| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 27/02/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 27/02/2018

Cần quy hoạch lại lễ hội để loại bỏ những 'lễ hội ăn theo'!

Sau mấy ngày tết là đến mùa lễ hội, tưng bừng và triền miên. Cái tháng Giêng thường trôi rất nhanh vì phần lớn ai cũng dành quá nhiều thời gian cho lễ hội.

Nói không ngoa, mỗi năm người Việt thường mất toi một tháng cho lễ hội. Đành rằng, không khí lễ hội đặc thù của nền văn minh lúa nước, nhưng sự duy trì cố chấp một số hủ tục hoặc sự biến tướng thương mại một số nghi lễ, ít nhiều làm mai một tinh thần lễ hội của người Việt!

Nhiều năm bị dư luận kêu ca, Bộ VH-TT&DL cũng đã có sự điều chỉnh hợp lý. Ví dụ, có văn bản yêu cầu không được bán vé lễ hội hoặc không tổ chức giết mổ trâu chọi để bán thịt… Ở phía cơ sở, cũng có sự thay đổi hợp lý, như lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng – Bắc Ninh không còn chém lợn công khai trước sân đình mà chuyển vào nhà bạt kín đáo hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là làm sao phân định lễ hội và ăn theo lễ hội, để làm cơ sở xây dựng giá trị tinh thần cho cộng đồng.

Tình trạng bát nháo tại những địa điểm nổi tiếng như hội Chùa Hương hoặc hội Gióng, chính là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho đời sống lễ hội nước ta. Không thể nhân danh yếu tố truyền thống để cổ vũ cho những hành vi sai quấy.

Khái niệm “cướp phết” hoặc “cướp lộc” vốn đã mang tính cơ hội và chụp giật, thì nhất định phải loại ra khỏi chương trình lễ hội. Không thể vin lý do, người xưa đã có thì người nay tiếp tục. Hãy nhớ rằng, ngày xưa lễ hội chỉ gói gọn trong làng trong xóm, toàn người thân quen với nhau nên mới thách đố “cướp” kiểu giao lưu vui vẻ. Bây giờ, cuộc sống đã khác, không thể hùa theo xu hướng bạo lực và mê tín nữa.

Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng mỗi năm có hàng ngàn lễ hội khắp ba miền, cũng là vấn đề khiến cơ quan chức năng phải suy tư. Bao nhiêu lễ hội đã có hồn vía riêng và bao nhiêu lễ hội ăn theo? Có phải lễ hội nào cũng có khả năng kích cầu du lịch không? Phải xét đến những tiêu chí như vậy để quy hoạch lại lễ hội. Bởi lẽ, sự tràn lan của lễ hội sẽ ảnh hưởng đến lao động sản xuất và an ninh trật tự.

Lễ hội không cần thiết thực sự gây tốn kém và lãng phí cả sức người lẫn sức của! Cứ thử nhìn những lễ hội đua thuyền truyền thống ở hầu hết các tỉnh thành, sẽ thấy nhiều chuyện rất buồn cười. Một vùng quê miền núi có được cái hồ nhân tạo thì lấy “truyền thống” gì để tổ chức “đua thuyền”, vậy mà cũng thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức, ban tuyên truyền, ban bảo vệ…

Lễ hội là một hình thái văn hóa, nhằm phô diễn vẻ đẹp sinh hoạt cũng như vẻ đẹp tâm linh của con người. Chúng ta đã chấp nhận vị trí quan trọng của lễ hội, thì phải mạnh dạn luật hóa những quy chuẩn về thuần phong mỹ tục, để ngăn chặn triệt để những sự phản cảm. Việc đốt vàng mã bừa bãi hoặc việc ăn mặc hở hang ở chốn chùa chiền, không thể trông chờ vào ý thức người nọ nhắc nhở người kia.

Bình luận mới nhất