| Hotline: 0983.970.780

Cám nội mất "sân", cám ngoại tung hoành!

Thứ Tư 15/12/2010 , 09:33 (GMT+7)

Các DN thức ăn chăn nuôi nước ngoài đang quyết định hoàn toàn giá bán TĂCN (cám) trên thị trường, còn cám nội cứ “lẹt đẹt” chạy theo sau...

Các DN thức ăn chăn nuôi nước ngoài đang quyết định hoàn toàn giá bán TĂCN (cám) trên thị trường, muốn lên “cho” lên, muốn đứng thì đứng, còn cám nội cứ “lẹt đẹt” chạy theo sau, chấp nhận buông thị phần cho cám ngoại.

 Hiện nay, có thể thấy ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đang có mặt gần như đầy đủ các tập đoàn lớn từ nước ngoài và chiếm thị phần khoảng hơn 70- 80%. Nếu năm 1993, sản lượng thức ăn chăn nuôi (gọi tắt cám) của Cty Thanh Bình (Đồng Nai) là 10.000 tấn/tháng, cám Con Cò của Cty CP Proconco (Cty CP Pháp Việt, Đồng Nai) chỉ có 7.000 tấn/tháng, nhưng đến nay cám Con Cò đã vượt xa Thanh Bình và đứng đầu thị trường về sản lượng với mỗi tháng cung cấp khoảng 100 ngàn cám tấn cám các loại cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.

Hơn thế, theo ông Phạm Đức Bình (TGĐ Cty CP Thanh Bình, Đồng Nai), các tập đoàn này còn được ngân hàng cho vay tín chấp với số tiền khá lớn nên khả năng lấn át cũng như chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng mạnh hơn. Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam tuy SX cùng lĩnh vực nhưng lại không được ưu đãi về vốn vay, không được ưu tiên vay vốn ngoại tệ.

Thế nên, điều dễ thấy là cám nội rất chật vật tìm kiếm thị trường, mua bán với đại lý hầu hết theo dạng ký gửi, còn cám ngoại trên cơ hơn, mua bán tiền trao cháo múc, thiếu tiền 1 bao cám “cũng bị quẳng xuống xe”. Chị Đỗ Thị Mai Oanh (xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), một đại lý cám cấp 1 cho 7 công ty nước ngoài đến từ Pháp, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.. thừa nhận giá cám ngoại có đắt thật, mỗi bao (25 kg) cho heo con tập ăn có giá cao hơn cám nội bình quân 50.000 đ/bao như Thành Lợi, Nguyên Khang, Việt Mỹ... nhưng người chăn nuôi vẫn cứ “sính”.

Ông Võ Văn Tuyết (ấp An Sơn, xã An Điền), một hộ chăn nuôi có tiếng ở địa phương với 60 nái, 400-500 heo thịt. Thay vì dùng cám nội cho rẻ bớt chi phí đầu vào, mấy năm gần đây ông chuyển sang dùng hết cám ngoại. Trong quá trình nuôi heo, ông nhận thấy “chất lượng cám ta không bằng cám tây”. Heo con vừa đẻ ra là ông đút ngay cám đỏ Mỹ (Cargill), đến khi heo được 50-60 kg thì ông chuyển sang cám Hydro của CP (Thái Lan). “Đến nay, tôi vẫn còn nợ ngân hàng 200 triệu tiền vay để mua cám ngoại. Mỗi lần lấy cám CP, tôi phải thuê xe đến ngay hãng mua cho rẻ, chứ qua đại lý họ “ăn” mỗi bao 3-4.000 đồng. Mỗi lần dùng từ 15-20 ngày, 400-500 con heo ăn hết mấy chục triệu tiền cám”.

Với các DN chế biến thức ăn thuỷ sản, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Theo ông Nguyễn Quang Hiền, TGĐ Cty CP Chế biến Thủy sản Việt Thắng (Sa Đéc, Đồng Tháp), người nuôi cá không bán được cá tra hoặc bán chịu cho nhà máy chế biến thủy sản đã không thanh toán tiền mặt cho nhà máy SX thức ăn. Vì vậy, nhà máy thức ăn thiếu vốn để mua nguyên liệu tái SX, dẫn đến SX cầm chừng, không phát huy hết công suất trong khi phải trả lãi vay ngân hàng hàng tháng. Trong khi đó, để xây dựng một nhà máy công suất 5 tấn/giờ, vốn đầu tư đã lên đến 45 tỷ đồng, nhưng gần đây do ngân hàng tăng lãi suất cho vay, giảm dư nợ khiến các nhà máy liên tục gặp khó.
Ông Vương Nam Trung, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Viện KHNN Miền Nam) cho biết, chất lượng cám ngoại dùng cho heo con, heo tập ăn thì đúng là cám nội khó chạy theo kịp. Lý do chính, trình độ khoa học dinh dưỡng về thức ăn gia súc của họ hơn hẳn DN trong nước, do có hẳn một công ty mẹ ở nước ngoài nghiên cứu bài bản, nhất là khoản dinh dưỡng về vi lượng và chất bổ sung. Trong đó, thức ăn bổ sung tuy số lượng chỉ chiếm 3-5%/tổng thành phẩm (bắp, cám, khô đậu nành..) nhưng lại có tác dụng sinh học rất lớn (tăng sức đề kháng, tăng tiêu hóa, kích thích sinh trưởng vật nuôi, tạo màu sắc thịt..). Các công ty nước ngoài họ tự SX và có bí quyết sử dụng, còn các DN trong nước thì phải nhập khẩu, chưa có bí quyết kỹ thuật riêng.

Ông Trần Hoàng An (Biên Hòa, Đồng Nai), một nhân viên tiếp thị cho một số Cty thức ăn gia súc nước ngoài nói, cuộc chiến giữa cám ngoại và cám nội đang diễn ra chủ yếu ở ba “mặt trận” gồm chất lượng cám, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và đội ngũ nhân viên kinh doanh. Trong đó, chất lượng cám được xem là tiêu chuẩn hàng đầu để khẳng định thương hiệu của DN, bởi chất lượng cám cũng chính là “chất lượng thịt”. Đối với con heo, yêu cầu của chủ trại nuôi heo là heo con phải thích ăn, tăng trọng nhanh, mông nở vai nở, thịt dẻo. Thế nên, không phải nhãn hiệu nào cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này, nên chất lượng cám có “vấn đề” lập tức sẽ bị người chăn nuôi phát hiện và tẩy chay ngay, dù có đi kèm với nhiều ưu đãi về hậu mãi và giá rẻ đến đâu.

Trước đây, cám Thành Công (Bình Dương), cám Minh Quân (Đồng Nai) vang bóng một thời, nay phải xóa sổ thương hiệu vì không thể cạnh tranh nổi; thậm chí các nhãn hiệu cám nội tên tuổi khác hiện nay như Lái Thiêu, Thanh Bình, Vina, Thành Lợi, Thái Dương...cũng vẫn lép vế so với cám ngoại. “Nói thật, rất khó có một nhãn hiệu cám nội nào có thể lọt được vào các trại chăn nuôi heo công nghiệp dù giá có khi rẻ hơn đến 40% cho cùng loại cám!”- ông An nói.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất