| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững

Thứ Ba 15/12/2020 , 15:11 (GMT+7)

Việt Nam là nước nông nghiệp, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, nhất là du lịch sinh thái, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, sông nước miệt vườn…

Đó là khẳng định của các đại biểu tại hội thảo "Phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một phẩm - OCOP". Hội thảo do Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 15/12, tại TP Vị Thanh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc buổi hội thảo. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc buổi hội thảo. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, phát triển dịch vụ du lịch là một trong những nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP, được cụ thể hóa trong Bộ sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, theo Quyết định số 781/QĐ-TT ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là cơ sở quan trọng để phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững. Đồng thời thông qua du lịch nông thôn, sẽ phát huy được các giá trị và thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.

Du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững của du lịch thế giới hiện nay, tại Việt Nam cũng đã có những mô hình thành công, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh đã công nhận 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho 21 chủ thể tham gia, trong đó, có 26 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm này đã có mặt tại các chợ đầu mối, nhiều siêu thị và các kênh phân phối trên cả nước.

Bên cạnh lợi thế về nông nghiệp, Hậu Giang đang được chú ý đến với nhiều lợi thế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, du lịch sông nước miệt vườn kết hợp vui chơi giải trí.

Mô hình du lịch cộng đồng thời gian qua được tỉnh đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển và hiện đã hình thành một số địa chỉ thu hút du khách tham quan và trải nghiệm như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc, Vườn dâu Thiên Ân, khu trải nghiệm làm nông dân “Miệt Ngàn”, Trang trại sữa dê Ngọc Đào…

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP.

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đang lan toả mạnh mẽ, đã có 51 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, 2.965 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó 61,4% sản phẩm 3 sao, 36,2% sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 3.200 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.

Hơn 1.573 chủ thể tham gia, gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp và các cơ sở/hộ sản xuất, tổ hợp tác.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương. Ảnh: Trung Chánh.

Đặc biệt, cả nước đã có 18 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận OCOP. Trong đó, nhiều nhất cả nước hiện nay là vùng miền núi phía Bắc với 7 sản phẩm, vùng ĐBSCL đứng thứ 2 với 5 sản phẩm của 3 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long.

Thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Cũng trong ngày 15/12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hậu Giang năm 2020”.

Tại hội nghị, ngoài các tham luận giới thiệu về năng lực sản xuất, giới thiệu về sản phẩm… các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết văn bản hợp tác giữa các đơn vị về phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Cụ thể, Siêu thị Co.op mart Hậu Giang ký kết với HTX Trái cây sinh học OCOP, cung ứng các loại trái cây cho siêu thị.

Hệ thống Bách Hóa Xanh Hậu Giang ký kết với HTX Kỳ Như, cung ứng các sản phẩm chế biến với cá thát lát. HTX Dâu Hạ Châu (Cần Thơ) ký kết với Cơ sở xản xuất Út Tây, cung ứng thức uống có cồn.

Liên minh Hợp tác xã Cần Thơ ký kết với HTX Tân Long, cung ứng gạo với thương hiệu Gạo sạch vị thủy. Cty TNHH SunFood ký kết với HTX Hậu Giang Xanh, hợp tác xây dựng trung tâm chuyên tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của tỉnh Hậu Giang và tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.