Cán bộ từ chức không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, mà còn chứng minh phẩm chất cách mạng trong sáng của chính mình. Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng một lần nữa nhắc lại việc khuyến khích cán bộ từ chức.
Theo ông Võ Văn Thưởng, chẳng có nơi nào nâng hành vi từ chức lên thành văn hóa, mà cán bộ từ chức chủ yếu rơi vào hai trường hợp. Thứ nhất là có sai phạm trong quá trình công tác. Thứ hai là có sức ép trong nội bộ Đảng. Vì vậy, cũng phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm. Khuyến khích là một cách nói và mong muốn rằng nếu được như vậy thì rất tốt, để ai cũng thấy nhẹ nhàng.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực đang được đẩy mạnh ở nhiều cấp, nhiều ngành. Không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”, mà cũng không còn giới hạn “bất khả xâm phạm”. Cho nên, cán bộ từ chức theo tinh thần biết vấp ngã biết đứng dậy, sẽ tạo động lực chỉnh đốn đội ngũ và khắc phục nhược điểm cá nhân.
Không có văn hóa từ chức, nhưng có sức ép từ chức. Ông Võ Văn Thưởng khẳng định “đó là một cách theo văn hóa của Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn”.
Văn hóa Việt Nam chỉ đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại. Khi cán bộ từ chức vì cảm thấy hỗ thẹn đã không xứng đáng với sự tin cậy của xã hội, thì nhân cách được gìn giữ và được tự trọng của chính họ vẫn có thể đóng góp thiết thực cho hành trình tiến bộ chung.
Tuy nhiên, làm sao để có sức ép từ chức với những người đang giữ vị trí quyền uy, lại hoàn toàn không đơn giản. Có hai việc phải triển khai nghiêm túc và quyết liệt để có “sức ép từ tổ chức, sức ép từ dư luận xã hội”.
Thứ nhất là nâng cao ý thức phê bình và tự phê bình trong đội ngũ đảng viên. Thứ hai là mở rộng thiện chí lắng nghe phản biện của quần chúng. “Thuốc đắng dã tật”, những lời chân thành bao giờ cũng khó nghe, còn những lời hoa mỹ thường chứa đựng rất ít sự trung thực.
Những gợi mở về việc khuyến khích cán bộ từ chức của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, một lần nữa cho thấy, mỗi cán bộ khi nhận lấy chức vụ bất kỳ cũng đồng nghĩa gánh vác hai sự ủy nhiệm. Một sự ủy nhiệm về quản lý và một sự ủy nhiệm về gương mẫu. Hai sự ủy nhiệm này luôn song hành và gắn kết. Nếu không đảm bảo cùng lúc cả hai sự ủy nhiệm, hoặc đi ngược lại sự ủy nhiệm nào, thì cán bộ từ chức là điều hợp tình, hợp lý.
Khi và chỉ khi, cán bộ từ chức được xem như một chuyện bình thường, thì đạo đức quan trường sẽ được củng cố lành mạnh.