| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung:

Cần đào tạo kĩ năng sống cho trẻ và nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, người thân

Thứ Ba 05/06/2018 , 20:05 (GMT+7)

Trước thực trạng xâm hại trẻ em đang ngày một gia tăng, nhiều ĐBQH lo ngại chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung về hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em cũng như giải pháp của Bộ nhằm ngăn chặn hành vi này….

Có hành lang pháp lý nhưng tính thực thi của pháp luật chưa cao

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) chất vấn: Tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm và trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ một cháu thì có ít nhất 10 cháu bị hai vụ với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên nhân 6% liên quan đến hàng xóm, người quen, 21% liên quan đến người thân trong gia đình. “Vậy xin hỏi Bộ trưởng giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?”, đại biểu đặt câu hỏi.

16-38-04_do_ngoc_dung
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Việt Nam có đủ khung pháp lý để xử lý tình trạng trên, quy định trong Luật trẻ em và các Nghị định liên quan đã phân công rõ trách nhiệm từng ngành, địa phương. Chúng ta có nhiều giải pháp, như tuyên truyền vận động, đường dây nóng, xử nghiêm một số vụ nổi cộm, trực tiếp lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Lao động đã trực tiếp theo dõi, đôn đốc xử lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, gần đây việc xử lý hành vi xâm hại trẻ em của hệ thống pháp luật còn tồn tại vấn đề gây bức xúc xã hội và dư luận lên án hành vi này.

Bộ trưởng cho biết, sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hóa trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tỷ lệ 59,9% đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là người thân quen với nạn nhân cho thấy từ phân loại đối tượng xâm hại trẻ em sẽ tìm ra giải pháp. “Cần xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo kĩ năng sống cho trẻ. Bên cạnh đó cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình.” Bộ trưởng nói.

Giải pháp thời gian tới là phải tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt Bộ Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội cần tập trung rà soát quy định pháp luật, phối hợp thực thi pháp luật, bảo vệ quyền trẻ em trong tố tung. Phối hợp các bộ ngành để tăng cường xử lý các vụ việc một cách nhanh chóng nhất, phản ứng nhanh khi tình huống xảy ra. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
 

Gia đình nạn nhân đơn độc, Bộ trưởng cần lên tiếng

Ngay sau khi Bộ trưởng trả lời, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn tiếp tục tranh luận: “Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra tôi chưa hài lòng vì chưa có giải pháp nào mạnh. Đây là tội phạm khá đặc biệt, khó phát hiện, đặc biệt là bằng chứng mất dần qua thời gian, mà thời gian ở đây được tính theo giờ, theo ngày chứ không tính theo tháng, theo năm”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.

Theo đại biểu Tuấn, vấn đề tiếp cận xử lý tin báo, tố cáo, xét xử thì chúng ta phải nhanh, mạnh mẽ mới có được bằng chứng kết tội. Đối tượng bị hại là các cháu bé khi xảy ra trường hợp đó rất hoảng loạn, và các cháu chưa nhận thức được nên khó trong lấy lời khai. Thêm nữa, việc nhận thức của cơ quan tố tụng khác nhau. Bằng chứng vừa rồi, vụ việc sơ thẩm xử ba năm tù với đối tượng nhưng phúc thẩm lại xử 18 tháng treo tại Vũng Tàu.

