Tuy nhiên, để các Trung tâm này phát huy hiệu quả hơn nữa thì cần có thêm những cơ chế hỗ trợ về kinh phí cũng như cơ chế, chính sách… từ tỉnh đến các Bộ, ngành.
Cầu nối uy tín, tin cậy
Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước nắm giữ vai trò chủ đạo trong công tác thông tin thị trường và định hướng việc làm, là điểm đến của doanh nghiệp và người lao động. Đây là những đơn vị tin cậy, cung cấp thông tin tin chính xác, kịp thời, đầy đủ và hoạt động miễn phí hoàn toàn.
“Đối với tỉnh Quảng Ngãi, các doanh nghiệp về Quảng Ngãi đầu tư đều đến Trung tâm chúng tôi để tham khảo thông tin về người lao động, nhu cầu việc làm, tiền lương thu nhập và quyết định đầu tư hay không đầu tư.
Khi đầu tư, trong quá trình tổ chức xây dựng các nhà máy, công xưởng thì các doanh nghiệp thường xuyên liên lạc với Trung tâm hỗ trợ cho họ dự kiến tuyển dụng trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cơ bản. Sau khi đội ngũ nòng cốt của nhà máy tuyển dụng xong thì tiếp tục nhờ hỗ trợ, tư vấn cho lao động các vị trí việc làm khác”, ông Yên nói.
Vì thế, các doanh nghiệp Quảng Ngãi đầu tư trong những năm qua hầu như chưa có tình trạng thiếu lao động cục bộ, doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đầy đủ và tuyển lao động rất nhanh. Trung tâm hiện nay được các doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá rất cao. Lao động coi đây là nơi để họ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ giải quyết việc làm nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí.
Cũng như Quảng Ngãi, xác định được vai trò của mình, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cũng không ngừng nỗ lực trong việc kết nối giữa người lao động và các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Tần suất tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ từ 1 phiên/tháng sau đó nâng lên 2, 3 và đến nay đã tổ chức định kỳ vào thứ 6 hằng tuần tại 3 địa điểm của Trung tâm.
Ngoài các phiên Chợ việc làm định kỳ cố định, Trung tâm còn tổ chức các phiên Chợ việc làm di động nhằm mở rộng kết nối việc làm giữa người lao động với các doanh nghiệp đang có nhu cầu.
“Hàng năm, thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm, Trung tâm đã giới thiệu, kết nối từ 10.000 đến 13.000 lao động, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho hàng chục nghìn lượt người lao động và doanh nghiệp.
Đồng thời đã phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh bạn tổ chức Chợ việc làm trực tuyến kết nối liên tỉnh, thành (1 phiên/tháng). Điều đó đem lại nhiều sự lựa chọn hơn cho doanh nghiệp cũng như người lao động”, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng nói.
Trong mọi điều kiện, dù gặp khó khăn, các Trung tâm Dịch vụ việc làm luôn thực hiện tốt vai trò của mình. Như trong các đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam vẫn khai thác được trên 8.000 việc làm trống với nhiều ngành nghề khác nhau.
Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu không có Trung tâm thì khi dịch bệnh xảy ra, người lao động sẽ thiếu thông tin. Thêm nữa là tâm lý người lao động lúc xảy ra dịch bệnh sẽ rất ngại đi tìm việc.
Ngoài ra, không có Trung tâm, doanh nghiệp không thể tập trung được người lao động để gặp trực tiếp được. Sau những đợt đó thông tin của DN sẽ lan tỏa về địa phương thông qua những người lao động đến các phiên giao dịch, hiệu quả tăng lên”, ông Dũng chia sẻ.
Cần nhiều hỗ trợ cho các Trung tâm
Bên cạnh những hiệu quả mà các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện được thì theo đại diện các Trung tâm, hầu như những đơn vị này còn gặp phải những khó khăn nhất định. Các khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kết nối việc làm cho người lao động và doanh nghiệp.
Theo Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng, trên địa bàn mặc dù số lượng vị trí việc làm trống mà các DN cần tương đối lớn nhưng số lao động đáp ứng không được nhiều, một số doanh nghiệp không tuyển được lao động, kể cả lao động phổ thông.
Từ đó một số đơn vị doanh nghiệp không còn mặn mà khi được mời tham gia tuyển dụng. Mặc khác trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm cũng chưa thể chủ động tìm kiếm ứng viên đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp để giới thiệu, kết nối. Lý do là Trung tâm chỉ thu thập dữ liệu người lao động tìm việc khi họ có nhu cầu và tự tìm đến chứ chưa có dữ liệu cụ thể, chi tiết của từng ứng viên.
“Do đó, Trung tâm mong các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin về số học sinh, sinh viên đào tạo và tốt nghiệp hằng năm để có dữ liệu và tiến hành tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp đang có nhu cầu”, Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà nẵng cho biết.
Còn ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, riêng đối với Trung tâm này còn có nhiều khó khăn hơn. Quảng Ngãi đã giao cho Trung tâm tự chủ hoàn toàn về chi chi thường xuyên và chi đầu tư. Do đó, Trung tâm vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quản lý nhà nước vừa phải tìm cách để tự chủ kinh phí, chăm lo cho cán bộ công nhân viên... Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa Trung tâm vào đề án cổ phần hóa. Nếu cổ phần hóa thì gần như là của tư nhân!