| Hotline: 0983.970.780

Trăm năm sóng nước xáng Xà No

Thứ Ba 12/12/2023 , 10:09 (GMT+7)

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang năm nay đúng dịp 120 năm kể từ ngày kênh xáng Xà No ra đời…

Tôi quen biết ông Năm Nhiều (Nguyễn Hữu Nhiều, 60 tuổi) thật tình cờ vào tháng trước tại Hà Nội và cũng mới chỉ duy nhất lần gặp gỡ ấy, vậy mà lần này vào Hậu Giang công tác, qua điện thoại ông nằng nặc mời về thăm nhà cho bằng được, như thể đã thân thiết với nhau tự lâu lắm rồi. Nói, người Hậu Giang tui là vậy đó, không điện thì thôi, điện rồi mà không ghé là không có được đâu nghe.

Đó là một miền quê cách thành phố Vị Thanh chừng hai mươi cây số. Bảy Ngàn, một thị trấn nhỏ thuộc huyện Châu Thành A. Giống như nhiều vùng quê khác ở vùng đất Chín Rồng, Bảy Ngàn là xứ của ruộng đồng, xứ của những vườn cây trái, kênh rạch dọc ngang và những xóm làng như nổi nênh trên miền sông nước. Có khác chăng ở chỗ, cái tên Bảy Ngàn gắn liền với một công trình lịch sử: Kênh xáng Xà No - Con đường lúa gạo trăm năm của đồng bằng Nam bộ.

Lão nông Nguyễn Hữu Nhiều. Ảnh: Hoàng Anh.

Lão nông Nguyễn Hữu Nhiều. Ảnh: Hoàng Anh.

1.

Sử sách chép lại rằng kênh xáng Xà No được người Pháp bắt đầu đào từ năm 1901, đến năm 1903 thì hoàn thành, nối từ rạch Cần Thơ, qua Hậu Giang rồi trổ ra biển Rạch Giá. Trăm năm con đường lúa gạo của đồng bằng Nam bộ, có những chuyện chỉ còn qua lời kể nhưng cũng có những chứng tích lịch sử còn đó, hiên ngang thách thức năm tháng để lưu lại dấu vết của một thời kỳ con người hoán cải thiên nhiên mà làm nên công trình đường thủy lớn đầu tiên của xứ Nam Kỳ.

“Nghe cha ông nói lại, trước khi có kênh xáng Xà No, xứ Bảy Ngàn này là một vùng lau sậy hoang vu lắm. Ruộng đồng dù bằng phẳng nhưng chỉ mùa nước nổi xuồng ghe mới di chuyển được. Ruộng cũng chỉ làm được một vụ bởi vì bị nhiễm phèn, lúa má làm ra đã không đáng bao nhiêu lại còn nạn áp bức bóc lột, nhân dân khổ dữ dằn”, Năm Nhiều bắt chuyện sau khi đón tôi ở chợ Bảy Ngàn. Vẫn nét chân chất, phóng khoáng đặc trưng của nông dân Nam bộ, dù ông tự nhận mình “không phải là dân Bảy Ngàn gộc”.

Gốc gác xưa kia nghe đâu ở ngoài Thừa Thiên - Huế, từ thời ông nội chạy loạn đến xứ này, gá nghĩa với người từ Bến Tre sang rồi sinh con đẻ cái, gắn bó với đồng bằng đến nay đã được năm đời. Đời ông cho đến đời cha và cả Năm Nhiều cùng con cháu bây giờ cũng vậy, nỗi niềm mong mỏi tìm về với nguồn cội cứ như ngọn lửa lúc âm ỉ, lúc phát bùng lên dữ dội mà vẫn chưa thành. Cũng có buồn, có khắc khoải nhưng như chính Năm Nhiều chia sẻ, ở xứ Bảy Ngàn này đâu phải mỗi gia đình mình không rõ họ hàng, quê quán. Đa phần là dân tứ xứ đến với vùng đất này đều như vậy cả. Đó không hẳn là kẻ “mang gươm đi mở cõi” nhưng những người như ông nội Năm Nhiều chính là nhân chứng sống của thời kỳ xây dựng kênh xáng Xà No. Dòng kênh không chỉ đóng vai trò lịch sử, mở ra con đường lúa gạo đầu tiên của vùng đồng bằng mà còn là chứng nhân thế kỷ trong những câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây.

Trên dòng kênh xáng Xà No. Ảnh: Tùng Đinh.

Trên dòng kênh xáng Xà No. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày còn tấm bé, ông Năm Nhiều vẫn thường nghe ông nội kể, đầu thế kỷ XX thì người Pháp bắt đầu xây dựng kênh xáng Xà No nhằm dẫn nước từ sông Hậu chảy ra sông Cái Lớn. Vừa để xả phèn cho những cánh đồng ở Hậu Giang vừa làm đường thủy cho tàu thuyền chở lúa gạo xuống miền Rạch Giá. Nói vùng đất Bảy Ngàn lúc đó giống như sở chỉ huy của công trình xáng Xà No vậy. Người Tây chỉ huy đào kênh bằng những chiếc máy múc bùn đặt trên những chiếc sà lan lớn, như những con thú khổng lồ trùi trũi qua miền đồng bằng, đi đến đâu bùn thổi sang hai bên đến đó. Cảnh nhà văn Sơn Nam từng miêu tả trong cuốn "Lịch sử khẩn hoang Nam bộ" là dân mang thúng ra lược bùn để kiếm vàng nhưng vàng đâu không thấy chỉ toàn xương thú với cả xương người.

Cái tên Bảy Ngàn này cũng có từ thuở ấy. Khi đào kênh dẫn nước từ sông Hậu, chỗ chợ Vàm Xáng của thành phố Cần Thơ ngày nay đến trung tâm huyện Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang thì bắt đầu đặt tên các địa danh dọc hai bờ kênh theo từng ngàn mét một. Mỗi một ngàn mét chạy theo kênh xáng người ta lại đào thêm kênh rạch nhỏ hơn gọi là kênh sườn để dẫn thủy nhập điền. Tổng suốt chiều dài 34 cây số của dòng kênh lịch sử xứ Nam Kỳ có tới mười bốn con kênh sườn được đặt tên theo thứ tự như vậy. Kênh đi đến đâu, xáng thổi bùn đất lên thành bãi thành vườn, sau này thì thành đường, thành ấp, thành những địa danh. Cũng từ khi kênh xáng Xà No lưu thông, ruộng đồng trở nên tươi tốt, Bảy Ngàn chính là nơi các chủ đồn điền cho xây dựng các nhà máy gạo, hình thành nên các khu buôn bán, trên bến dưới thuyền hết sức tấp nập. Cùng với các ngàn từ một đến mười bốn kết nối thành xứ Ngàn vang danh với nghề lúa gạo.

Huy hoàng hơn cả là dưới thời bố con ông chủ người Pháp Gressier mà nhân dân quen gọi ông bố là Tây già, ông con là Tây be. Ngoài hệ thống kênh chính xáng Xà No và các kênh sườn, bố con ông Tây còn bắt dân chúng đào thêm các kênh rạch nhỏ, hình thành nên những cánh đồng kiểu ô bàn cờ.  Nhờ đó mà mùa lúa nào cũng trúng lớn. Tàu thuyền tấp nập đến Bảy Ngàn lấy gạo chở ngược lên Sài Gòn, chở xuôi ra biển Tây, đem lại cho các chủ đồn điền Pháp không biết bao nhiêu là tiền của.

Năm Nhiều còn kể, mấy chục năm trước Bảy Ngàn vẫn còn hai ngôi biệt thự của bố con nhà ông Tây ấy, gọi là lầu trắng và lầu đỏ. Những ngôi biệt thự bề thế nhất vùng Nam Kỳ vốn đã từng là nỗi ám ảnh của cần lao trong suốt mấy mươi năm. Lầu trắng là kho lúa gạo rộng đến hơn một ha, cũng thuộc dạng lớn nhất đồng bằng, còn lầu đỏ là nơi những ông chủ người Pháp cùng với đám tay sai mặc sức bày mưu bóc lột dân chúng. Mãi cho đến năm 1952 người dân Bảy Ngàn đánh chiếm được lầu trắng, sau năm 1975 thì nơi này trở thành trụ sở UBND xã và đến 2005 thì nhà nước phá bỏ để xây dựng chợ Bảy Ngàn.

“Dù mục đích xây dựng ban đầu để người Pháp bóc lột nhân dân, nhưng cũng chính nhờ kênh xáng Xà No mà miền đồng bằng này được như ngày hôm nay”, Năm Nhiều vừa nói vừa dẫn tôi đi dọc bờ kênh xáng Xà No, lời lẽ dường như muốn bày tỏ khâm phục trí tuệ của những con người ở đầu thế kỷ trước.

Kênh xáng Xà No hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Kênh xáng Xà No hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Quả thật, nhìn trên bản đồ hôm nay, kênh xáng Xà No không khác gì sợi chỉ nối thẳng tắp từ Vàm Xáng đến thành phố Vị Thanh. Dọc bờ kênh là những miệt vườn cây trái, những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay, những khu dân cư tấp nập. Lịch sử cũng đúc kết rằng chính dòng kênh này đã đánh thức cả một miền đồng bằng rộng lớn của Hậu Giang cũng như các tỉnh nằm trong vùng bán đảo Cà Mau.

Có lẽ chỉ cần nhìn số liệu sau đã rõ. Trước khi có kênh xáng Xà No mỗi năm cả xứ Nam Kỳ chỉ xuất khẩu được khoảng vài trăm tấn lúa gạo, nhưng sau khi dòng kênh nối liền Cần Thơ xuống Rạch Giá con số đó đã lên đến hơn 1,3 triệu tấn. Có thể khẳng định từ những ngày khai mở, kênh xáng Xà No trở thành con đường lúa gạo đầu tiên và sầm uất nhất Nam Kỳ và suốt hàng thế kỷ qua nó vẫn là huyết mạch quan trọng nhất của nghề buôn bán lúa gạo ở xứ này. Như trong một khổ thơ Dũng Trần đã viết: Kênh Xà No vẫn kiên trung tần tảo, bao đời nay vun đắp đôi bờ, mùa vàng thơm xứ Ngàn đi khắp chốn, hương miệt vườn dệt xanh thắm ước mơ.

2.

Dọc kênh xáng Xà No qua miền Hậu Giang hôm nay là những miền lúa gạo xanh mướt mắt. Trăm năm dòng kênh lịch sử, trăm năm con đường lúa gạo độc đáo ở miền sông nước đã giúp Hậu Giang có được những vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú và rộng lớn. Những vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn với những hợp tác xã mới, người nông dân mới và ngày một xuất hiện nhiều hơn những mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải, canh tác lúa hữu cơ, liên kết để cùng nhau nâng tầm giá trị của lúa gạo.

Cũng trong dòng chảy trăm năm ấy, dọc con đường lúa gạo không biết đã sinh ra biết bao thứ nghề, bao nhiêu ấp làng gắn liền với niềm tự hào của của đồng bằng. Nghề trồng lúa, nghề buôn bán, nghề chế biến…, lại có thứ nghề như nghề hàng xáo mà Năm Nhiều gắn bó non nửa kiếp người.

Nghe kể, từ thời có kênh xáng Xà No xứ Ngàn đã nổi danh khắp vùng sông nước với nghề hàng xáo. Khác với vẻ manh mún, tần tảo nhọc nhằn như ở ngoài Bắc dù cùng tên gọi, nghề hàng xáo ở Nam Kỳ dùng để gọi chung cho tất thảy các thứ nghề của những người gắn liền với buôn bán lúa gạo. Đó có thể là ông chủ vựa chục ngàn tấn, ông xay xát bún bánh lặt vặt hay những ông chủ ghe tàu thông thạo mọi kênh rạch miền sông nước như Năm Nhiều.

Kênh xáng Xà No đoạn chảy qua thành phố Vị Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Kênh xáng Xà No đoạn chảy qua thành phố Vị Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Người có gần 30 năm làm tài công chia sẻ, nhờ gắn bó với kênh xáng Xà No mà người Xứ Ngàn biết buôn bán lúa gạo từ xưa. Nhà nhà sắm ghe đi đong lúa của bà con về phơi chà bán gạo lẻ cho bà con lối xóm hoặc sang lại cho những tài công lớn hơn mình. Dần dà từ ghe nhỏ chuyển thành ghe lớn, từ đi gần thành đi xa. Năm tấn, mười tấn, đến lúc lớn hơn nữa thì chạy gạo. Đi Kiên Giang, Cà Mau, đi cống Định Bình, Tắc Nhân… không còn sang bán mà mua tận ruộng của bà con rồi bán tận nhà máy, hoặc bán cho các công ty xuất khẩu. 

Năm Nhiều mới vừa “nghỉ hưu” nghề tài công mấy năm nay khi cảm thấy mắt đôi mắt mình không còn tinh anh, đôi tay không còn rắn rỏi. Vẫn luôn tự hào khoe là đời tài công giúp ông nắm rõ con đường lúa gạo trong lòng bàn tay. Tuyến Cần Thơ lên Sài Gòn, tuyến Hậu Giang đi ra Rạch Giá, ra đất Mũi Năm Căn… Tài công ấy đã từng chiến đấu với nhiều băng cướp dưới rừng U Minh, từng một mình cầm mấy trăm triệu đồng vào giữa trận đồ đầy rẫy bảo kê của cò lúa nơi xứ lạ quê người mà vẫn an toàn.

Đó là thứ nghề đòi hỏi nhiều thủ thuật và rành rẽ từng khâu, từng nấc của chuỗi lúa gạo. Hiểu người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã đành, lại còn phải hiểu cả văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng để còn biết cách đối nhân xử thế. Năm Nhiều xuất phát với nghề hàng xáo từ những ghe tàu một hai tấn cho đến khi thành ông chủ của những con tàu chở một lúc mấy chục nghìn tấn lúa gạo. Nói, mấy đứa con tui đều sinh ở trên tàu, đến tuổi đi học mới phải mang lên bờ gửi ông bà chăm hộ. Đổi lại vườn tược, ruộng đồng, nhà cửa cũng nhờ nghề tài công mà có.

Tàu đêm trên dòng xáng Xà No. Ảnh: Hoàng Anh.

Tàu đêm trên dòng xáng Xà No. Ảnh: Hoàng Anh.

Bây giờ Năm Nhiều lại quay về với nghề trồng lúa. Nửa đời người bôn ba với đủ thứ nghề lúa gạo, ông đúc rút: Nuôi sống dân đồng bằng cuối cùng vẫn là lúa gạo. Đã thủy chung rồi vẫn phải thủy chung tiếp với lúa gạo mà thôi. Dù có thể cây lúa xưa nay chưa giàu có nhanh bằng trồng cây trái, chưa có những cú đổi đời bằng nuôi cá nuôi tôm, nhưng làm ruộng đang càng ngày càng được. Nhờ thủy lợi, nhờ cơ giới hóa, nhờ giống, nhờ công nghệ và nhiều thứ khác. Toàn mướn dịch vụ làm không chứ đâu có phải vất vả chân lấm tay bùn như ngày trước nữa. Đơn giản như trước đây xịt bình thuốc phải quảy trên lưng, công mất hơn ba chục ngàn, lại còn phải lội tanh bành hết ruộng. Còn bây giờ có máy bay phun thuốc, bón phân cộng lại chỉ có hai chục ngàn, nhà nào càng làm nhiều ruộng càng khỏe, càng có lời. Lúa gạo thay vì cảnh làm ra không biết bán cho ai thì nay cò lúa đến tận ruộng thu mua, thậm chí còn cọc tiền trước.

Như ông Nguyễn Văn Bảy, bạn của Năm Nhiều, một mình làm hơn 2ha ruộng nhưng suốt ngày chỉ thấy đi uống cà phê. Từ gieo cấy đến thu hoạch đều đã có dịch vụ, máy móc làm thay hết cả. Năm nay giá lúa được, vừa gieo sạ xuống đã có cò lúa đến đặt cọc với giá 7.000 đồng/kg, không có gì khỏe bằng.

“Bỏ qua mấy vụ giá phân, giá thuốc còn cao thì làm ruộng bây giờ vừa bền vững vừa nhàn. Giống được rồi, thủy lợi, cơ giới hóa cũng được rồi, giá cả thị trường càng ngày càng được nên bà con yên tâm với nghề làm lúa, không còn cảnh bấp bênh như ngày trước”, ông Bảy cười hiền. 

Không riêng gì ông Bảy, ông Nhiều, ở xứ Bảy Ngàn hôm nay, những mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải, canh tác lúa hữu cơ ngày một nhiều hơn. Đó dường như cũng là một con đường lúa gạo mới mà bà con đang cùng nhau xây dựng, trên chính vùng đất gắn liền với kênh xáng Xà No. 

3.

Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam, sự kiện mở đầu Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 được tổ chức ngay bên dòng xáng Xà No, nơi từ lâu đã trở thành biểu tượng của đồng bằng. Từ người nông dân, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến với triển lãm này đều đánh giá, một trong những nền tảng làm nên thành tựu của lúa gạo đồng bằng hôm nay chính là vai trò của các công trình thủy lợi, như kênh xáng Xà No. Nhớ một bữa kia ngồi trò chuyện với ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, được nghe vị giáo sư chia sẻ: Nhìn suốt cả một quá trình lịch sử cho đến tận hôm nay, nước là yếu tố cốt lõi của đồng bằng và chính công tác thủy lợi đã góp phần to lớn cải tạo đất phèn, biến Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng đất trù phú.

Tôi từng đến vùng núi Sập của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, nơi khi xưa Thoại Ngọc Hầu chỉ huy hơn 1.500 dân binh đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, dòng kênh đào sớm nhất của xứ sở Nam Kỳ. Cũng đã từng đi dọc con kênh T5 dài 28 cây số, công trình do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định và phát lệnh khởi công vào năm 1997 để xây dựng công trình thoát lũ ra biển Tây, biến vùng Tứ giác Long Xuyên thành vựa lúa lớn nhất của cả nước. Hôm nay, đi dọc kênh xáng Xà No lòng chợt nghĩ, cho dù mục đích xây dựng ban đầu có khác nhau nhưng quả thật rất khó để đong đếm sức lực, trí tuệ của những bậc tiền nhân đã làm nên những công trình thủy lợi kỳ vĩ ở miền Tây Nam bộ.

Và vô số những công trình khác nữa, những công trình lịch sử ở đồng bằng đã và đang đưa vùng đất Chín Rồng thực sự hóa rồng với nghề trồng lúa, mở thêm nhiều con đường để đưa lúa gạo đồng bằng đi đến muôn nơi. 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.