"Hầu hết điểm du lịch nông thôn đều phát triển mang tính tự phát"
Chiều 18/12, Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội thảo về định hướng quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được Quốc hội và Chính phủ triển khai từ năm 2011. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự kết nối thông suốt; cảnh quan môi trường nông thôn cũng được cải tạo một cách đáng kể.
Trong việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng đã được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. Trong điều kiện về cơ sở hạ tầng, về cảnh quan sinh thái, về giá trị văn hóa được khôi phục và bảo tồn, rất nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều mô hình về du lịch ở nông thôn trong 3 năm qua.
Ngay cả trong Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng có nhóm sản phẩm OCOP là điểm du lịch cộng đồng. Đến nay, trên cả nước đã có 36 điểm du lịch cộng đồng được công nhận 3 - 4 sao OCOP.
“Qua đó có thể thấy rằng, mặc dù chúng ta chưa có chủ trương, chưa có khung cơ chế chính sách nhưng các địa phương, các doanh nghiệp, chủ thể đã thấy được nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời tận dụng, phát huy những hiệu quả mà Chương trình MTQG xây dựng NTM mang lại trong việc từng bước phát triển du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Theo đó, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, Bộ NN-PTNT đã giao cho Văn phòng điều phối NTM Trung ương cùng các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đặc biệt là Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở triển khai, tổ chức các Hội thảo, Diễn đàn, các đoàn đi thực tế tại các địa phương có tiềm năng về du lịch nông thôn để cùng các đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo nội dung về du lịch nông thôn.
Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT cùng Bộ VH-TT&DL đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một chương trình về du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
“Có thể thấy rằng, từ thực tiễn, các địa phương đều có nhu cầu mong muốn phát triển du lịch nông thôn từ những mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Nhưng đến thời điểm này, hầu hết những điểm du lịch nông thôn đó đều phát triển mang tính tự phát. Do vậy, Bộ NN-PTNT cũng như Bộ VH-TT&DL đều mong muốn sẽ có một khung cơ chế chính sách chung để hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG xây dựng NTM”, ông Tiến cho hay.
Lời giải đáp cho vấn đề ‘được mùa mất giá’ hay ‘được giá mất mùa’
Tại Hội thảo, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã trình bày Dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, việc phát triển du lịch nông thôn sẽ mang lại những tác động tích cực đến cả 3 yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái ở các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Dự thảo cho biết Chương trình sẽ được triển khai trên địa bàn khu vực nông thôn cả nước, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức, quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.
Chương trình sẽ có 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn.
Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra 6 giải pháp thực hiện gồm: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; Huy động nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn; Thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch nông thôn; Xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn; Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch - Bộ VH-TT&DL), cho biết việc phát triển, đẩy mạnh yếu tố du lịch trong ngành nông nghiệp được đánh giá là rất quan trọng. Thế nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể gắn du lịch vào trong nông nghiệp để tạo ra ngành du lịch nông thôn.
“Chúng tôi không gọi là ‘du lịch cộng đồng’ mà phải là ‘du lịch nông thôn’ vì yếu tố nông thôn mang tính bao quát hơn cả. Trong nông thôn có cả cộng đồng, có cả nông nghiệp, rồi các mô hình homestay hay farmstay…”, ông Nguyễn Quý Phương nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cũng cho rằng, ngành nông nghiệp của Việt Nam đang phát triển rất mạnh, nông sản Việt đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế khó tính. Tuy nhiên hiện nay việc sản xuất nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại vấn đề “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”.
Nếu muốn giải quyết vấn đề đó, theo ông Phương, bà con nông dân cần phát triển du lịch nông thôn để có thể phát triển sản xuất nông nghiệp một cách ổn định trên chính quê hương mình theo đúng tiêu chí “ly nông không ly hương”.
“Hiện nay chúng ta cần một khung cơ chế, không phải cho Trung ương mà cho các địa phương triển khai hỗ trợ người dân, lực lượng lao động... Đồng thời đó cũng là giải pháp để huy động nguồn lực phát triển du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh.
“Việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ là con đường tất yếu trên nền tảng của sự phát triển NTM mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của người dân trong việc xây dựng NTM. Đây là mối quan hệ 2 chiều khi phát triển du lịch nông thôn sẽ giúp xây dựng NTM bền vững hơn, nâng cao chất lượng cũng như chiều sâu của NTM. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần”, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương.