| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo vùng cát phục vụ sản xuất nông nghiệp

Thứ Sáu 17/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chương trình cải tạo vùng cát trắng phục vụ SXNN của tỉnh Quảng Trị được đánh giá là khoa học, hiệu quả, phù hợp với chủ trương phát triển KT-XH vùng cát ven biển được Đảng, Chính phủ quan tâm.

NNVN có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về vấn đề này.

h-sy-ong-1121910224

3 biện pháp quan trọng

Thưa ông, Quảng Trị đã cải tạo vùng cát trắng ven biển thành vùng kinh tế tổng hợp rất hiệu quả. Ông có thể khái quát những giải pháp quan trọng của địa phương trong thời gian qua?

Vùng cát ven biển Quảng Trị có chiều dài 75 km, có đặc điểm tự nhiên - xã hội tương đương vùng cát khác của các tỉnh ven biển miền Trung.

Đây là vùng có tiềm năng lớn, tương đối bằng phẳng, có khả năng giãn dân từ vùng đồng bằng, nơi có mật độ dân cư khá đông đúc ra sinh sống.

Tuy nhiên, đây là vùng có khí hậu nắng rát bỏng và gió khô hanh, tình trạng cát bay, cát di động rất mạnh làm cây cối bị vùi lấp, không con gì, cây gì sống được, nếu không có chiến lược cải tạo.

Phân tích thực tế đó, tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm cải tạo vùng cát thành vùng KT-XH trù phú, tạo ra những sản phẩm lớn về nông lâm ngư nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, cải tạo môi sinh môi trường, biến vùng khí hậu sa mạc thành khí hậu ôn hòa.

Với quyết tâm cao như vậy, từ nhiều năm trước, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã ra Nghị quyết về phát triển KT-XH miền biển và vùng cát đến năm 20125 và tầm nhìn đến năm 2020.

Trên cơ sở Nghị quyết đó, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã tiến hành cải tạo vùng cát với 3 biện pháp thủy lợi, lâm nghiệp rồi mới đến nông nghiệp.

Về biện pháp thủy lợi, tỉnh đã xây dựng các đê phân thủy, đê chính, các hồ chứa nước trên cát, kênh thoát lũ, tưới tiêu.

Đê phân thủy có nhiệm vụ chia vùng cát thành từng lưu vực nhỏ để không cho nước từ vùng cao chảy vào vùng thấp. Đê chính có nhiệm vụ ngăn dòng suối trên cát, không cho nước mang cát đổ về lấp đồng ruộng, nhà cửa. 

2 hệ thống đê phân thủy và đê chính đã tạo ra hồ chứa rải rác khắp trên vùng cát nhằm tạo độ ẩm cho đất cát, mà bấy lâu nay vốn không giữ được ẩm và nước.

Tiếp đến là trồng cây lâm nghiệp chủ yếu keo lá tràm, keo tai tượng, cây phi lao và cây dứa dại xen nhau trên mái đê và manh kênh để bảo vệ công trình.

Trên đất cát trắng trồng cây lâm nghiệp thành từng băng cây, mỗi băng 3 đến 4 hàng tạo thành các ô vuông để ngăn chặn cát bay, cát lấp, mỗi ô có diện tích từ 1 đến 4 ha. Nhiệm vụ của biện pháp lâm nghiệp là kết hợp với thủy lợi để cải tạo môi trường.

Sau khi có 2 biện pháp trên thì mới tiến hành biện pháp nông nghiệp. Khi diện tích trong các ô được ổn định và có độ ẩm tạo điều kiện cho cây cỏ mọc, cỏ tạo ra độ mùn cho cát, khi cát được tăng độ mùn và độ ẩm thì cây càng phát triển tốt hơn, cho đến khi đất cát trở thành đất trồng trọt, quy trình này phải mất vài ba năm.

Xây dựng mô hình nông lâm ngư

Ông có thể cho biết việc xây dựng các mô hình nông lâm ngư trên cát ở Quảng Trị có kết quả như thế nào?

Nhìn lại quá trình cải tạo vùng cát để phát triển nông lâm ngư nghiệp của Quảng Trị trong thời gian qua tuy có nhiều thách thức về điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, nhưng phải nói rằng đây là chiến lược đúng đắn, khoa học, mang lại hiệu quả KT-XH rất cao.

Vùng cát ven biển Quảng Trị đã có bước phát triển mạnh về nông lâm ngư nghiệp từ diện tích đến năng suất và sản lượng.

Việc tiến hành cải tạo vùng cát ven biển được tiến hành trên các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện từ tỉnh, các ban ngành xuống tận cơ sở, từng người dân nên đến nay kết quả đạt được ngoài mong đợi.

Trước hết, đã chế ngự và cải tạo được toàn bộ vùng cát ven biển thành vùng đất trồng trọt nông lâm ngư nghiệp. Tình trạng cát bay, cát lấp được giải quyết. Hệ thống đất cát ven biển được tổ chức và sử dụng hiệu quả. Nhiều vùng đất cát sau khi cải tạo được chuyển sang SXNN và nuôi trồng thủy sản.

Trong đó, đáng chú ý chúng tôi đã trồng được gần 20 ngàn ha rừng trên cát trắng. Tạo ra thêm 5 ngàn ha đất SXNN từ cát trắng.

Chương trình góp phần tích cực vào việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện làm ổn định môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, lũ lụt gây ra. Sự phát triển lâm nghiệp tạo ra vùng sinh thái rộng lớn đã góp phần quan trọng trong việc phân bố lại dân cư vùng cát ven biển.

Kết quả lớn nhất có thể khẳng định, đó là thực hiện thành công và xác định được tập đoàn giống cây, con nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác trên vùng cát biến đổi khí hậu, như dưa hấu, lạc, ngô, đậu xanh và các loại rau thực phẩm như su su, cây ớt, cây ném trên cát trắng, bí ngồi Israel...

Nhiều nông dân vùng cát đã nói rằng nhờ có chính sách cải tạo đất sa mạc cát trắng rất hợp lý của chính quyền nên họ đã tăng thêm được diện tích đất SXNN.

Về nuôi trồng thủy sản, ngoài giống truyền thống, đã thử nghiệm thành công các mô hình cá chim trắng, rô phi đơn tính, tôm càng xanh, ếch, ba ba... trên cát trắng.

Đặc biệt, trong vấn đề trồng trọt trên đất cát đã thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng mạnh dạn áp dụng KHKT để tăng hiệu quả sử dụng đất trên một diện tích.

Các huyện đã hình thành nhiều mô hình SXNN thuyết phục như SX cây chất bột có củ như khoai lang, sắn, môn tía. SX các loại cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó cây lạc được xác định cây chủ đạo trên cát... tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Nhờ cải tạo vùng cát tốt mà chăn nuôi phát triển về số lượng và chất lượng. Tổng đàn trâu, bò của vùng này hơn 12 ngàn con, hơn 70 ngàn con lợn và 500 ngàn gia cầm. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát diện tích gần 500 ha.

Để có được kết quả trên, tỉnh phải tiến hành huy động các nguồn vốn, tiến hành xây dựng 42 km đê chính, 28 km đê phân thủy và 23 km kênh tiêu nước trên cát về mùa lũ ra biển...

Song song với quá trình đó, Quảng Trị đã xây dựng được 35 km giao thông nông thôn phục vụ vùng cát. Kết quả đó đã góp phần rất lớn cho thắng lợi của chương trình phát triển KT-XH vùng cát.

Nhờ đẩy mạnh cải tạo vùng cát mà Quảng Trị đã hình thành được các cụm kinh tế vùng cát ven biển như thị trấn Cửa Việt, cụm kinh tế Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Bồ Bản, cụm công nghiệp Quán Ngang.

h-sy-ong-212191042
Ông Hà Sỹ Đồng (thứ 4, bên phải qua) kiểm tra mô hình trồng cây ném trên đất cát trắng vừa được cải tạo ở huyện Hải Lăng

Xây dựng các cụm tuyến dọc đường Cửa Việt - Cửa Tùng - Triệu Lăng - Hải An... tạo động lực phát triển chung cả vùng, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng vùng ven biển.

Cải tạo cát trắng ứng phó biến đổi khí hậu

Thưa ông, các tỉnh ven biển miền Trung có thể áp dụng mô hình cải tạo cát trắng phát triển SXNN của Quảng Trị cho địa phương mình được không?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá rất cao về mô hình cải tạo đất cát trắng để phát triển nông lâm ngư nghiệp, khi ông về thăm tỉnh Quảng Trị, cách nay mấy năm.

Bộ trưởng nói mô hình ở Quảng Trị nên được nhân rộng cho nhiều địa phương khác ở miền Trung học tập.

Như tôi nói ở phần trên, vùng cát trắng ven biển Quảng Trị có đặc điểm tự nhiên - xã hội tương tự như các vùng cát khác của các tỉnh ven biển miền Trung. Đây là vùng có tiềm năng lớn mà chúng ta chưa khai thác đúng mức.

Trong lúc dân số ngày càng đông, khí hậu biến đổi thất thường, nếu không tập trung cải tạo vùng cát để tăng diện tích đất phục vụ SXNN thì không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của vùng.

Để ứng phó và sống chung với biến đổi khí hậu, chúng tôi xác định thời gian tới tiếp tục rà soát lại quy hoạch đất vùng cát để đẩy mạnh chương trình, dự án cải tạo vùng cát ven biển, trên cơ sở ứng dụng mạnh hơn nữa các tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học để SX rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang mạc theo hướng kinh tế sinh thái với cơ cấu SX nông lâm ngư kết hợp.

Mở rộng xây dựng các làng sinh thái, gắn dãn dân vùng đồng bằng ra vùng cát với chương trình, dự án phát triển SX, ngành nghề để các làng sinh thái trở thành cụm dân cư ổn định, phát triển theo hướng bền vững.

Thúc đẩy chuyển đổi cây trồng theo hướng SX lúa chất lượng cao, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm để không ngừng tăng giá trị thu nhập cho nông dân trên một diện tích.

Chú trọng phát triển diện tích rừng trên cát trắng để tạo vành đai xanh, cải tạo môi trường môi sinh.

Chú ý cơ cấu hợp lý cho rừng kinh tế với những giống cây mới như trồng keo lá liềm trên cát để giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Giao đất cát lâu dài cho người dân trồng và chăm sóc rừng.

Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê chống cát bay, cát lấp, chống xói lở, hệ thống tưới tiêu cho vùng cát, vùng kế cận. Ưu tiên các công trình tập trung như giao thông, thủy lợi, trong đó chú ý đến chất lượng nước sinh hoạt dân cư.

Tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên cho vùng cát.

Nhà nước cần có chính sách với biên độ mở hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phát triển các xã ven biển, vùng cát. Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân, hỗ trợ 100% kinh phí khảo nghiệm giống mới, giống chịu hạn trên vùng cát...

Tôi tin rằng, với những bước đi toàn diện như vậy, vùng cát Quảng Trị cũng như các tỉnh ven biển miền Trung sẽ có những thay đổi tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm