| Hotline: 0983.970.780

Cải thiện năng suất đu đủ bằng chế phẩm EM

Thứ Sáu 13/09/2013 , 10:22 (GMT+7)

Phun chế phẩm EM cho cây đu đủ định kỳ 2 tuần/lần ngay sau trồng 1 tháng cho tới trước khi thu hoạch quả 1 tháng sẽ làm tăng năng suất, chất lượng quả...

Sở KH-CN Vĩnh Phúc và Khoa Nông học, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội vừa nghiên cứu thành công và khuyến cáo nông dân trồng đu đủ áp dụng quy trình phun chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EM nhằm làm tăng năng suất, chất lượng quả.

Phun chế phẩm EM cho cây đu đủ định kỳ 2 tuần/lần ngay sau trồng 1 tháng cho tới trước khi thu hoạch quả 1 tháng sẽ làm tăng năng suất, chất lượng quả, đặc biệt làm tăng thêm mức lãi ròng từ 29,14 - 58,46 triệu đồng/ha so với đối chứng không phun.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của việc phun tới sinh trưởng, năng suất và chất lượng đu đủ” được thực hiện trên vườn thực nghiệm của Cty TNHH Phát triển nông nghiệp CNC Sơn Thái tại xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội (2009-2010) và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Vĩnh Phúc (2011-2012) trên 3 giống đu đủ: Nông Hữu1, Hồng Phi 768 (nhập nội từ Đài Loan) và giống Lòng Vàng của địa phương.

Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu (Effective Microorganis) EM thứ cấp được pha loãng với các nồng độ khác nhau (1/500, 1/1.000 và 1.500), phun lên cây định kỳ 2 tuần/lần, bắt đầu từ giai đoạn sau trồng 1 tháng, khi cây đã ổn định.

Kết quả theo dõi tại các điểm thí nghiệm cho thấy:

- Về sinh trưởng: Các cây được xử lý EM làm tăng khả năng quang hợp, cây sinh trưởng nhanh hơn, phát triển khỏe hơn, góp phần làm tăng năng suất cao hơn so với đối chứng không phun EM.

- Về năng suất thu hoạch: Ở nồng độ phun 1/1.000, 2 giống Nông Hữu 1 và Hồng Phi 768 đều tăng số quả trên cây, tăng khối lượng quả bình quân và năng suất thực thu cao nhất so với đối chứng không phun (giống Nông Hữu 1 thực thu 73/60,84 tấn/ha, tăng 12,16 tấn/ha; giống Hồng Phi 768 thực thu 67,62/59,38 tấn/ha, tăng 3,34 tấn; giống Lòng Vàng thực thu 64,87/49,22 tấn/ha, tăng 15,65 tấn ).

- Về chất lượng quả: Lượng đường tổng số và hàm lượng chất khô trên quả của 3 giống đu đủ nghiên cứu ở tất cả các nồng độ EM đều cho hàm lượng cao hơn so với đối chứng không phun, màu trái cũng đẹp hơn, ăn ngọt, ngon hơn đối chứng.

- Về hiệu quả kinh tế: Xử lý EM trên cả 3 giống đu đủ thí nghiệm làm lãi ròng tăng thêm. Mức lãi ròng tăng thêm cao nhất ở nồng độ 1/500 đối với giống Lòng Vàng (58,46 triệu đồng/ha), tiếp đến là giống Nông Hữu (44,82 triệu đồng/ha) và cuối cùng là giống Hồng Phi 768 (29,14 triệu đồng/ha) ở nồng độ phun 1/1.000.

- Về khả năng chống chịu bệnh: Ở tất cả các nồng độ xử lý EM trên cả 3 giống thí nghiệm đều có tác dụng làm giảm tỷ lệ nhiễm các bệnh thán thư, phấn trắng, khảm lá virus và đốm hình nhẫn.

Theo khuyến cáo của nhóm đề tài, để đạt được hiệu quả cao khi áp dụng quy trình xử lý chế phẩm EM trong SX đu đủ ở quy mô lớn, ngoài việc tuân thủ quy trình đã ban hành, bà con cần chú ý thêm một số điểm sau đây:

- Trồng đúng khoảng cách: Cây cách cây 2,5 m, hàng cách hàng 2,5 m để có mật độ 1.333 cây/ha.

- Thời gian xử lý EM thích hợp: Phun định kỳ 2 tuần/lần, ngay sau trồng 1 tháng, khi cây đã ổn định cho đến trước khi thu hoạch 1 tháng, tập trung vào các thời kỳ cây đang sinh trưởng, ra hoa, đậu quả và nuôi quả lớn. Ngừng phun chế phẩm EM trước khi thu quả 1 tháng.

- Với các giống đu đủ thuần bản địa, nên phun chế phẩm EM với nồng độ pha 1/500, với các giống đu đủ lai F1 nhập nội nên pha nồng độ 1/1.000.

- Phun chế phẩm EM vào lúc sáng sớm đã khô sương hoặc chiều mát, tránh lúc nắng gắt, trời mưa.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.