| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 1] Tận dụng lợi thế

Thứ Ba 10/12/2024 , 15:49 (GMT+7)

Khánh Hòa có nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển, tỉnh này đã tận dụng lợi thế này để mở toang cánh cửa kinh tế ra phía biển.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Phát huy lợi thế

Khánh Hòa có chiều dài bờ biển 385km với 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh như Vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang và đầm Nha Phu. Địa phương này cũng tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như: Trường Đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III... Các đơn vị kể trên hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chủ động sản xuất được nhiều giống mới, hoàn thiện nhiều quy trình nuôi biển tiên tiến cho năng suất cao để chuyển giao cho ngư dân.

“Khánh Hòa là một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung. Đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng, gồm nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú và tôm chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm…”, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết.

Lồng bè nuôi biển bằng vật liệu HDPE chắc chắn, thân thiện với môi trường. Ảnh: KS.

Lồng bè nuôi biển bằng vật liệu HDPE chắc chắn, thân thiện với môi trường. Ảnh: KS.

Từ những lợi thế đó, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra mục tiêu “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”. Trong đó, xác định công tác xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế biển.

Giúp ngư dân tiến ra biển lớn

Để tạo cơ hội cho ngư dân tiến ra vùng biển hở, Khánh Hòa đã ban hành một số chính sách phát triển thủy sản, cụ thể là Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020”.

Trong đó, có quy định về việc hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ hoặc Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 15/5/2020 của HĐND tỉnh về việc “Quy định chính sách tín dụng và mức vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.

“UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy định về chính sách hỗ trợ tín dụng (mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ lãi suất, hạn mức vay vốn hỗ trợ lãi suất...) đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành", ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho hay.

Tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ người dân tiến ra biển lớn để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ người dân tiến ra biển lớn để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Cũng theo ông Quang, để triển khai hiệu quả chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhằm giúp người dân hạn chế rủi ro khi nuôi trồng thuỷ sản trên biển, Khánh Hòa đã xây dựng nghị quyết hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển. Khánh Hòa còn hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thuỷ sản nuôi trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, lợi thế của nghề nuôi biển hiện nay là từ Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đến Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT trong phát triển nuôi biển ở Việt Nam.

Nhiều địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang cũng đã ban hành kế hoạch hành động, cụ thể hóa Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã xác định nuôi biển đóng vai trò “đặc biệt quan trọng” trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

“Các địa phương ven biển cần lấy những chủ trương trên làm lợi thế để phát triển nghề nuôi biển để phát triển kinh tế biển nhằm đưa nghề nuôi biển đi theo hướng bền vững”, PGS.TS Võ Văn Nha nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.