Sử dụng công nghệ, vật liệu mới
Để phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ tiên tiến tại Khánh Hòa. Theo đó, ngành chức năng Khánh Hòa phổ biến, hướng dẫn người nuôi chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE hiện đại để giảm thiểu rủi ro, thích ứng với thiên tai bằng các mô hình khuyến nông.
Khánh Hòa cũng đã xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ tiên tiến. Trong đó, xác định vị trí, đối tượng, công nghệ áp dụng để phát triển nuôi công nghệ cao ở vùng biển từ bờ đến 3 hải lý và vùng biển từ 3 đến 6 hải lý.
Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, về công nghệ nuôi biển trong khu vực tính từ bờ đến 3 hải lý, ngành chức năng khuyến cáo ngư dân áp dụng tổ hợp công nghệ lồng nhựa tổng hợp PolyEthylen mật độ cao (HDPE), có thể di chuyển được; lồng bán chìm linh động, nhiều tầng, phao nổi, kết hợp các công nghệ bổ trợ như: Công nghệ cho ăn tự động, giám sát các yếu tố môi trường tự động (đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường cơ bản, có liên quan trực tiếp đến vật nuôi), công nghệ năng lượng mặt trời, camera giám sát hoạt động sống của vật nuôi (trong phạm vi lồng nuôi và vùng nước lân cận nhỏ hơn 10m).
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, mô hình nuôi biển tiên tiến có thể hiểu là mô hình được áp dụng tích hợp công nghệ nuôi thủy sản bằng vật liệu mới (như vật liệu HDPE có thể chịu được sóng to, gió lớn) với một hay nhiều công nghệ bổ trợ khác như công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát lồng nuôi, thủy sản nuôi bằng việc lắp đặt camera theo dõi hoạt động trên lồng bè và hoạt động sống của vật nuôi; công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ quản lý, sử dụng thức ăn công nghiệp (được bổ sung chế phẩm sinh học, men vi sinh, khoáng chất…) nhằm tối ưu hóa hệ số sử dụng thức ăn.
Ngoài ra, công nghệ quan trắc, giám sát môi trường tự động (đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường cơ bản, có liên quan trực tiếp đến vật nuôi) cũng có thể được tích hợp để chuyển tải toàn bộ cơ sở dữ liệu thu được đến người nuôi biển thông qua hệ thống internet hay điện thoại thông minh (Smart phone).
Tích hợp nhiều công nghệ
Cũng theo ông Quang, đối với nuôi biển trong khu vực từ 3 đến 6 hải lý, ngành chức năng khuyến cáo ngư dân áp dụng lồng nuôi bằng vật liệu nhựa tổng hợp PolyEthylen mật độ cao (HDPE) với dạng lồng tròn nổi, kết hợp với các công nghệ hiện đại khác như: Công nghệ cho ăn tự động, công nghệ “Clean Harvest” tích hợp công nghệ thu hoạch và sơ chế cá trực tiếp trên biển, bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C và đưa vào nhà máy chế biến; công nghệ giám sát môi trường tự động quản lý trang trại nuôi biển; công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như chủ động năng lượng cho nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý bằng việc sử dụng điện gió, điện mặt trời hoặc năng lượng tái tạo khác.
Đến nay, một số vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tại Khánh Hòa đã sớm tiếp cận công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE. Năm 2000, Công ty TNHH Ngọc Trai đã đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Tiếp theo, năm 2006 Công ty TNHH Marine Fams ASA Việt Nam (Na Uy) và năm 2007 là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam bắt đầu đầu tư thiết bị và công nghệ nuôi cá biển bằng lồng HDPE quy mô công nghiệp ở vịnh Vân Phong. Năm 2020, ông Nguyễn Xuân Hòa (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) bắt đầu tiếp cận và đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE ở vịnh Vân Phong.
“Đây là những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiên phong nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE trên biển tại Khánh Hòa. Ưu điểm của hệ thống nuôi công nghệ cao bằng lồng HDPE là đảm bảo hiệu quả, bền vững và an toàn trong điều kiện bất thường của thời tiết.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc ứng dụng công nghệ vào nuôi biển còn mang lại hiệu quả về môi trường cũng như hiệu quả về xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của người nuôi, khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương...”, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa nhấn mạnh.
“Công nghệ vật liệu mới HDPE giữ vai trò then chốt, các công nghệ khác như công nghệ thông tin (camera giám sát hoạt động sống vật nuôi…), công nghệ tự động hóa (cho ăn và giám sát môi trường tự động…), công nghệ sinh học (sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh trong quá trình nuôi…) áp dụng bổ trợ, linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể ở từng tiểu vùng nuôi biển, từng loài nuôi biển cụ thể”, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết.