Khi bàn đến chỉ tiêu này, nhiều nông dân rất băn khoăn, sợ lượng giống ít thì bông ít dẫn đến năng suất thấp...
Các nhà khoa học đã nêu bằng chứng là ở miền Bắc, bà con chỉ sạ lượng giống khoảng 40kg/ha vẫn đạt được năng suất cao. Ngay cả ở Sóc Trăng, trong chương trình "Từ ruộng vườn đến trường quay" vụ ĐX 2014-2015 vừa qua, gieo 50kg thóc để cấy cho ha ruộng, năng suất vẫn rất cao. Ở Kiên Giang cũng đã có mô hình sạ 80kg giống/ha đạt năng suất cao nhất trong nhóm tham gia chương trình.
Nghe thì vậy nhưng không ít bà con vẫn còn băn khoăn, dù Cty CP Phân bón Bình Điền (thương hiệu phân bón Đầu Trâu) biếu bà con đủ giống gieo sạ.
Trong kỹ thuật "1 phải 5 giảm", yêu cầu phải dùng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ, song tổng kết tình hình sản xuất các vụ lúa năm 2015 tại ĐBSCL mới có khoảng 13% số bà con gieo sạ ở mức 100kg/ha, khoảng 58% bà con gieo từ 120 - 150 kg/ha và vẫn còn 29% số bà con gieo từ 150kg/ha trở lên.
Thực ra, tập quán gieo sạ dày ở ĐBSCL diễn ra đã từ lâu đời. Các cuộc điều tra kỹ thuật canh tác lúa đã cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam cho đến khoảng năm 2000, lượng giống gieo sạ bà con thường dùng là 200 - 300kg/ha.
Lý do chính bắt nguồn từ chỗ là nhiều chủ ruộng sở hữu số ruộng đất lớn, không đủ công để làm đất đúng kỹ thuật, độ đồng đều không bảo đảm, chim chuột lại nhiều, về sau lại có thêm nạn ốc bươu vàng phá hại, thiếu công tỉa dặm nên gieo dày để bù đắp lại các mất mát do các tác nhân kể trên gây ra. Lâu ngày đã trở thành thói quen, sạ ít hơn là không yên tâm. Sạ dày nhưng bà con lại muốn lúa đẻ nhiều, nên thường bón thúc đạm nhiều, cũng là lý do lạm dụng phân hóa học.
Các nhà khoa học cũng thường xuyên giải thích lợi, hại của tập quán sạ dày và cũng nêu bằng chứng sạ thưa vừa phải sẽ có nhiều lợi hơn. Xin được dẫn ra một kết quả nghiên cứu khoa học về lợi ích gieo sạ thưa để bạn đọc cùng tham khảo.
Theo thí nghiệm của tác giả Nguyễn Trường Giang và Phạm Văn Phương thực hiện trên giống lúa MTL 645 trong vụ hè thu 2010 tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng 90 ngày, cũng như nhiều giống lúa khác đang được canh tác rộng rãi ở ĐBSCL hiện nay. Tác giả gieo sạ trên nền phân 80kg N + 60kg P205 và 30kg K20/ha và nghiên cứu các liều lượng và phương pháp sạ sau:
1- Sạ hàng lượng giống 50kg/ha
2 - Sạ hàng lượng giống 100kg/ha
3 - Sạ lan lượng giống 100kg/ha
4 - Sạ lan lượng giống 200kg/ha
Kết quả nghiên cứu được tóm tắt dưới đây:
1- Về tình hình sâu bệnh, tác giả theo dõi 2 loại sâu bệnh chính là đạo ôn và rầy nâu thì thấy trong vụ thí nghiệm hai loại sâu bệnh này xuất hiện ít nên chỉ bị nhẹ. Vì vậy ở các công thức có mật độ sạ và phương pháp sạ khác nhau chỉ bị bệnh ở mức độ cấp 1.
Lễ ra mắt chương trình "Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu" tại Cần Thơ
2 - Tình hình chuột phá hại cho thấy chỉ có 2 công thức sạ lan 100 và 200kg/ha bị chuột phá 12 và 37%. Ở công thức sạ dày có tỷ lệ chuột cắn phá nhiều nhất (37%). Các công thức sạ hàng, và mật độ sạ thưa 50 hay 100kg đều không bị chuột cắn phá cây nào. Lý do chính là mật độ gieo sạ thưa và cây phân bố đều trên các hàng lúa, không có chỗ quá dày, chỗ quá thưa, cây khỏe, nên ít hấp dẫn chuột làm tổ cắn phá.
3 - Về tỷ lệ đổ ngã: Số liệu công bố chỉ có 2 công thức sạ lan, liều 100 và 200kg/ha bị đổ ngã nhiều là 33 và 63%. Sạ lan và mật độ sạ dày làm cho tỷ lệ đổ ngã cao nhất (63%). Cùng mức giống 100kg/ha, nhưng sạ hàng không làm cây nào bị đổ, trong lúc đó công thức sạ lan cây bị đổ ngã đến 33%.
4 - Về các chỉ tiêu nông học: Với chiều cao cây lúa cho thấy: Các công thức sạ hàng mật độ thưa có chiều cao cây cao hơn. Công thức sạ hàng 50kg/ha có chiều cao cây lúa cao nhất, 2 công thức sạ lan 100 và 200kg/ha có chiều cao cây thấp nhất. Số chồi tối đa, ở công thức sạ lan 200kg/ha cho tổng số chồi cao nhất. Nhưng ngược lại tỷ lệ chồi hữu hiệu thấp nhất, dẫn đến chiều dài bông ngắn nhất, số hạt chắc trên bông ít nhất, trọng lượng hạt cũng bị giảm nhiều nhất, dẫn đến năng suất thấp nhất trong 4 công thức.
Tổng kết lại cho thấy 2 công thức sạ hàng 50 và 100 kg/ha có năng suất tương đương nhau (6,56 và 6,79 tấn lúa khô/ha). So sánh phương pháp sạ hàng và sạ lan cùng lượng giống là 100kg/ha thì sạ hàng có ưu thế hơn do không bị chuột phá và không bị đổ ngã nên dẫn đến năng suất có xu hướng cao hơn.
Sạ hàng thu được 6,79 tấn còn sạ lan có 6,08 tấn thóc khô/ha, thua sạ hàng đến 710kg/ha hay 11,7%. Còn sạ lan dày đến 200kg/ha vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, đó là tốn đến 150kg giống /ha, hay so với mức sạ 100kg thì cũng tốn thêm 100kg/ha mà năng suất lúa khô chỉ đạt được 5,67 tấn/ha (thua 890 kg thóc hay thua đến 15,7%, thua mức sạ hàng 100 kg đến 19,75%).
Những số liệu này một lần nữa chứng minh để bà con rõ thêm là đừng ham sạ dày bị thiệt đơn thiệt kép vừa tốn giống, tốn công chăm sóc, tốn thuốc sâu bệnh mà năng suất thấp. Vậy thì chủ trương giảm lượng giống sạ xuống 100 hay dưới 100kg là hoàn toàn có cơ sở và bà con cũng nên áp dụng phương pháp sạ hàng sẽ tốt hơn. |