Sáng 12/12, tại Lễ phát động triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 do Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát động, các tổ chức quốc tế cam kết đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các tỉnh ĐBSCL thực hiện Đề án.
Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành cùng Đề án
Theo bà Carolyn Turk (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam), để có thể thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo chúng ta sẽ phải đạt được rất nhiều các chỉ tiêu. Ngành lúa gạo không chỉ đem lại lợi ích cho nông nghiệp, cho nền kinh tế mỗi quốc gia mà nó còn phải mang lại sự sống và thu nhập cho người nông dân đồng thời có những đóng góp thiết thực cho hành tinh này.
“Ngân hàng thế giới đồng hành với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao. Chúng tôi tin tưởng, Đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân và cho nền nông nghiệp của Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân. Nhiều năm qua, chúng tôi đã đồng hành với Việt Nam thực hiện chuyển đổi ngành nông nghiệp. Với sự ứng dụng của khoa học công nghệ, người nông dân ngày nay sản xuất tốt hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Với Dự án VnSAT trên 180.000ha, Việt Nam đã có những kết quả giảm phát thải đáng kể cả về metan và khí thải các bon nói chung. Khi chúng ta giảm được 25% chi phí sản xuất thì cũng giúp đồng thời tăng sản lượng 10% và điều này tổng thể sẽ mang lại lợi nhuận tăng lên 30% cho người nông dân, bảo vệ môi trường của hành tinh tốt hơn.
“Chúng tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam đã đi rất đúng hướng thông qua những kinh nghiệm mà các nước khác trên thế giới đã trải qua. Ngân hàng thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ cho Đề án 1 triệu hecta lúa cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Bộ NN-PTNT và Chính phủ Việt Nam. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có đề cập đến việc chúng ta sẽ huy động tài chính các bon để chúng ta hỗ trợ triển khai đề án 1 triệu ha. Tôi cho rằng đây là một định hướng đúng đắn, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng nhận được các kết quả giảm phát thải từ dự án VnSAT.
Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam các cơ chế để chúng ta có thể tham gia thị trường các bon tự nguyện, từ đó trong tương lai, chúng ta có thể sử dụng được một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế. Và chúng tôi cũng rất mong đợi việc chúng ta sẽ phối hợp triển khai thực hiện Đề án này. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện đề án 1 triệu hecta”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định.
IRRI sẽ ký kết bản ghi nhớ hợp tác dài hạn
Tiến sĩ Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ: “IRRI nhiệt liệt hoan nghênh chính phủ Việt Nam đã khởi động triển khai dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL tới năm 2030. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. Dự án hết sức cần thiết, cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam nói riêng. Đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.
Ông Cao Đức Phát đánh giá, trên thế giới, gạo là lương thực chính của trên 3 tỷ người. Sản xuất lúa gạo là việc làm và thu nhập chính của khoảng 140 triệu hộ nông dân nhỏ, sử dụng 11% đất canh tác toàn cầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhiều nước vẫn thiếu gạo. Thế giới vẫn phải nỗ lực gia tăng sản lượng. Đồng thời, phải bằng nhiều cách nâng cao nhanh hơn thu nhập của nông dân để khuyến khích họ gia tăng sản xuất.
Mặt khác, sản xuất lúa gạo là ngành dễ tổn thương trước BĐKH nhưng lại cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, đóng góp khoảng 10% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, 1,3 - 1,8% phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ở Việt Nam, các tỷ lệ này lớn hơn nhiều. Do vậy, cần sớm có giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam. IRRI luôn tự hào đã có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. Trong giai đoạn 1980 - 2009, trong số 226 giống lúa được trồng ở Việt Nam, 25% giống do IRRI chọn tạo, 52% giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo có sử dụng giống bố mẹ có ngồn gốc từ IRRI.
IRRI cũng đã phối hợp với các tổ chức khoa học của Việt Nam nghiên cứu cải tiến các quy trình canh tác, cải tiến công cụ phục vụ canh tác lúa, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Gần đây nhất đã phối hợp nghiên cứu các quy trình canh tác lúa, xử lý rơm rạ giảm phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính từ ruộng lúa để tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm lúa gạo và tín chỉ các bon được tạo ra.
“IRRI rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam và WB đã lựa chọn Viện là tư vấn kỹ thuật quốc tế cho Dự án quan trọng này. Viện sẽ huy động tối đa lực lượng khoa học với các kỹ năng mới nhất để tham gia thực hiện dự án. Trước hết, bằng việc cung cấp và phối hợp chọn tạo các giống lúa phù hợp, chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan cũng như đào tạo cán bộ và nông dân.
Tại Festival này, Viện sẽ ký kết với Bộ NN-PTNT một bản ghi nhớ về hợp tác dài hạn nghiên cứu và chuyển giao KHKT trong lĩnh vực lúa gạo”, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, Tiến sĩ Cao Đức Phát cho biết.