| Hotline: 0983.970.780

Cần sự kiên trì và quyết tâm để thay đổi cây có múi Hòa Bình

Thứ Ba 12/10/2021 , 14:30 (GMT+7)

Trả giá đắt vì phát triển nóng, cây có múi của Hòa Bình đang chuyển sang phát triển hướng hữu cơ, bền vững. Dĩ nhiên, điều đó không dễ, mà cần sự kiên trì.

Những nhức nhối trong phát triển cây có múi

Việc sử dụng phân bón hóa học, nhất là sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nông sản, gây ô nhiễm môi trường, khiến đất bị bạc màu, suy thoái, vai trò của vi sinh vật trong đất giảm.

Chính vì vậy, hiện nay không ít hộ dân và HTX trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chuyển sang trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, đó là sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng.

Nhiều nông dân Hòa Bình đã phải trả giá đắt do dịch bệnh, thoái hóa vườn cây có múi sau giai đoạn dài phát triển nóng, chạy theo năng suất. Ảnh: TL.

Nhiều nông dân Hòa Bình đã phải trả giá đắt do dịch bệnh, thoái hóa vườn cây có múi sau giai đoạn dài phát triển nóng, chạy theo năng suất. Ảnh: TL.

Phương pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ không chỉ làm giàu cho đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản an toàn, chất lượng. Để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, các mô hình này cần khuyến khích nhân rộng.

Những năm gần đây, các loại cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quýt đang thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, diện tích cây có múi của tỉnh đã không ngừng tăng, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng bưởi đỏ tại Tân Lạc; bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn... Năm 2020, diện tích cây có múi toàn tỉnh đạt khoảng 11.500 ha, diện tích kinh doanh khoảng 7.400 ha, sản lượng gần 160.000 tấn.    

Mặc dù được xem là một trong những nhóm cây ăn quả chủ lực, nhưng thực tế việc sản xuất cây có múi của tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: Tình trạng kinh doanh buôn bán giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; nhiều nơi phát triển nóng diện tích ngoài quy hoạch. Kỹ thuật chưa đồng bộ, còn nặng về sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Nhiều loại sâu bệnh mới phát sinh, việc phòng ngừa còn nhiều hạn chế...

Trước mắt, mục tiêu của tỉnh Hòa Bình là nâng cao chất lượng cây có múi với diện tích hiện có. Không khuyến khích và không hỗ trợ đối với việc mở rộng diện tích nhằm làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng. Mặt khác, thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. Đẩy mạnh công tác chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ…

Quyết tâm của HTX 3T Nông sản Cao Phong

HTX 3T Nông sản Cao Phong thành lập năm 2018, hiện có tổng diện tích canh tác hơn 40 ha. Dù mới thành lập nhưng HTX luôn thực hiện tốt quy trình sản xuất, chăm sóc cam và đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn.

Hiện nay, Hòa Bình đang nỗ lực lan tỏa những giải pháp canh tác bền vững, hướng hữu cơ cho cây có múi, nhưng điều đó sẽ cần thời gian, sự kiên trì, và cả quyết tâm. Ảnh: Thanh Hằng.

Hiện nay, Hòa Bình đang nỗ lực lan tỏa những giải pháp canh tác bền vững, hướng hữu cơ cho cây có múi, nhưng điều đó sẽ cần thời gian, sự kiên trì, và cả quyết tâm. Ảnh: Thanh Hằng.

2 năm trở lại đây, HTX chuyển sang sản xuất theo quy trình hữu cơ. Hiện 2/3 diện tích trồng cam của các thành viên trong HTX đã thực hiện bón, phun và tưới cây bằng phân dung dịch trùn quế. Việc sử dụng này nhằm tăng đề kháng cho cây sau thu hoạch, giúp khả năng ra hoa đậu quả cao.

Ngoài ra, các thành viên còn sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cho cây; dùng men vi sinh ủ với các loại rau củ quả để tạo ra phân vi sinh hữu cơ. Đây là nguồn dinh dưỡng an toàn bón cho cây.

Hiệu quả đánh giá việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay thế dần phân bón hóa học, đó là sự cảm nhận rõ nét nhất về sự thay đổi môi trường, cùng với đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, tạo sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng.

Bà Vũ Thị Thanh, Thành viên HTX 3T Nông sản Cao Phong chia sẻ: "Dùng toàn bằng đường, sữa, chuối…, toàn những thứ chúng ta ăn được để tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh nên bản thân tôi cảm thấy tự tin do không ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo ra sản phẩm an toàn. Tôi đã dám mạnh dạn làm và động viên mọi người cùng làm".

Nhiều mô hình khôi phục các vườn cây có múi bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp đang được ngành nông nghiệp Hòa Bình lan tỏa tới nhà vườn. Ảnh: Thanh Hằng.

Nhiều mô hình khôi phục các vườn cây có múi bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp đang được ngành nông nghiệp Hòa Bình lan tỏa tới nhà vườn. Ảnh: Thanh Hằng.

Đối với sản xuất hữu cơ, yêu cầu đặt ra rất nghặt nghèo. Để giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng, các hộ phải chọn các nguồn dinh dưỡng từ động thực vật để thay thế phân bón hóa học. Có thể sử dụng phân ủ từ cá để cung cấp phân lân cho cây; sử dụng lõi ngô, vỏ đỗ, trấu để cung cấp kali cho cây; sử dụng phân trâu bò để cung cấp hữu cơ và các chất vi lượng cho đất; sử dụng khô dầu đậu tương, bột đậu tương để cung cấp đạm cho cây...

Để giữ vững thương hiệu một số sản phẩm và phát triển bền vững cây ăn quả có múi, tỉnh Hòa Bình cần tập trung vào chuyển giao KH-KT từ khâu giống, thâm canh và phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng công nghệ cao; hình thành vùng chuyên canh.

Đẩy mạnh công tác chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ. Bên cạnh đó tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, đồng thời cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án bảo quản chế biến sản phẩm, các dự án gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ… để các sản phẩm cây ăn quả có múi của tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao bền vững.

Với sâu bệnh hại cây ăn quả có múi, phải xác định phải quản lý chứ không phải tiêu diệt chúng bằng mọi cách. Các công thức điều trị, xử lý đều phải xuất phát từ các nguyên liệu tự nhiên, điều này rất khó thực hiện, chính vì vậy để thay đổi cách làm theo phương pháp truyền thống sử dụng phun thuốc, phân bón hóa học bằng các chế phẩm là điều không đơn giản, mà cần có sự quyết tâm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất