| Hotline: 0983.970.780

Cần chuyên nghiệp để phản biện chính sách

Thứ Sáu 26/04/2013 , 10:22 (GMT+7)

Hơn 100 nhà báo và nhà khoa học cả nước đã tham dự hội thảo “Vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu".

Trong hai ngày 24 và 25/4, tại TP Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Văn phòng Viện KAS (CHLB Đức) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu"; hơn 100 nhà báo và nhà khoa học cả nước tham dự.


Xói lở nghiêm trọng cửa sông ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, có liên quan đến biến đổi khí hậu làm nước biển dâng

PHẢN BIỆN CHÍNH SÁCH

Phát biểu đề dẫn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Phạm Quốc Toàn khẳng định, trong ứng phó với biến đổi khí hậu “báo chí có vai trò to lớn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, cho các ngành, các cấp lãnh đạo… để có hành vi, thái độ ứng xử đúng đắn và quyết tâm cao trong hành động”.

Ông Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đối với các cấp thẩm quyền, cho đó “là yếu tố số một quyết định sự thành công” và cũng là “điều khó khăn nhất” trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng biên tập Thành và nhiều tham luận nêu lên khái niệm “phản biện về chính sách”, coi đó là nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức của báo chí. Ông Thành cho biết, đã có hiện tượng lợi dụng biến đổi khí hậu để “chạy dự án”, nên báo chí cần tạo ra diễn đàn để các cơ quan chức năng nhìn lại các quyết định đã và chuẩn bị ban hành.

Cùng quan điểm, TS Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Trường ĐH Cần Thơ, cảnh báo: “Có hiện tượng “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu”, quy mọi sai lầm trong đầu tư xây dựng cho biến đổi khí hậu, không khéo báo chí rơi vào bẫy của nhóm lợi ích”.

CẦN CHUYÊN NGHIỆP

Nhưng muốn phản biện chính sách, nhà báo phải chuyên nghiệp, lại là điều hiện đang thiếu. Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu ở Báo Lao Động, nói “hầu hết các nước châu Âu có hẳn đội ngũ phóng viên chuyên viết về biến đổi khí hậu. Sự chuyên biệt này thể hiện ở kiến thức nền, độ nhạy bén trong phát hiện đề tài”. Theo ông Đấu, ở nước ta đang thiếu đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp như thế nên “dù có nhiều bài báo đề cập đến các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng có quá ít bài báo chỉ ra được mối liên hệ giữa các hiện tượng trên với biến đổi khí hậu”.

“Nhận thức và suy nghiệm lại để sớm tìm ra những phương thức truyền thông hiệu quả là cách để nhà báo không phải mang tội với nhân dân trong cuộc vật lộn với những hiểm họa từ biến đổi khí hậu toàn cầu” - TS Nguyễn Đức An, giảng viên báo chí học ĐH Stirling (Vương quốc Anh).

Nhà báo Nguyễn Văn Ngọc ở Đài Truyền hình VN đồng quan điểm khi cho rằng “trong các tác phẩm báo chí đôi khi chưa có mối liên hệ hoặc phân định rạch ròi giữa biến đối khí hậu với các vấn đề môi trường, di dân, các thiếu sót trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng”. Còn nhà báo Hồ Thị Hoàng Yến (Nguyễn Khoa) ở Báo Sài Gòn giải phóng nêu lên kinh nghiệm buồn, chương trình di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư khoảng 10 năm nay của TP.HCM mà “hậu quả là di dời cơ sở ô nhiễm ra ngoại thành” và “kênh rạch ngoại thành TP.HCM đã hóa đen”. Bà Yến nói, lẽ ra chống gây ô nhiễm chủ yếu “phải chuyển đổi công nghệ tốt hơn” nhưng báo chí lên tiếng chưa có kết quả.

Ông Vương Văn Dứa (Tô Vương), Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, thống nhất đánh giá việc thiếu đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp về biến đổi khí hậu nên “chưa phân tích sâu bản chất sự kiện”. Theo ông, để khắc phục thì kèm theo bài phản ánh của phóng viên cần có phỏng vấn “nhà quản lý có trách nhiệm hoặc bài viết của các chuyên gia”; về lâu dài, đề nghị Bộ TN-MT phối hợp với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho các nhà báo.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ôtô BMW tự bốc cháy khi đang đỗ

Khoảng 12h ngày 2/5, trên đường Ngô Thì Sỹ, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông một chiếc ôtô nhãn hiệu BMW đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy dữ dội.