Đảm bảo giống sạch bệnh mới được trồng
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam nêu quan điểm: Kinh nghiệm của Đài Loan là một bài học tốt để Việt Nam học hỏi về kiểm soát dịch bệnh trên cây có múi, bởi Đài Loan cũng đã từng bị bệnh vàng lá greening lất lâu đời, và chuyên gia số 1, số 2 thế giới cũng là người Đài Loan.
Đài Loan có hệ thống quản lí nhà nước về giống cây trồng rất nghiêm ngặt, theo quy trình sản xuất giống sạch bệnh hết sức chặt chẽ. Chỉ có cây giống được kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo sạch bệnh mới được đưa trồng, cây bị bệnh sẽ bị tiêu hủy ngay.
Theo TS Châu, vấn đề sản xuất và kiểm soát giống sạch bệnh, cần sự vào cuộc của tổng thể các khâu, từ quy trình sản xuất hiện đại, chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chặt chẽ, khâu quản lí nhà nước về giống nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) cũng cho rằng, việc quản lí giống, nhất là giống cây có múi cần cả hệ thống là “4 nhà” cùng bắt tay.
Ông Hồng khẳng định, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất về giống hoàn toàn cam kết sẽ sản xuất ra những giống đạt chất lượng cao, sạch bệnh để cung ứng cho thực tế sản xuất, nhưng với điều kiện là nhà nước phải hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vốn... Các đơn vị khoa học hiện nay rất mong được sự trợ giúp, bảo trợ, hỗ trợ về đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu, sản xuất giống, nhất là về cây có múi.
Bên cạnh việc sản xuất được giống chất lượng, sạch bệnh, các đơn vị nghiên cứu cũng cần có sự bảo hộ của nhà nước để các giống sạch bệnh này có điều kiện bung ra sản xuất. Điều này cần các nhà quản lý, các thanh tra về giống cây trồng, các đơn vị thanh tra, quản lý thị trường cùng vào cuộc để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý triệt để đối với những cá thể, cơ sở sản xuất ko đủ năng lực.
Đối với người dân, cần tăng cường việc đào tạo, tập huấn tuyên truyền, vận động, không chỉ của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống, mà còn cả hệ thống chính trị để giúp cho người dân nhận thức được việc sử dụng cây giống sạch bệnh và quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình mà các nhà khoa học khuyến cáo.
“Có giống cây sạch bệnh rồi, nhưng lại đem ra trồng ở vùng đang có vườn bị bệnh, thì cũng rất khó để kiểm soát được sự lây lan. Vì thế, cần phải có chính sách đồng nhất, mạnh tay của nhà nước, buộc tiêu hủy để không còn tồn tại vườn bị bệnh, và đảm bảo cây sạch bệnh mới được đưa ra trồng, như vậy thì mới kiểm soát được dịch bệnh một cách đồng bộ, bền vững.
Cần những nghiên cứu sâu về giống
Trong khâu nghiên cứu về giống cây có múi sạch bệnh, hiện nay chúng ta chưa thật sự có những nghiên cứu sâu về gốc ghép, mắt ghép để tạo ra các giống có khả năng kháng tốt đối với một số bệnh.
Ví dụ ở miền Nam, có nông dân đã sáng tạo, dùng gốc ghép là cây bưởi lông Cổ Cò để trị bệnh vàng lá ở cây bưởi da xanh do nấm. Cụ thể, cây bưởi lông Cổ Cò được gieo bên cạnh các vườn bưởi da xanh bị nhiễm bệnh vàng lá, sau đó, dùng mắt ghép là cây bưởi lông để ghép vào cây bưởi da xanh. Sau một thời gian cho thấy, cây bưởi da xanh bị nhiễm bệnh vàng lá đã xanh và khỏe mạnh trở lại.
Điều này chứng tỏ, có thể cây bưởi lông đã có khả năng chống chịu hoặc kháng rất tốt với bệnh vàng da thối rễ (có thể nấm gây bệnh thối rễ “không thích” cây bưởi lông này?).
Hiện nay ở các tỉnh phía Bắc, đối với giống bưởi, cơ bản là dùng gốc cây trấp, hoặc cây bưởi chua để làm gốc ghép, vì vậy nếu cây bưởi lông có khả năng kháng được nấm gây bệnh vàng lá, cũng là hướng đi cần nghiên cứu trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả): Những năm qua, Trung tâm cũng đã nghiên cứu đề tài ở phía Bắc về gốc ghép cho cây có múi và đã ghi nhận gốc ghép là cây trấp chua ở Thái Bình và Nam Định là có khả năng kháng được bệnh tốt hơn đối với nấm Phytophthor và Fusarium gây bệnh vàng lá thối rễ.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ đưa nguồn gốc ghép là cây bưởi lông ở miền Nam ra phía Bắc để nghiên cứu, so sánh, đánh giá sâu thêm về khả năng kháng với nấm Phytophthor và Fusarium của cây bưởi lông.