| Hotline: 0983.970.780

Cá tra, thát lát và lươn được Hậu Giang tập trung phát triển

Thứ Năm 14/12/2023 , 15:00 (GMT+7)

Hậu Giang Ngày 12/12, UBND tỉnh Hậu Giang công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nông nghiệp trở thành trụ đỡ.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 8/12. Tỉnh Hậu Giang xác định, quy hoạch là khởi nguồn và tạo đột phá cho sự phát triển. Đồng thời là căn cứ quan trọng để địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Hậu Giang cần bám sát những định hướng trong quy hoạch của tỉnh, tạo sự đồng lòng, chung tay góp sức thực hiện tốt quy hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Hậu Giang cần bám sát những định hướng trong quy hoạch của tỉnh, tạo sự đồng lòng, chung tay góp sức thực hiện tốt quy hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có những chia sẻ về đất và con người Hậu Giang cũng như một số thay đổi mang tính chất nền tảng của tỉnh về cơ sở vật chất, tăng trưởng và nguồn thu ngân sách thời gian qua.

Phó Thủ tướng đưa ra những định hướng cho tỉnh để thực hiện thắng lợi quy hoạch. Trong đó, đề nghị tỉnh Hậu Giang cần thực hiện nghiêm và linh hoạt trong hành lang quy hoạch đã có. Quá trình triển khai phải có tính chất đồng bộ, nhất quán, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá đến người dân cũng như doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị về quy hoạch.

Phó Thủ tướng chỉ ra, địa phương đang đứng trước tiềm năng, cơ hội lớn về hạ tầng. Nhất là các tuyến đường cao tốc được Trung ương quan tâm đầu tư cho vùng ĐBSCL, đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Hay chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh cũng đã được nâng cao trong thời gian qua, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, Hậu Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa gạo. Trong bối cảnh giá lúa gạo đang ở mức cao, bà con nông dân trồng lúa nói chung và nông dân Hậu Giang nói riêng đang được hưởng lợi. Từ đó tạo ra những tiềm năng, lợi thế để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nông nghiệp là trụ đỡ tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Kim Anh.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nông nghiệp là trụ đỡ tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, địa phương cần giải quyết tốt những thách thức về quy mô kinh tế khi tăng trưởng nhanh nhưng còn nhỏ hoặc vấn đề thu ngân sách chưa cân đối, dẫn đến hạn hẹp trong nguồn lực để tái đầu tư phát triển.

Để hiện thực hóa quy hoạch và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đưa ra nhiều giải pháp tập trung thực hiện. Trong đó, đặt ra yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp được xác định là trụ đỡ để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển hạ tầng đi trước một bước để tạo nền tảng tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững.

Đặc biệt, người đứng đầu tỉnh Hậu Giang quyết tâm tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số; kiến tạo phát triển và đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí Thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí Thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Kim Anh.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; Xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL. Với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại gắn với giá trị văn hóa, lịch sử.

Đến năm 2050, địa phương vươn lên trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội được thể hiện trong quy hoạch này, tỉnh Hậu Giang sẽ được phân thành 4 vùng và 2 hành lang kinh tế. Trong đó, vùng đô thị - nông nghiệp sinh thái gồm: thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Nông nghiệp sẽ được phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Cá tra, cá thát lát và lươn là những mặt hàng thủy sản chủ lực được địa phương tập trung phát triển gắn với chế biến, mở rộng thị trường.

Quy hoạch cũng đề cập đến việc phát triển Khu nông nghiệp công nghiệp cao tại huyện Long Mỹ với diện tích khoảng 415ha. Đồng thời, xây dựng mới và mở rộng các khu nghiên cứu, đào tạo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2030, với tổng diện tích khoảng 352ha.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh Hậu Giang đã trao quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 12 nhà đầu tư, với trị giá 19 nghìn tỷ đồng; ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220 nghìn tỷ đồng và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.