| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/10/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 26/10/2017

Cần đứng phía người dân, không chỉ bảo vệ các chủ đầu tư BOT

Gần đây, một loạt các dự án BOT (xây dựng – vận hành - chuyển giao) trong giao thông đường bộ, xảy ra sai phạm, nhưng Bộ GTVT dường như không đứng về phía người dân.

17-30-51_bot_ci_ly
Ảnh minh họa

Sở dĩ có nhận định trên, vì khi suy xét kỹ các dự án BOT trong giao thông đường bộ từ trước đến nay, điều dễ nhận thấy là việc cải tạo nâng cấp các tuyến đường độc đạo luôn mang tính áp đặt. Các trạm BOT đặt ở vị trí chưa hợp lý dẫn đến bức xúc trong dư luận. Nó hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên tắc của BOT - là một trong nhiều hình thức của mô hình Đối tác công tư PPP.

Theo đó, việc đầu tư đường bộ bằng mô hình PPP phải đảm bảo để người dân có quyền lựa chọn sử dụng đường bộ không thu phí (với chất lượng thấp hơn) nhưng không phải trả phí, hoặc với việc lựa chọn sử dụng đường bộ có thu phí với chất lượng cao hơn. Nguyên tắc tối cao của BOT là ở sự lựa chọn.

Xét ở phương diện này, rất nhiều công trình và trạm thu phí BOT thời gian qua không đáp ứng nguyên tắc trên. Có những trạm thu phí BOT đặt ở đường độc đạo, buộc người dân và doanh nghiệp phải sử dụng, không có lựa chọn khác. Hoặc chỉ sửa chữa mặt đường, mặt cầu, rồi đặt trạm thu phí để thu cả 2 ngả đường. Điều này dẫn tới việc người dân không sử dụng dịch vụ mà vẫn phải chi trả.

Khi khủng hoảng giữa dân chúng và chủ đầu tư của dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) lên cao trào, các lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải luôn bảo vệ vị trí trạm BOT. Điều này mang lại cảm giác Bộ và chủ đầu tư là một phía, chứ Bộ không phải là một cơ quan giám sát, điều phối, hài hòa lợi ích các bên. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật từng khẳng định: “Quan điểm của Bộ GTVT phải xem xét tình hình thực tế chứ không vì phản đối của người dân mà phá luật, giảm phí, di dời trạm BOT được”.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng hòa giọng: “Bộ GTVT khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng, Bộ vẫn quyết định không di dời BOT Cai Lậy”. Thực tế, họ nói khác với làm. Vì Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án công tư - Bộ GTVT - ông Nguyễn Danh Huy cũng phải thừa nhận việc người dân quanh trạm, đi một quãng đường ngắn mà phải trả phí là chính sách bất cập, và giải thích nếu đặt trạm thu phí Cai Lậy ở tuyến tránh thì không có nhà đầu tư làm.

 Rất mong tới đây tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm thay đổi những quan điểm đang có trong ứng xử của lãnh đạo Bộ với các dự án BOT, đảm bảo được rằng trong nền kinh tế thị trường, thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm đúng chức năng của một cơ quan nhà nước là đứng ra điều tiết, giám sát việc cung ứng dịch vụ, xem xét việc cung ứng có công bằng, minh bạch và giá cả có hợp lý hay không. Và xác định rằng huy động vốn tư nhân chỉ là bổ sung, không phải là nguồn chủ yếu.

Chứ không phải nhăm nhăm bảo vệ các chủ đầu tư!

Bình luận mới nhất