| Hotline: 0983.970.780

Các trà giống đều thắng lớn

Thứ Hai 11/06/2012 , 10:12 (GMT+7)

Các tỉnh Bắc bộ đã và đang chuẩn bị thu hoạch rộ vụ lúa xuân 2012, vụ xuân thứ năm liên tiếp được ghi nhận trúng mùa lớn...

Các tỉnh Bắc bộ đã và đang chuẩn bị thu hoạch rộ vụ lúa xuân 2012, vụ xuân thứ năm liên tiếp được ghi nhận trúng mùa lớn, dù diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, mỗi năm lại có những bất thường khác nhau.

Nhìn từ thời tiết, khí hậu

Trước hết, thời tiết của vụ xuân 2012 được xếp vào dạng vụ xuân rét, và quả là vụ rét lại được mùa. So với rét đậm, rét hại kéo dài trên 40 ngày liên tục, đúng vào thời kỳ gieo các giống trà xuân muộn, cấy xuân sớm của năm 2008, và so với rét muộn, rét dai đến tận nửa cuối tháng 3/2011- hai năm được nghi nhận nhiều mốc năng suất trên nhiều giống lúa ở tất cả các tỉnh từ Bắc Trung bộ trở ra, thì vụ xuân 2012 số ngày rét cũng nhiều, suốt trong các tháng 1, 2 và 3, số ngày rét đậm dưới 15 độ C cũng đạt con số 32 ngày, rét hại dưới 13 độ C, ngưỡng tới hạn dưới của lúa cũng tới 16 ngày.

Nhiệt độ trung bình các tháng 1, 2 và 3 thấp hơn trung bình nhiều năm 1,5-2,3 độ C, riêng tháng 3 cao hơn năm 2011. Vụ xuân 2012 cũng ghi nhận số giờ nắng thấp trong nửa đầu vụ, ẩm độ cao là điều kiện rất thuận cho nấm đạo ôn gây hại và bùng phát thành dịch, nhất là cơ cấu giống với nhiều giống lúa nhiễm đạo ôn nặng.

Nửa cuối vụ, đặc biệt khi lúa đẻ nhánh rộ và đứng cái, bước vào phân hóa để hình thành số hoa, giai đoạn lúa trổ và thụ phấn thụ tinh, giai đoạn tích lũy vào hạt thì các điều kiện ngoại cảnh như nền nhiệt, giờ nắng, lượng mưa được xem là cực thuận. Tháng 4 và 5 số liệu nhiệt độ trung bình tháng của năm 2012 cao hơn trung bình nhiều năm 1,4-1,7 độ C , cao hơn vụ xuân 2011, số giờ nắng cũng cao hơn 32-37 giờ, các đợt nắng nóng xảy ra nhưng không ở mức gay gắt, kéo dài và cũng không trùng với giai đoạn lúa trổ bông phơi màu ở Bắc Trung bộ; ở các tỉnh miền Bắc thì xem như không có ảnh hưởng bưởi gió khô nóng đối với năng suất lúa xuân.

Tháng 4, tháng 5 những giai đoạn cần nước thì lại có mưa, các ngày tiết (tiểu tiết và trung tiết) diễn ra khá phù hợp và khá chuẩn. Các đợt mưa rào từ vài chục đến trên 100mm, kèm theo sấm chớp đã cung cấp cho lúa xuân một lượng nước sạch đáng kể cùng với đạm được tạo ra từ khí trời, và lúa xuân đủ dư dinh dưỡng đến cuối vụ.

Một đặc điểm cực thuận nữa là chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ở nhiều ngày trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 khá cao so với năm 2011 và trung bình nhiều năm, giúp quá trình tích lũy tốt hơn, hạt mẩy, no và căng tròn hơn. Nếu không có bất thường xảy ra trong tháng 6, vụ xuân 2012 được xem là vụ “mưa thuận, gió hòa, nhà nhà phấn khởi, mùa màng bội thu”.

Thắng lợi nhìn từ cơ cấu giống: Sau nhiều năm tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt, cơ cấu giống lúa đã có những thay đổi cơ bản theo hướng ứng phó tốt hơn với thời tiết khí hậu. Giống lúa xuân muộn, giống ngắn ngày đã chiếm tỷ lệ cơ bản trong toàn vùng, giống trung ngày, dài ngày còn lại không đáng kể. Chính vậy các diễn biến rét đậm, rét hại hay nóng ấm tác động không gây ảnh hưởng trầm trọng.

Các giống lai 3 dòng như D.ưu 527, CNR36, CNR02, TX-111, HYT108, Nam Dương 99, Thục Hưng 6, TH3-4, TH7-2 đều được ghi nhận qua các đánh giá nhanh các yếu tố cấu thành năng suất với ngưỡng thực thu 75-85 tạ/ha. Một số giống lai mới được trình diễn ở nhiều tỉnh trọng điểm lúa có năng suất tới 90-100 tạ/ha như C.ưu đa hệ số 1, ZZD001, LN-111…

Nhóm lúa thuần cũng ghi nhận sự thay đổi nhanh sang nhóm giống có chất lượng, tỷ lệ lúa chất lượng với các giống BT7, HT1, T10, nhiều giống năng suất khá cao, chất lượng cũng không kém, lại ngắn ngày như TBR45, VS1, RVT, QR1, trong nhóm giống này TBR45 có những vùng năng suất đạt tới 72-75 tạ/ha.

Tỷ lệ lúa lai cũng đã tăng trên 17 ngàn ha (nguồn Cục Trồng trọt) so vụ xuân năm trước. Lúa lai được xem là một giải pháp tốt, ổn định và bền vững cho SX lúa vụ xuân trước sự thất thường của khí hậu. Nhiều giống mới được khảo nghiệm và công nhận SX thử, SX chính thức đã nhanh chóng tham gia cơ cấu và thể hiện rõ tiềm năng, lợi thế ở vụ xuân này.

 

 

Nhìn từ sinh trưởng, phát triển của lúa

 

Mã lúa vụ xuân 2012 khá tốt, đồng đều ở các vùng, các trà, các chân đất; bộ lá công năng bền và thân lá vàng sáng khi hạt đã chín đỏ đuôi, tuổi thọ lá cao do dinh dưỡng duy trì, bổ sung cuối vụ tốt nhờ có các trận mưa được xem như là “mưa vàng” với nhà nông. Thời điểm lúa trổ bông ở từng khu vực đều nằm trong khoảng thời gian mà tính toán tần suất nhiều năm kết luận là an toàn và cho tiềm năng cao nhất: Bắc Trung bộ 20/4-đầu tháng 5; đồng bằng sông hồng 10-20/5, ven biển đến 25/5, vụ này khung trổ bông của lúa xuân nằm gọn nửa sau của các khoảng thời gian đã kết luận. Như vậy thì TGST của các giống dài hơn trung bình nhiều năm 7-10 ngày, sớm hơn 2011 cũng 7-10 ngày. Về mặt sinh lý, hàm lượng hydrats carbon tích lũy trong thân, lá là khá cao, cũng là tiền đề cho việc hình thành năng suất.

Những số liệu điều tra nhanh của cán bộ kỹ thuật tại Thái Bình cho thấy: Số bông/m2 của hầu hết các giống lúa, trà lúa vụ xuân 2012 bằng và cao hơn chút ít so với 2011, bình quân 280-285 bông/m2, số hạt/bông đạt khá cao và tương đương so với 2011, tỷ lệ lép thấp hơn về trị số BQ do nền nhiệt, ánh sáng rất thuận ở giai đoạn này, lúa xuân trổ bông từ 10-25 tháng 5, trổ đến đâu quay xuống đến đấy (thụ phấn thụ tinh và vào chắc nhanh), biên độ nhiệt độ ngày đêm cao hơn 2011, khối lượng 1.000 hạt được đánh giá là gia tăng 0,2-0,5 gr.

Về tổng thể các yếu tố cấu thành năng suất, vụ này chí ít cũng đã có 2 yếu tố nhỉnh hơn so vụ xuân 2011, các yếu tố khác tương đương. Năng suất thực thu sẽ được chứng minh và so sánh khoa học hơn ở các thí nghiệm cơ bản và các mô hình trình diễn ở khắp các tỉnh, thành. Kinh nghiệm của chúng tôi thì vụ xuân nhiều vụ lúc thu mới ngỡ ngàng về con số so với ước tính.

Nhìn từ thời vụ và tổ chức chỉ đạo

Trước hết vụ xuân 2012, công tác chỉ đạo đã sâu hơn, bình tĩnh hơn, cụ thể hơn, tiên lượng được sớm hơn và suốt cả vụ không có thời điểm “nóng sốt” chỉ đạo chậm như một vài vụ trước, khi triển khai chống ấm thì có rét, rối lên, bi quan nhận định mất mùa vì rét thì được mùa to.

Vụ này thời vụ đã nằm trong khung chỉ đạo và định hướng chung, phù hợp với từng vùng, cơ bản các tỉnh Bắc bộ cấy gọn trong khung tháng 2 dương lịch, lúa trỗ cũng trong khung thuận lợi. Sâu bệnh tuy có phức tạp hơn, cả đạo ôn và rầy nâu, rầy lưng trắng, song đây cũng là vụ xuân có mật độ sâu đục thân khá thấp, công tác điều tra phát hiện, tổ chức chỉ đạo phòng trừ chính xác, khoa học, nhiều mô hình mới ICM, SRI được áp dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và thiên địch. Vụ này tìm thấy bông lúa bị bạc lạch do đục thân là khá hiếm, diện tích bị thiệt hại do rầy, đạo ôn cũng có nhưng không đáng kể. Vụ xuân 2012 chi phí sâu bệnh xác nhận là cao hơn 2011.

Cuối cùng là chỉ đạo điều hành khâu tưới tiêu đánh giá là rất thành công, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cả vụ, nhiều địa phương làm đất cho gieo cấy vụ xuân rất chậm chạp và không được ải do ảnh hưởng của tiến độ dồn điền đổi thửa, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch thủy lợi và giao thông nội đồng, nguy cơ ngộ độc phèn, mặn được cảnh báo nhưng điều hành tưới tiêu tốt đã giải quyết cơ bản được vấn đề này.

Vụ xuân được mùa nhưng niềm vui không trọn vì giá lương thực thấp và nhiều loại “ngược giá”, vụ mùa lại cận kề với áp lực thời vụ vô cùng khẩn trương.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Hà Nội bắt chó thả rông, kiên quyết xử lý theo quy định

Tình trạng thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng không có rọ mõm, dây xích, không có người dắt vẫn đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm