Thời gian qua, bệnh vàng lá đã phát sinh và gây hại trên nhiều diện tích cây có múi, nhất là các vùng cam mới phát triển những năm gần đây như Cao Phong (Hòa Bình), Lục Ngạn (Bắc Giang), vùng Phủ Quỳ (Nghệ An)...
Điển hình như vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), từng mang về thu nhập rất cao cho bà con nông dân nhưng 2 năm trở lại đây, bệnh vàng lá (do nhiều nguyên nhân) đã gây hại nghiêm trọng, khiến nhiều vườn cam trở nên xơ xác, quả bé, rụng đầy vườn không ai chăm sóc.
Nhiều nhà vườn đã phải chặt bỏ vườn cam. Khi bệnh phát sinh gây hại, nông dân rất là khó khăn trong công tác điều trị, “có bệnh thì vái tứ phương”. Có người dùng cả dịch truyền B1, Glucose, thậm chí cả kháng sinh để truyền cho cây có múi.
Điển hình về nguy cơ bùng phát, lây lan của dịch bệnh vàng lá trên cây có múi, thời gian qua có thể kể tới vùng cam ở Nghệ An. Giai đoạn 2018-2019, tỉnh này đã phải phá bỏ gần 700ha cam do bệnh vàng lá gây hại. Đáng lưu ý, Viện Bảo vệ thực vật khảo sát và lấy mẫu test nhanh, thì gần như 100% cam bị bệnh là dương tính với bệnh vàng lá Greening, đe dọa nguy hiểm tới hơn 6.000 ha cam của toàn tỉnh này.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam: Bệnh vàng lá trên cây có múi hiện nay có tới 3-4 nhóm nguyên nhân, vì vậy để việc phòng trừ bệnh có hiệu quả, thì việc xác định nguyên nhân gây bệnh là yêu cầu hết sức quan trọng.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất gây bệnh vàng lá trên cây có múi nguy hiểm nhất hiện nay, đó là bệnh vàng lá greening. Bệnh có triệu chứng lá rất đặt trưng như màu vàng, ven gân lá còn giữ màu xanh lục, gân nổi... Trên lá già, lá bị dày lên, nhám, gân lồi, sần sùi và có nâu đen..., nhìn là có thể biết cây bị vàng lá greening.
Thứ hai là bệnh vàng lá thối rễ, triệu chứng đối với cây mới bị bệnh có lá ở đọt cành bị vàng, sau đó lây lan dần. Để khẳng định được cây có múi bị bệnh vàng lá thối rễ, phải đào rễ, sẽ thấy rễ tơ đã bị thối, lấy tay vuốt nhẹ thì sẽ bong tróc.
Thứ ba là vàng lá do nấm Phytophthora, mà ở miền Nam hay gọi là bệnh xì mủ thân (phía Bắc gọi là bệnh chảy gôm). Triệu chứng bệnh rất dễ nhận biết là ở gốc cây vào mùa mưa ẩm ướt, thường xuất hiện các vết thương gây chảy gôm (xì mủ), cạo vỏ thân ở vết xì mủ thì sẽ thấy thân vỏ chuyển sang đen, không còn trắng như bình thường, nếu không chữa triệt để thì vết bệnh chảy gôm sẽ càng ngày càng lan rộng.
Một dạng bệnh cây có múi bị vàng lá nữa, đó là vàng lá gân xanh, mà nguyên nhân do cây bị thiếu hàm lượng kẽm cần thiết. Bệnh vàng lá greening cũng thường đi kèm với nguyên nhân do thiếu kẽm.
Là đơn vị có bề dày về nghiên cứu và chuyển giao các giống cây có múi cho rất nhiều tỉnh thành miền Bắc và Trung, ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) đánh giá: Hiện nay, bệnh vàng lá trên cây có múi có nhiều nguyên nhân.
Một là bệnh tuyến trùng hại bộ rễ ngầm của cây có múi ở trong đất. Do điều kiện canh tác không hợp lí, gây điều kiện yếm khí nghẹt rễ và tuyến trùng dễ dàng có môi trường thuận lợi để phát sinh và tấn công vào bộ rễ của cây có múi.
Yếu tố gây bệnh vàng lá thứ hai đối với cây có múi là về vi sinh vật. Trong đó, cần chú ý đến nhóm nấm thủy sinh tồn tại, tấn công vào bộ phận gốc, rễ cây ăn quả nói chung, chú ý nhất là chủng Fusarium và Phytophthora. Đây là 2 chủng nấm thủy sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện đất bị yếm khí, nhiều nước và ẩm độ cao. Vì vậy, một trong những giải pháp để ngăn chặn bệnh liên quan đến nấm thủy sinh, là cần tạo điều kiện đất trồng thông thoáng, không bị ngập nước, hợp thủy để các loại nấm này phát triển.
Trong quá trình canh tác cây ăn quả nói chung, trong đó có cây có múi, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho bộ rễ sinh trưởng phát triển tốt, tạo độ thoáng khí và hô hấp tốt cho rễ, tránh việc tạo ra môi trường úng nước, hợp thủy, ngập nước sẽ khiến các chủng nấm thủy sản dễ phát sinh gây hại.