0,3kg/con thì dễ nuôi, lớn nhanh và ít hao hụt. Vụ vừa qua, ông nuôi thử nghiệm 3.000 con giống, sau khoảng 1 năm nuôi, cá đạt khối lượng khoảng 2 – 3kg/con.

Nuôi cá sủ đất tại Hòn Thị, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi cá sủ đất tại Hòn Thị, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Chất lượng thịt cá khá ngon, song đây là loài nuôi mới nên chưa được thị trường đón nhận nhiều, giá thu mua của thương lái chưa cao, khoảng 75.000 – 120.000 đồng/kg. Với giá thành sản xuất cá thương phẩm dao động từ 95.000 đến 104.000 đồng/kg, người nuôi chưa có lãi. Thời gian đến, nếu đầu ra ổn định, ông sẽ tiếp tục mở rộng nuôi đối với loài cá này.

Theo Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, cá sủ đất có thể ăn thức ăn công nghiệp lẫn thức ăn tươi. Sau khi kết thúc giai đoạn nuôi đầu, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm nuôi cá từ cỡ 1,5 – 2kg/con bằng thức ăn công nghiệp kết hợp với cá tươi, sau 24 – 25 tháng cá có thể đạt khối lượng 6 – 12kg/con. Đặc biệt với điều kiện nhiệt độ ấm và ổn định quanh năm tại Khánh Hòa, cá sinh trưởng nhanh hơn. Nếu được nuôi trong không gian rộng hơn như hệ thống lồng tròn HDPE, tốc độ sinh trưởng của cá còn có thể cải thiện hơn nữa.
Hiện tại, cá sủ đất vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường chưa đủ mạnh để tiêu thụ hết sản phẩm từ các hộ nuôi khiến nhiều người lo ngại về việc mở rộng quy mô nuôi. Thế nhưng cá này khi nuôi đạt từ 5 – 6kg/con thì chất lượng thịt sẽ ngon hơn cá cỡ 1 – 2kg. Hơn nữa khi cá có trọng lượng trên 6kg không chỉ cung cấp thịt, mà sản phẩm phụ từ cá là bóng hơi cũng có giá trị rất cao trên thị trường.

Bóng hơi của cá sủ đất có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Ảnh: AM.

Bóng hơi của cá sủ đất có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Ảnh: AM.

Theo đó, cá sủ đất 6 – 7kg thì bóng hơi thu được khoảng 60 – 80gram giúp người nuôi có thêm thu nhập từ 400.000 – 600.000 đồng/con.

Để phát triển, nhân rộng nuôi loài cá này, Tiến sỹ Ngô Văn Mạnh cho rằng cần quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, hoàn thiện kỹ thuật nuôi, kết hợp chế biến tạo giá trị gia tăng và khai thác bóng hơi nhằm đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận nhiều phân khúc thị trường với sự tham gia doanh nghiệp.

Vừa qua, đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sủ đất tại Khánh Hòa” đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu và đánh giá, xếp loại đạt yêu cầu.

Việc xây dựng thành công quy trình sản xuất giống cá sủ đất ở quy mô thương mại và việc chủ động sản xuất con giống tại địa phương sẽ thúc đẩy sự phát triển của các trại nuôi cá biển, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.