| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé:

Cần câu trả lời thỏa đáng

Thứ Ba 21/08/2018 , 14:50 (GMT+7)

Trước hết hãy cùng nhau xem xét các vùng sinh thái trong phạm vi lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé là gì?

Có nên thực hiện dự án thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé?

Chúng ta hãy giả thiết không có các công trình kiểm soát nước, bài toán thủy lực cho thấy trong lưu vực này có 3 vùng sinh thái rõ rệt:

(1) Nước ngọt quanh năm chính là diện tích thuộc tiểu vùng Tây Sông Hậu.

(2) Mặn ngọt luân phiên chính là tiểu vùng thủy lợi U Minh.

(3) Nước mặn quanh năm là các dải ven biển Đông (nam quốc lộ 1A) và dải đất hẹp ven biển Tây. 

TS Tô Văn Trường

Nếu tôn trọng tự nhiên thì nên phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền "vùng sinh thái". Vậy thủy lợi cần giải quyết vấn đề gì? Vùng ngọt quanh năm cần tăng cường thêm nước ngọt để đảm bảo trồng lúa hay hoa màu chắc ăn cho Hậu Giang và 2 huyện Gò Quao và Giồng Riềng của Kiên Giang; vùng mặn/ngọt luân phiên gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh (Cà Mau) và Phước Long, Hồng Dân (Bạc Liêu) thì cần đảm bảo đầy đủ số lượng và chất lượng nước mặn trong mùa khô để nuôi trồng thủy sản và đảm bảo nước ngọt trong mùa mưa để trồng lúa. Những yêu cầu này rõ ràng "nhẹ" hơn so với việc đảm bảo nước ngọt trong mùa khô, theo như mục tiêu sản xuất lúa trước đây và chính vì vậy "áp lực về nước" sẽ giảm mạnh không còn như trước.

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay cần nhà nước hỗ trợ người dân ở vùng mặn/ngọt là làm sao để họ có thể chuyển đổi sản xuất từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa (hay màu) và 1 vụ tôm (hay thủy sản nước mặn khác). Nói nhà nước hỗ trợ là ở chỗ cần giúp cho con tôm và hạt gạo sạch (tôm quảng canh/lúa không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học) đến được thị trường với đúng giá trị của nó chứ còn kỹ thuật sản xuất và am hiểu thực tế thì người nông dân phải nói rất giỏi.

Nếu xây dựng 2 cống Cái Lớn - Cái Bé như đề xuất hiện nay thì chỉ 2 cống đó cộng với kênh thông nước đã sử dụng hết khoản ngân sách 3.300 tỷ. Sự thiếu chắc chắn về hiệu quả là ở chỗ 2 cống cửa sông này sẽ "nhốt" các vùng sinh thái khác nhau vào trong một cái cũi trong khi chúng ta cố gắng hàng chục năm nay để "phân ranh mặn/ngọt"?

Dù vận hành của cống Cái Lớn - Cái Bé có giỏi đến đâu cũng không tránh khỏi tác động lên môi trường nước một vùng rất nhạy cảm đang được quy hoạch là "vựa tôm" của Việt Nam.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đang chạy mô hình thủy lực để đánh giá tác động môi trường nước của vùng dự án, đây là việc phải làm nhưng dù không cần chạy mô hình với những người có “tay nghề”, am hiểu sâu sắc thực tế cũng có thể khẳng định kết quả là các tác động tiêu cực là chủ yếu, đặc biệt trong những trường hợp vận hành không như thiết kế.

Động lực thủy triều đóng vai trò đặc biệt quan trọng duy trì môi trường sinh thái mọi châu thổ. Năng lượng triều biển Tây vốn đã rất nhỏ (dao động triều thấp) sẽ mất đi khi đóng 2 cửa cống Cái Lớn - Cái Bé.

15-12-23_2008185
Vị trí dự kiến xây dựng cống Cái Lớn

Vấn đề mặn/hạn xảy ra tái lập như vừa qua, có thể được giải quyết bởi 2 cống Cái Lớn - Cái Bé này không? Chắc chắn là không rồi vì chỉ 2 cống này cũng không thể "khép kín" vùng ngọt hóa mong muốn. Cách giải quyết mặn/hạn vừa rồi chính là chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với “nguồn tài nguyên có sẵn" hơn là đòi hỏi "nguồn tài nguyên mong muốn".
 

Định hướng mới và giải pháp

Thủy lợi ngày nay phải thay đổi tư duy phù hợp với tình hình biến chuyển của tự nhiên, xã hội và thị trường. So với cách đây 30 - 40 năm, ta đã từng bước nhận thức sâu sắc thêm:

- Nhận diện rõ hơn biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực.

- Nhận diện sâu hơn về sự biến đổi dòng chảy lỏng và rắn của sông Mekong do hệ thống các đập thủy nông và thủy điện gây ra.

- Đổi tư duy từ đắp đập ngăn mặn sang kiểm soát mặn (làm cống 1 - 2 chiều) và coi mặn là tài nguyên ở vùng ven biển khi kiểm soát được độ mặn theo chu kỳ sinh trưởng của thủy sản, đặc biệt là con tôm.

