Tôi quen chị H'Ben khi chị làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh do anh Trịnh Kim Sanh - Trưởng Ty Văn hóa thông tin Gia Lai (cũ) giới thiệu. Anh Trịnh Kim Sanh bảo tôi, cậu gặp H'Ben tha hồ mà nói mà hát mà “khoe” tiếng BahNar với một nghệ sĩ người BahNar thứ thiệt, chứ không như cánh Nay Quách, Nay Pha, RơMahTenl người Jrai nói tiếng BahNar đó nghe.
Thực lòng lâu nay với tôi, tiếng BahNar hay tiếng Jrai thì ai nói tôi nghe cũng bằng nhau, không đủ trình độ phân biệt được người này nói giọng vùng này, người kia nói giọng vùng kia như anh Trịnh Kim Sanh đâu. Anh Trịnh Kim Sanh tên gốc là Sung, nhưng khi lên hoạt động trong vùng BahNar anh tự đổi là Sanh vì chữ Sung tiếng BahNar dịch ra tiếng Việt… là đái… Suốt ngày gọi Sung Sung - đái đái nghe nó kỳ, anh bảo tôi thế.
Chị H'Ben ở trong căn phòng cấp bốn với một bộ bàn ghế mộc, một cái giường đơn có ri-đô che bằng một tấm vải thổ cẩm và… một cái gùi nhỏ đựng bát đũa bên cạnh mấy cái xoong, mấy cái thau, mấy cái ấm linh tinh. Chị bắt tay tôi và anh Sanh rất niềm nở. Chị bảo thông cảm trường chưa có gì hết. Anh Sanh cười nói, sao lại chưa có gì hết? Có nghệ sĩ H'Ben, có nghệ sĩ YBRơm của Ty (hồi ấy còn gọi Sở là Ty) chị về đây công tác, có anh chị em của đoàn Đam San hỗ trợ, cần gì có Ty hỗ trợ.
Tôi cũng thấy ái ngại cho chị nhưng chị bước ra cửa, hú một tiếng, có ba bốn cô cậu học viên ôm ghi ta, ôm đàn goong ôm cả đinh yơng xúm đến. Thế là họ ngồi chật giường, chật nhà và thế là hát. Hát và hát. Họ hát say sưa những bài hát tiếng BahNar, tiếng Jrai và cả bài tiếng Việt. Chị H' Ben bảo tôi, em về đây thì chị chỉ có hát và múa chiêu đãi em thôi. À quên, có rượu cần hai ghè hôm qua anh Sanh mới gửi cho để hôm nay chị mời em đấy. Nào, chúng ta mở rượu cần, uống chung một can hai can nhé.
Và thế là rộn rã. Không còn phân biệt chủ khách mà tất cả cùng hòa đồng. Anh Sanh nói tiếng BahNar giới thiệu tôi cho mọi người rồi yêu cầu tôi hát một bài tiếng BahNar, một bài tiếng Jrai. Tôi hồi ấy còn khá trẻ, khá khỏe và khá cả tiếng BahNar, tiếng Jrai nên tất nhiên là sau một vài can rượu tôi hát ngay. Hát những bài hát "tủ" của mình và được tán thưởng nhiệt tình khiến tôi càng phấn khích xoang luôn bài xoang "uống rượu cần vui tươi". Tôi được một học viên đẹp trai tự giới thiệu là người Xơ Đăng ở Kon Tum nhưng cũng hát tiếng BahNar tiếng Jrai cùng tôi được, đó là A Đôi. AĐôi múa hát với tôi với các bạn suốt hôm ấy và chơi thân với tôi đến tận bây giờ…
Tôi đã được anh Sanh giới thiệu trước và đã nói về tôi cho chị H’Ben biết khá kỹ. Hồi ấy trường của chị rất mới, chưa được xây dựng nề nếp, chưa có quy củ, giáo viên học viên ăn chung ở chung. Giáo viên được điều động từ Hà Nội vô có, từ các sở ban ngành có. Học viên đa số là anh chị em người dân tộc BahNar, Jrai được tuyển từ làng xã lên. Tóm lại là bà hiệu trưởng không có gì khác biệt với mọi người. Có khác chăng là chị lớn tuổi hơn và chuyên môn hát múa thì nhất định là nổi tiếng, là số Một rồi.
Thời chị làm hiệu trưởng của trường thì anh Thịnh, chồng chị làm Giám đốc Nhà văn hóa hay Trung tâm Văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Tôi vào ra lần nào với Gia Lai thì đều qua anh chị uống vài ba trận. Anh chị nuôi cậu con trai riêng của chị là Kiên, con với book Núp hồi trước 75. Kiên bị bệnh bẩm sinh, nói năng đi lại ăn uống, sinh hoạt đều khó khăn. Nhưng Kiên nhận biết hết mọi chuyện, nhất là tình cảm. Lần nào đến thăm chơi với anh chị, Kiên cũng nhận ra tôi ngay và nói những điều cậu muốn nói mà chỉ có anh chị mới “dịch” được. Kiên rất ngoan, có thể ngồi một mình cả ngày, nhưng khi có khách là mặt cậu sáng lên, cười vui, mũi dãi cũng vui vẻ nhểu theo. Anh Thịnh bảo nó tinh lắm, nhận ra cử chỉ của người này người kia thế nào ngay.
Cậu con trai chung của anh chị tên là Thăng. Thăng rất đẹp trai, cao dong dỏng, thông minh hơn người, học Nhạc viện Hà Nội về, chơi violin, chơi ghi ta, chơi ooc gan, chơi piano đều thành thạo. Hát cũng hay, cũng hát được cả tiếng BahNar tiếng Jrai. Thế rồi cậu lấy vợ, có con, rôi khi anh chị về làng thì cậu cũng về theo, tưởng rằng, tưởng rằng cậu sẽ khá lên… nhưng cuối cùng cậu bị con ma men nó bắt làm tù binh, không giải cứu được.
Anh Thịnh bị tai biến, một mình chị H'Ben đã ngoài 70 đến ngoài 80 phải chăm sóc ba người đàn ông ốm yếu, dị tật: Ông chồng bị tai biến nằm một chỗ sống cùng dĩ vãng, sống cùng khát khao nhiều năm nay, hai ông bà lặn lội chui nhủi vào trong các làng xa sưu tầm các bản dân ca còn sót lại. Chị bươn bả lo cơm áo gạo tiền bằng đồng lương hưu tất tần tật gói trong túi áo rách của chị. Mọi chuyện thuốc men cho chồng ốm, cho con trai Kiên ốm ngồi một chỗ, sống cùng mũi dãi, tay chân nghều ngào và cậu út suốt ngày bị ma men rượt đuổi, chìm nghỉm trong hư vô. Ông trời cũng bất công đổ hết mọi nỗi niềm lên đầu người nghệ sĩ già nơi tít sâu trong làng BahNar hẻo lánh. Chị tuyệt nhiên không một lời kêu than, không một lời trách móc oán thán ai. Gặp chị lúc nào cũng vui vẻ, cũng phải uống cái gì đó, ăn cái gì đó, hát cái gì đó cho vui. Lần nào chị cũng níu kéo: "Em phải ở đây với chị vài hôm chớ!".
Những năm gần đây vào Gia Lai lần nào tôi cũng đi cùng nhà dân tộc học, nhà văn Nguyễn Quang Tuệ và các anh chị em nhà văn nhà báo khác. Có lần đi cùng book Ngọc lại có khi rủ thêm bạn văn tận ngoài Hà Nội, Quảng Ninh vào thăm chơi với anh chị. Tết nào chúng tôi cũng điện thoại chúc mừng năm mới cho nhau. Nhưng cái Tết năm nay thì nguội hẳn rồi! Các bạn già của tôi ở Gia Lai lần lượt ra đi, nghệ sĩ YZơn, họa sĩ Xu Man, nghệ sĩ YBơRơm, nhà nghiên cứu văn hóa RơMahTenl và cả anh nữa, anh Trịnh Kim Sung, người anh nâng đỡ và giúp sức cho các nghệ sĩ, nghệ nhân bản địa trưởng thành không thua kém bất kỳ địa phương nào...
Nhiều lúc tự dưng tôi sững người nhớ lại từng người. Nhớ cái dáng lúc nào cũng khổ sở vất vả của anh RơMahTenl. Nhớ cái dáng cao lênh khênh ấm áp của anh Trịnh Kim Sung. Nhớ lối sống tỉ mẩn lọ mọ và hóm hỉnh của anh Xu Man. Nhớ cái kiểu đi như chạy lùn lùn nhanh nhẹn và tháo vát, hát dân ca Jrai rất hay và uống rượu cần sôi nổi của anh YZơn mỗi lần theo anh về làng. Anh dạy tôi hát bài "Em nhớ Cheo Reo" của nhạc sĩ KPaPui. Nhớ YBơRơm hào hoa đã dạy múa cho các em các cháu văn công đẹp đến nao lòng.
Cuộc sống vẫn cứ trôi đi theo ông già thời gian. Mọi người rồi cũng sẽ đến lượt mình. Các bạn già nghệ sĩ của tôi ở Gia Lai bây giờ còn anh Nay Pha người đem đàn T'Rưng ra giới thiệu cho bạn bè khắp thế gian này cũng đã ngoài tám mươi rồi. Nghệ sĩ ưu tú ngành múa tài hoa Xuân La đã nghỉ hưu. Nghệ sĩ nhân dân Rơ ChămPhieang - con chim sơn ca của núi rừng Tây Nguyên bây giờ cũng còn dang đôi cánh lên với những bài ca tuyệt đẹp về xứ sở quê hương mình.
Cầu cho các vị được hạnh phúc với cuộc sống của mình và được cống hiến hết mình cho quê hương.