* Giá trị XK 2018 đạt ít nhất trên 2,2 tỷ USD
Lần đầu đạt 2 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, XK cá tra vẫn tăng trưởng ở mức cao là 32% và đạt 212 triệu USD. Qua đó, đưa XK cá tra trong 11 tháng đầu năm nay đạt trên 2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên, giá trị XK cá tra vượt mốc này. Với giá trị XK cá tra đã đạt được trong 11 tháng qua, đến hết năm nay, ngành hàng cá tra sẽ cầm chắc trong tay giá trị XK ít nhất là trên 2,2 tỷ USD.
Chế biến cá tra XK (Ảnh: Lê Hoàng Vũ) |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng mạnh của giá trị XK cá tra trong năm nay là giá cả và các sản phẩm có giá trị cao. Năm nay, sản lượng cá tra thu hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu thu mua, chế biến XK của các DN, đã khiến cho giá cá nguyên liệu trong nước và giá cá tra XK đều tăng mạnh. Điều này đã góp phần quan trọng giúp cho giá trị XK cá tra từ đầu năm tới nay luôn đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Việc các DN đầu tư mạnh vào chế biến các sản phẩm cá tra có giá trị cao để XK, cũng góp phần đáng kể làm tăng mạnh giá cá tra XK và giá trị XK cá tra. Sự bùng nổ của thị trường Trung Quốc là động lực mạnh mẽ để các DN nâng cao chất lượng và các sản phẩm chế biến khi XK vào nước này. Tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm cá tra giá trị cao của Việt Nam cũng xâm nhập ngày càng mạnh vào các hệ thống siêu thị, nhà hàng, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh…
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, giá trị XK thủy sản nói chung đạt 799,05 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng 11/2017. Như vậy, trong 11 tháng đầu năm, XK thủy sản đã đạt 8,03 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Không những thế, các sản phẩm cá tra giá trị cao, chất lượng tốt, có chứng nhận quốc tế… đã giúp cho cá tra Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt ở thị trường EU sau mấy năm trời liên tục suy giảm do bị truyền thông bôi nhọ. Đây là sự thay đổi rõ rệt trong XK cá tra sang EU, bởi nếu như trước đây, các DN cá tra khi XK sang thị trường này, thường cạnh tranh bằng giá cả, thì nay đã tập trung vào chất lượng sản phẩm, các sản phẩm giá trị cao và tiêu chuẩn VSATTP.
2019 vẫn thuận lợi
Theo ông Trương Đình Hòe, trong năm 2019, dự báo vẫn sẽ là một năm thuận lợi đối với người nuôi, nhà chế biến, XK cá tra. Bởi thị trường XK vẫn khá thuận lợi và các thị trường đã có sự định hình khá rõ về lượng, quy cách, chất lượng sản phẩm…
Hiện nay, khi thu mua, chế biến cá tra, các DN đã tính toán được ngay phần nào sẽ XK sang Mỹ, sản phẩm nào đi EU, mặt hàng nào bán sang Trung Quốc… Hay để bán cá tra sang Trung Quốc thì phải tập trung vào các sản phẩm như cá tra xẻ bướm, cá tra philê...
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL |
Riêng với thị trường Trung Quốc, hiện nay, vận chuyển sản phẩm cá tra từ ĐBSCL đi đường biển tới Thượng Hải, Thâm Quyến, cũng bằng thời gian vận chuyển bằng đường bộ đi qua biên giới phía Bắc. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN đẩy mạnh XK chính ngạch sang Trung Quốc. Qua đó, giúp cho việc những khi Trung Quốc kiểm soát chặt NK qua đường biên mậu, thì đầu ra cho cá tra vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Điều này thể hiện rất rõ trong tháng 11 vừa qua, khi Trung Quốc kiểm soát chặt NK cá tra Việt Nam qua đường bộ, nhiều DN đã nhanh chóng chuyển sang XK bằng đường biển.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những yếu tố gây bất lợi tới XK cá tra. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động không tốt tới kinh tế Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng tới thu nhập của người dân nước này. Khi thu nhập bị ảnh hưởng, người ta có thể bớt dùng sản phẩm NK, tăng cường sử dụng sản phẩm nội địa.
Trong năm 2018, giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức cao đã kích thích nhiều người đầu tư nuôi cá tra trở lại. Điều này có thể dẫn tới việc sản lượng cá tra nguyên liệu tăng lên ở mức cung vượt cầu trong một vài thời điểm nào đó trong năm 2019. Tuy nhiên, sự biến động này sẽ không lớn và sẽ không kéo dài như những năm trước đây. Vì thị trường đã định hình và sự chặt chẽ hơn trong việc cho vay vốn của các ngân hàng khiến cho những người muốn đầu tư nuôi cá tra phải tính toán thật kỹ càng sao cho có hiệu quả nhất.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEPVới con cá tra, cần phải tính toán căn cơ hơn một chút. Trước hết, cần phải xác định xem tỷ trọng của con cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới có thể đạt tới mức nào. Bên cạnh đó, phải xác định được tiềm năng, mức độ ổn định của thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh xảy ra các cuộc chiến tranh thương mại. Ngoài ra, cần phải xác xem con cá tra có thể trở thành một sản phẩm cao cấp trên thị trường thế giới hay vẫn chỉ là một sản phẩm giá rẻ. |
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (An Giang): Tiếp đà thắng lợi
Cty I.D.I (thuộc Tập đoàn Sao Mai) chuyên xuất khẩu cá tra, sản phẩm đã có mặt đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. I.D.I cũng nằm trong top đầu của 13/60 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, I.D.I giữ vững vị trí top đầu trong số 20 DN chế biến thủy sản lớn nhất Việt Nam. Chiến lược sắp tới, bên cạnh việc duy trì và phát triển thị trường sẵn có, I.D.I sẽ tiếp tục tiếp cận các thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, các nước Đông Âu…, với tham vọng thống lĩnh được thị trường châu Á. Có thể nói năm 2018 ngành hàng cá tra thắng lợi, cùng với việc giá cá tăng đã mang đến lợi ích cho rất nhiều hộ nuôi. Kế hoạch năm nay 2019, I.D.I phấn đấu đạt được lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Để làm được điều đó, chúng tôi phải tiếp tục củng cố và thực hiện chiến lược đề ra, theo sát tình hình, nắm bắt thông tin thị trường, dự phòng kịch bản ứng phó để cân đối diện tích và sản lượng nguyên liệu phù hợp. LÊ HOÀNG VŨ |
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp): Kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấpThành công trong XK của năm 2018 là cơ hội tốt để ngành hàng cá tra hồi phục. Năm nay, từ người nuôi, nhà chế biến XK đến cả các nhà NK đều có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, giá cá tăng cao cũng sẽ là một thách thức lớn khi nhiều người lại đổ xô vào nuôi và nhiều nước xung quanh quan tâm trở lại với nghề nuôi cá tra. Do đó, ngay từ bây giờ, phải làm sao để cá tra tránh rơi vào vòng xoáy trước đây (giá cao - nuôi nhiều - cung vượt xa cầu - giá giảm mạnh, khó tiêu thụ). Trong khi đó, sự phát triển của ngành hàng cá tra vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cá giống, nhất là thời điểm trái vụ; phương pháp, kỹ thuật nuôi chủ yếu vẫn theo kiểu truyền thống, thủ công, chậm đổi mới về công nghệ… Cá tra Việt Nam vốn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, lại vẫn đang phải đối mặt với truyền thông bôi nhọ tại một số thị trường quan trọng. Nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng cá tra còn hạn chế. Để vượt qua những thách thức đó, ở khâu sản xuất cá nguyên liệu, các đơn vị liên quan trực tiếp tới nghề nuôi cá tra cần phải cùng tham gia cải thiện về mặt chất lượng và giảm chi phí nuôi; ứng dụng công nghệ trong ươm giống và cải thiện chất lượng nuôi. Ở khâu chế biến, cần áp dụng, cải tiến công nghệ theo hướng tự động hóa; xây dựng hệ thống truy xuất minh bạch; đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm; kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấp. Về mặt thị trường, cần định hướng lại nhu cầu của từng thị trường cá tra, qua đó tổ chức lại sản xuất theo hướng đáp ứng được nhu cầu của từng thị trường ngay từ khâu nuôi. Đồng thời, đánh giá lại từng thị trường, nơi nào còn tiềm năng phát triển, nơi nào cần khôi phục… Riêng với Trung Quốc, thì phải hiểu thật rõ thêm thị trường này để có chiến lược phát triển XK một cách bền vững. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cá tra, nhất là cá tra có chứng nhận, qua đó thay đổi nhận thức người tiêu dùng từ chính chất lượng thật của con cá tra Việt Nam. Trên hết, cộng đồng DN cá tra, các hộ nuôi, nhà máy thức ăn và các đơn vị trong chuỗi giá trị cá tra phải cùng nhau ngồi lại xây dựng chiến lược ứng phó thách thức, cùng nhau xây dựng hình ảnh cá tra khác biệt và độc đáo; xây dựng mức giá cá tra hợp lý để chuỗi phát triển bền vững, phù hợp với sự chịu đựng của thị trường trong tương quan giá với các loài cá thịt trắng khác và tránh sự gia nhập của các nước khác vào thị trường cá tra. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần cho cơ chế quỹ phát triển thị trường có thể vận hành để có chiến lược dài hơi trong xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê sản lượng nuôi cá tra và có dự báo cho người dân, DN; ban hành các quy định sâu sát hơn với thực tế và có tính khả thi; xây dựng các chương trình kiểm soát xử lý nhanh, giải quyết vấn đề tận gốc; cần đưa ra một quy hoạch hợp lý trong nuôi trồng cá tra và các loài cá nước ngọt khác. NGUYỄN THỦY (Ghi) |
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Duy trì mức sản lượng 1,3-1,35 triệu tấn/năm
Thị trường đang rất tốt, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2018 có thể đạt trên 2,2 tỷ USD, mức kỷ lục trong 20 năm qua. Trong tháng 10 và 11 vừa qua, thị trường tiêu thụ cá tra tại Mỹ tăng kịch trần tới 42,9% bên cạnh đó các thị trường lớn khác như các nước EU đang tăng trở lại, còn Trung Quốc vẫn giữ nhịp tiêu thụ tốt. Đây có thể xem là hiệu ứng từ việc Bộ Thương mại Mỹ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam. Đón nhận tín hiệu thị trường tốt như thế này ĐBSCL nên duy trì mức sản lượng cá tra 1,3-1,35 triệu tấn/năm. Tập trung nâng cao chất lượng đàn cá nuôi, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn nữa từ cá tra. LÊ HOÀNG VŨ - HĐ |