- Thấy rõ hơn dùng nước của ĐBSCL phục vụ sản xuất và đời sống đã tăng lên nhiều lần.

- Sản xuất ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng lan tỏa, thì nguy cơ phơi nhiễm hiểm họa thiên tai ngày càng cao, nhất là vào các năm có cực đoan về thời tiết và khí hậu.

- Xu thế tất yếu của nhân loại là các sản phẩm nông lâm thủy sản yêu cầu phải tiến tới “sạch 100%” cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

- Xu thế tiêu thụ thức ăn hàng ngày của loài người văn minh ngày càng ít chất bột, đang làm chuyển đổi thị trường thời kỳ “vàng son” của cây lúa “cưng độc tôn” từng bước san sẻ bớt thị phần cho thủy sản, rau, củ, quả…

Sau khi dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp thất bại trong việc tiếp nước ngọt cho vùng Bạc Liêu, Cà Mau thì vấn đề dẫn ngọt cho hai vùng này được đặt ra. Đầu tiên là bằng dự án phân ranh mặn ngọt (Bạc Liêu - Sóc Trăng) và tiếp đó là đề xuất làm cống Cái Lớn - Cái Bé.

Theo tôi hiểu, quy mô, vị trí hệ thống công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé phụ thuộc vào cơ cấu bố trí sản xuất của các tỉnh chủ yếu là Kiên Giang và Cà Mau. Mặn xâm nhập từ biển phía Tây theo sông Cái Lớn và Cái Bé yếu hơn xâm nhập mặn từ biển Đông. Khu vực phía nam sông Cái Lớn (thuộc Kiên Giang và bắc Cà Mau) mặn ngọt luân phiên (mặn mùa khô/ngọt mùa mưa nhờ nước mưa và nước từ sông Hậu) vì vậy nếu mùa mưa trồng lúa/mùa khô nuôi tôm sẽ giảm áp lực nhu cầu nước ngọt hơn so với canh tác 2 vụ lúa và giải pháp thủy lợi cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Đây là lý do cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn đánh giá “được và mất” về dự án cống Cái Lớn và cống Cái Bé trước khi quyết định chủ trương đầu tư.

15-12-23_2008186
Sông Cái Bé với vị trí dự kiến xây cống Cái Bé

Với nhận thức trên, tôi đề nghị cần nghiên cứu phân rõ thật kỹ càng tứ giác Cái Sắn - Quản Lộ Phụng Hiệp có diện tích gần 1 triệu ha thành các tiểu vùng sinh thái phù hợp với đặc thù về đất và nước (tạm gọi là quy hoạch chi tiết sinh thái), trên cơ sở đó nghiên cứu động thái phát triển thị trường trong nước và ngoài nước (tạm gọi là quy hoạch chi tiết thị trường)... mà quyết định sản xuất phù hợp trên từng tiểu vùng: trồng cây gì vào vụ nào, nuôi con gì vào thời gian nào…, trồng được và nuôi được thì dùng hết bao nhiêu, còn lại bán thì bán ở đâu..., đảm bảo nông dân có lãi càng cao càng bền vững càng tốt (tạm gọi là quy hoạch chi tiết sản xuất). Từ đó, mới quy hoạch và xây dựng thủy lợi phục vụ sản xuất đảm bảo các mục tiêu của quy hoạch chi tiết sinh thái, quy hoạch chi tiết thị trường và quy hoạch chi tiết sản xuất.
 

Lời kết

Có cần xây dựng cái cống Cái Lớn - Cái Bé hay không, qua phân tích ở trên đã rõ câu trả lời. Vậy, nên sử dụng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ này như thế nào là hiệu quả nhất? Như đã trình bày: khu vực này còn thiếu nước ngọt trong mùa khô cho tiểu vùng Tây sông Hậu, thiếu nước mặn mùa khô và bấp bênh nước ngọt mùa mưa cho tiểu vùng U Minh. Vậy nên sử dụng nguồn vốn đó để hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi các tiểu vùng. Điều này là cần thiết vì cho đến nay nhà nước đầu tư nhiều dự án mà vẫn chưa khép kín đồng bộ dẫn đến hiệu quả đầu tư những năm qua chưa được phát huy.

Điều quan trọng nhất hiện nay là các đơn vị tư vấn cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và cầu thị để rồi có những đề xuất phù hợp hơn là cố gắng chứng minh đề xuất hiện nay là tốt nhất.

Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL tuy đã được Thủ tướng phê duyệt vẫn cần được rà soát với tư duy mới, quan điểm mới và phải mạnh dạn rũ bỏ những dự án không phù hợp cứ được xem là đã đủ "cơ sở pháp lý", chỉ mất thời gian, tiền bạc và uy tín của ngành mà thôi.

Công trình thủy lợi phải phục vụ sản xuất và dân sinh. Sản xuất ở ĐBSCL đã chuyển thứ tự ưu tiên từ lúa - thủy sản - cây trồng khác sang thủy sản - cây trồng khác - lúa. Cần phải xem lại các cống này có phục vụ tốt cho ưu tiên sản xuất mới không, chứ không phải đã duyệt theo ưu tiên trước đây rồi nên cứ thế tiếp tục.

 

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.