Nối tiếp chất vấn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu dẫn chứng có vụ án xâm hại khi đứa trẻ tố cáo thì không cơ quan chức năng nào tin chỉ đến khi cháu bé phẫn uất tự tử thì mới khởi tố vụ án, lại có vụ việc bản thân ĐB Nhưỡng theo đuổi nhiều năm để cùng gia đình cháu bé giải quyết vấn đề nhưng cảm nhận cuối cùng là gia đình nạn nhân rất đơn độc trong khi chúng ta có tới 17 cơ quan có chức năng để bảo vệ quyền lợi trẻ em? ĐB Nhưỡng đề nghị Bộ LĐ&TBXH phải có thái độ kiên quyết hơn nữa để các cơ quan khác phải vào cuộc.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ để đảm bảo quyền lợi của trẻ em. Luật trẻ em quy định rất rõ Bộ CA hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm hại đối với trẻ em. Bên cạnh đó, các cơ quan như Viện Kiểm Sát, Tòa án đều có vai trò của mình. Riêng đối với yêu cầu Bộ LĐTB&XH cần quyết liệt hơn của ĐB Nhưỡng, ông Dung cho biết: “Hầu như những vụ liên quan đến xâm hại trẻ em bộ đều có ý kiến, có những vụ như bị cáo Nguyễn Khắc Thủy vừa qua cá nhân tôi trực tiếp báo cáo với Chủ tịch nước, trao đổi trực tiếp với Viện trưởng Viện kiểm sát, chánh án tòa tối cao để đưa quan điểm cá nhân không tán thành với bản án và đã được các đồng chí ghi nhận”.
 

Với trẻ em, pháp luật cũng cần phải thân thiện

Được sự phân công của Chủ tịch QH trả lời hỗ trợ về giải pháp bảo vệ trẻ em,Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho rằng pháp luật đã hoàn thiện nhưng để có tính thực thi đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của cả 17 cơ quan chức năng có liên quan. “ Nhạc trưởng phối hợp trong công tác phòng ngừa là ai? Trong phát hiện, xử lý là cơ quan nào ? Có lẽ, tới đây các cơ quan cần cân nhắc khi có sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì đó cũng là một cách chúng ta xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong xử lý liên quan đến khách thể cần bảo vệ”. Ông Trí nêu quan điểm

Phát biểu trước QH, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đưa ra một khía cạnh rất thiết thực và nhân văn khi nhận thấy các hoạt động tố tụng trong bảo vệ trẻ em còn thiếu những quy định về giải pháp thân thiện đối với nạn nhân. “Trẻ em đã bị xâm hại nhưng nếu các cơ quan tố tụng khi thụ lý vụ án không tỏ thái độ thân thiện thì có thể sẽ vô tình khiến cho nạn nhân bị xâm hại lần thứ hai”

Về nội dung này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thừa nhận trong thời gian 4 năm TAND TC đã phải giải quyết trên 8000 vụ xâm hại trẻ em nhưng đã phải trả hồ sơ, xem xét lại tới 599 vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu điều tra, xét xử mắc phải những khó khăn từ phía gia đình: vì gia đình ngại, vì không thể giám định do gia đình không đồng ý, vì thời gian quá lâu…. Đây là vấn đề tâm lý xã hội.

Chánh án Tòa TC cho biết, để giải quyết vướng mắc trên, Tòa đã, xây dựng giáo trình cho xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho hơn 6000 thẩm phán để nâng cao năng lực. Ban hành thông tư hướng dẫn tòa thân thiện gia đình với những vụ việc liên quan đến trẻ em: trình tự thủ tục tố tụng thân thiện cũng đã có dự thảo và sẽ ban hành vào tháng tới. Hiện đang xây dựng tòa chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên: mô hình ở TP HCM và Đồng Tháp và dự định triển khai trong năm nay. Sắp tới đối với những trường hợp trẻ bị xâm hại sẽ có giải pháp xét xử mà trẻ không cần xuất hiện tại Tòa, giữ kín nhân thân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Số liệu 150 triệu trẻ em bị bạo hành trên thế giới bao hàm cả những hành vi ngôn ngữ, cử chỉ ngoài bạo lực của người lớn. Ở nước ta, con số 2000 trẻ em bị bạo hành chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, các chuyên gia quốc tế điều tra xã hội học tại Việt Nam cho biết 62% trẻ em ở Việt Nam trả lời bị mắng, bị phết vào mông… khi mắc khuyết điểm. Đối với thế giới, ngay cả những hành vi đó cũng là bạo hành trẻ em.

 

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm