| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/08/2020 , 05:35 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:35 - 27/08/2020

Cần làm rõ tư cách một Đại biểu Quốc hội

Ông Phạm Phú Quốc đương kim Đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị TP.HCM đã chính thức thừa nhận: “Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018”. 

Như vậy, suốt 3 năm qua, ông Phạm Phú Quốc đã đại diện cho quyền lợi của ai và đã đấu tranh cho quyền lợi của ai, là điều mà các cơ quan chức năng cần làm rõ một cách khẩn trương và minh bạch.

Ông Phạm Phú Quốc trúng cử Đại biểu Quốc hội từ tháng 5/2016, khi đang làm Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Nghĩa là, khi được nửa nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội, thì ông Phạm Phú Quốc đã trở thành người Cyprus, nhưng đến tháng 12/2019 vẫn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Thuận thuộc Thành ủy TP.HCM. Một doanh nghiệp Nhà nước có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, mà lại giao cho một người mập mờ về danh phận như ông Phạm Phú Quốc, quả thật khó hiểu.

Công tác kiểm tra và công tác giám sát suốt quá trình làm hồ sơ bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc, có được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc chăng?

Trước đây, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã xảy ra trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta, và bị miễn nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội.

Còn bây giờ, lại thêm trường hợp ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus ở đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Ông Phạm Phú Quốc khẳng định “tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD”.

Tạm tin lời phân bua ấy, nhưng từ khi có quốc tịch Cyprus, thì ông Phạm Phú Quốc có khai báo với tổ chức nơi ông đang công tác không? Và khi tiếp xúc với cử tri, thì ông Phạm Phú Quốc dùng tư cách Đại biểu Quốc hội của Việt Nam, hay tư cách một công dân Cyprus? Nếu truyền thông nước ngoài không nêu đích danh ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus, thì vị Đại biểu Quốc hội này còn âm thầm giữ kín đến lúc nào?

Luật Quốc tịch Việt Nam quy định rất cụ thể: Người Việt Nam ở trong nước chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, khi muốn nhập quốc tịch của nước khác thì phải thôi quốc tịch Việt Nam. Còn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì với chính sách đại đoàn kết dân tộc, vẫn cho phép giữ quốc tịch Việt Nam để gắn bó với quê hương.

Một Đại biểu Quốc hội như ông Phạm Phú Quốc, không lẽ không am tường về Luật Quốc tịch Việt Nam? Ông Phạm Phú Quốc khi xin cấp quốc tịch Cyprus, không những không thôi quốc tịch Việt Nam, mà vẫn ngạo nghễ đứng trong cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam và tham gia lãnh đạo doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước của Thành ủy TP.HCM.

Không cần tranh luận sâu xa, thì người Việt Nam nào cũng thấy ông Phạm Phú Quốc không còn đủ tư cách để làm Đại biểu Quốc hội, và càng không xứng đáng để giữ cái ghế Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Thuận tại TP.HCM.

Thậm chí, ông Phạm Phú Quốc còn tạo ra tiền lệ xấu về thái độ ngang nhiên vi phạm pháp luật trong hàng ngũ cán bộ và đảng viên.