| Hotline: 0983.970.780

Cam rớt giá, người dân Tuyên Quang phá bỏ hàng trăm ha

Thứ Năm 13/05/2021 , 08:22 (GMT+7)

Nguồn cung quá lớn cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quả cam ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) rớt giá, khó tiêu thụ, nhiều hộ dân đã phá bỏ cả trăm ha cam.

Cam giá thấp, khó bán, nhiều hộ dân ở huyện Hàm Yên đã phó bỏ cả trăm ha. Ảnh: Đào Thanh.

Cam giá thấp, khó bán, nhiều hộ dân ở huyện Hàm Yên đã phó bỏ cả trăm ha. Ảnh: Đào Thanh.

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên, tính đến thời điểm này diện tích cam của toàn huyện là 6.880 ha, giảm 415 ha so với kế hoạch năm 2021. Cam rớt giá, khó bán là nguyên nhân chính khiến một số hộ trồng cam không đầu tư, thâm canh chăm sóc và phá bỏ trồng những cây khác thay thế. Nguyên nhân nữa do một số diện tích cam đã già cỗi, nhân dân chuyển đổi luân canh sang cây trồng khác.

Vụ cam năm 2020, tổng sản lượng cam của toàn huyện Hàm Yên đạt khoảng 85.000 tấn. Ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Liên tiếp trong 2 năm 2019, 2020 cam rớt giá thấp kỷ lục. Có thời điểm cam chỉ 2.000 đến 4.000 đồng/kg nhưng vẫn vắng thương lái thu mua.

Ngoài yếu tố về dịch Covid-19 thì đây còn là hệ quả của việc phát triển nóng vùng cam sành Hàm Yên. Nhất là vào những năm 2016-2017 vùng cam sành Hàm Yên phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch. Một số xã còn xảy ra tình trạng lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp sang trồng cam. Chất lượng quả cam không đồng đều, năng suất không ổn định và việc sản xuất cam theo hướng nông nghiệp tốt còn rất ít.  

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT Hàm Yên cho biết, việc diện tích cam giảm cả trăm ha được huyện dự đoán từ trước. Bởi những năm qua, cam được giá các hộ dân phát triển ồ ạt khiến diện tích tăng quá nhanh. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác như Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang… cũng mở rộng diện tích. 

Phát triển nông nghiệp tốt và tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của cây cam là giải pháp được huyện Hàm Yên và ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đưa ra. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển nông nghiệp tốt và tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của cây cam là giải pháp được huyện Hàm Yên và ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đưa ra. Ảnh: Đào Thanh.

Những địa phương có diện tích cam giảm nhiều nhất phải kể đến xã Phù Lưu giảm 117 ha; xã Yên Phú, giảm 103 ha, xã Nhân Mục giảm 60 ha, xã Minh Dân giảm gần 65 ha…

Qua tìm hiểu thực tế tại các xã Minh Dân, Phù Lưu, Nhân Mục, Yên Phú thì phần lớn các hộ trồng cam chia sẻ rằng, mấy năm nay cam rớt giá lại khó tiêu thụ nên họ không mặn mà nữa. Nhiều hộ đã bỏ diện tích sang trồng các cây ngắn ngày như ngô, lạc hoặc chuyển sang trồng chanh. Một số hộ tiếc công sức chưa muốn phá bỏ nhưng cũng không thiết tha bỏ vốn mua phân bón và công chăm sóc cho vụ cam 2021.

Trước thực trạng nhiều hộ phá bỏ cây cam, UBND huyện Hàm Yên đã chỉ đạo, tuyên truyền, định hướng cho nhân dân trồng lại diện tích cam già cỗi, trồng các giống cam rải vụ cho thu hoạch sớm hoặc muộn và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạch phát triển bền vững vùng cam; khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cam hữu cơ chuyển đổi trên địa bàn huyện; tiếp tục mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản cam và các loại quả khác trên địa bàn.

Giữ vững thương hiệu, quản lý chặt chẽ và phát triển chỉ dẫn địa ký cam sành Hàm Yên, giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Hàm Yên sẽ tập trung giữ ổn định diện tích cam của toàn huyện là 7.000 ha, trong đó diện tích cam sành là 5.500 ha, còn lại là các giống cam khá như cam chanh, cam Vinh, cam V2… nhằm giải vụ và giáp áp lực tiêu thụ cho cây cam sành.

Mở rộng vùng cam theo hướng nông nghiệp tốt, từ nay đến năm 2025 huyện Hàm Yên phấn đấu nhân rộng và duy trì ổn định được 1.500 ha cam theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cam hữu cơ chuyển; tăng cường liên kết, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất