| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 16/07/2020 , 05:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:30 - 16/07/2020

Cần ngăn chặn quan chức sai phạm tìm đường trốn ra nước ngoài

Không thể chấp nhận loại quan chức làm càn làm bậy để vơ vét đầy túi tham rồi ung dung phủi tay lánh mặt một cách trâng tráo và đốn mạt.

Bộ Công an vừa ban hành quyết định truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương  Hồ Thị Kim Thoa. Hiện tại, không ai biết bà Hồ Thị Kim Thoa đang lẩn trốn ở đâu, và rất nhiều khả năng đối tượng này đã bôn tẩu ra nước ngoài.

Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang được thực hiện với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa một lần nữa khiến dư luận băn khoăn về biện pháp khống chế những cựu quan chức sai phạm.

Bởi lẽ, hiện nay còn hai cựu quan chức bị truy nã vẫn chưa chịu quy án là ông Vũ Đình Duy - cựu Tổng giám đốc Công ty Hóa dầu và xơ sợi dầu khí PVTex và bà Đào Thị Hương Lan - cựu Giám đốc Sở Tài chính TPHCM.

Trước đó cũng có vài cựu quan chức sai phạm bỏ trốn ra nước ngoài mà cơ quan chức năng phải tốn rất nhiều công sức mới truy bắt được, như Trịnh Xuân Thanh - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang hoặc Dương Chí Dũng - cựu Tổng giám đốc Vinalines.

Thông qua công tác kiểm tra và thanh tra được tiến hành nghiêm túc và thường xuyên, thì sai phạm của các cựu quan chức không phải diễn ra trong một sớm một chiều để gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu đã có dấu hiệu sai phạm, tại sao không áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời, mà các đối tượng lại dễ dàng bỏ chạy?

Hãy nhớ rằng, mỗi lệnh truy nã cựu quan chức sai phạm được phát ra, là một nỗi nhức nhối của cộng đồng. Và câu chuyện mỗi ngày những cựu quan chức sai phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, là thêm một ngày chua chát cho những ai thao thức với công bằng và tiến bộ.

Nếu cựu quan chức sai phạm lẩn trốn trong nước, thì tai mắt quần chúng sẽ giúp lực lượng chức năng nhanh chóng tóm gọn.

Còn cựu quan chức sai phạm đã đào thoát ra nước ngoài, thì muôn sự gian nan. Việt Nam chỉ mới ký hiệp định tương trợ tư pháp với 27 quốc gia, phần mênh mông còn lại của thế giới sẽ là thử thách cam go cho quá trình truy nã.

Thả gà ra vườn để đuổi đã khó, mà thả cá ra biển để bắt còn khó gấp vạn lần. Vì vậy, cần có quy chế giám sát những cựu quan chức sai phạm, ngay khi có những bằng chứng về hành vi tiêu cực.

Bây giờ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” cho những quan chức đi ngược lại lợi ích chung của xã hội.

Do đó, nên có quy chế cấm xuất cảnh 5 năm hoặc 10 năm đối với những cựu quan chức có biểu hiện sai phạm trong quá trình công tác. Hoặc có quy chế tịch thu toàn bộ tài sản đối với cựu quan chức sai phạm tìm đường trốn ra nước ngoài.

Hai quy chế ấy có quá khắt khe không? Hoàn toàn không. Bởi lẽ, đã là quan chức thì phải có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước, với đồng chí, với đồng bào.

Muốn vun đắp đạo đức và văn minh cho Việt Nam hôm nay và ngày mai, không thể chấp nhận loại quan chức làm càn làm bậy để vơ vét đầy túi tham rồi ung dung phủi tay lánh mặt một cách trâng tráo và đốn mạt.