| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 01/06/2021 , 16:51 (GMT+7)
Văn Nguyễn

Văn Nguyễn

Nhà báo 16:51 - 01/06/2021

Cách tiếp cận khác của Bắc Giang

Tôi gọi việc bác bỏ cụm từ 'giải cứu vải thiều' mà lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đưa ra là một cách tiếp cận mới, rất khác, rất mạnh mẽ.

Nó thể hiện thông điệp của lãnh đạo địa phương này: Nông sản tốt, sạch, chất lượng cao, khâu lưu thông đảm bảo, thị trường rộng lớn, cả trong và ngoài nước, không có lý do gì cần giải cứu!

Tất nhiên, khâu lưu thông hiện đang rất khó khăn!

Chiều 31/5, trong cuộc họp với Bộ NN-PTNT về các phương án tiêu thụ nông sản, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, nói rằng, phải quán triệt bỏ chuyện “giải cứu nông sản”. Ông cũng cam kết, không hạ giá quả vải xuất khẩu để đảm bảo cuộc sống cho bà con nông dân.

Về vấn đề tiêu thụ khi vải thiều sắp vào chính vụ, ông Dương Văn Thái thừa nhận khó khăn trong quá trình vận chuyển. Ông đề ra giải pháp, cấp giấy thông hành cho những chuyến xe chở vải thiều qua các chốt kiểm dịch, giảm thời gian kiểm tra Covid-19.

“Nếu được chứng nhận an toàn, từ quá trình sản xuất, thu hoạch đến đóng gói, lái xe có xét nghiệm âm tính, quả vải nên được tạo điều kiện đi khắp cả nước. Quả vải không hề truyền bệnh và nếu được, nên được tạo một luồng xanh di chuyển”, Bí thư Dương Văn Thái nói.

Cũng trong chiều 31/5, trên đường vào đất vải Lục Ngạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gặp nhiều xe tải ghi “giải cứu nông sản”. Điều này khiến ông trăn trở, bởi vải thiều Lục Ngạn là nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được đánh giá cao không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn cả quốc tế.

“Khi thấy cụm từ giải cứu, tôi đau lòng. Quả vải của chúng ta ngon như thế, bán ra nước ngoài giá cao như thế, thì không thể có chuyện cần giải cứu được. Dùng thông điệp như thế khiến người nông dân tổn thương, thậm chí làm giảm chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, nó có thể khiến mọi người hiểu lầm”, Bộ trưởng chia sẻ.

Cách đây không lâu, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, thời điểm đó tỉnh này còn khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng 90.000 tấn. Do lo ngại trước diễn biến dịch Covid-19, một số địa phương đã không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải ở các chốt giáp ranh.

Ách tắc chính là ở chỗ đó!

Vì thế, một thông tin rất vui, cũng là thông điệp cần được chia sẻ rộng rãi, đó là hôm 31/5, khi đoàn xe vải Bắc Giang đến nơi, tỉnh Lạng Sơn đã cắt cử nhân lực ra cửa khẩu để hỗ trợ cho hơn 100 tấn vải sang Trung Quốc.

Cũng nhiều năm rồi, cả Lạng Sơn, Lào Cai, các địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc, đã tạo điều kiện hết sức để vải thiều Bắc Giang thông quan. Quả vải lúc nào cũng được ở luồng xanh, ưu tiên lớn nhất khi làm thủ tục xuất khẩu.

Trong khâu lưu thông, xe chở vải thiều bao giờ cũng được ưu ái, không bị gây khó khăn, cản trở.

Chúng tôi cho rằng, đó mới là hỗ trợ đúng người, đúng việc. Nói rộng ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai hay các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A đi qua cần tìm giải pháp thông thoáng cho xe vận chuyển nông sản.

Khi huyết mạch được thông thì cơ thể sẽ khoẻ mạnh!