| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình dừng mở rộng cây có múi, đi sâu vào chất lượng, chế biến

Thứ Năm 28/01/2021 , 11:29 (GMT+7)

Hòa Bình chủ trương không mở rộng thêm diện tích cây có múi, tập trung vào chất lượng, siết chặt quản lí dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chế biến sâu.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Theo quy hoạch, cây có múi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt 12.100 ha, định hướng đến 2025 khoảng 17.500 ha.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành như: Hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất với mức 20 triệu/ha, hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận VietGAP, với tổng kinh phí hỗ trợ giải ngân từ 2015 đến nay đạt gần 40 tỉ đồng. Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm tiêu thụ tại thị trường ngoại tỉnh; bình tuyển, công nhận cây đầu dòng giống chủ lực; tổ chức thực hiện 4 chuỗi sản xuất - tiêu thụ với kinh phí 4,5 tỷ đồng…

Từ những chính sách trên, giai đoạn 2010-2020, diện tích cây có múi của tỉnh đã không ngừng tăng, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng bưởi đỏ tại Tân Lạc; bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn... Năm 2020, diện tích cây có múi toàn tỉnh đạt khoảng 11.500ha, trong đó cam quýt 5.750ha, bưởi 5.250 ha, diện tích kinh doanh khoảng 7.400ha, sản lượng gần 160.000 tấn.

Bộ giống có sự thay đổi rõ rệt với gần 20 loại cam, bưởi khác nhau giúp rải vụ. Hàng loạt giống mới được công nhận chính thức, đưa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng như: Cam V2, cam BH (cam Marrs), cam C36, cam CS1 (cam lòng vàng), bưởi đỏ. Giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác giữ ổn định 350 - 450 triệu/ha/năm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao...

Cam là đối tượng cây trồng khó tính, cần sự chăm sóc tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cam là đối tượng cây trồng khó tính, cần sự chăm sóc tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Duy trì quy mô diện tích cây có múi khoảng 14.000 ha

Thời gian qua một số nơi trong tỉnh có biểu hiện tăng trưởng nóng cây ăn quả có múi, mà nhất là cam, nên xảy ra tình trạng lộn xộn về giống, vượt diện tích, cây bị bệnh, phải phá bỏ... Tỉnh sẽ có giải pháp nào để chấn chỉnh những vấn đề này, thưa ông?

Sản xuất cây có múi của tỉnh cũng còn những hạn chế, bất cập như: Tình trạng kinh doanh buôn bán giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Một số xã phát triển nóng diện tích ngoài quy hoạch. Kỹ thuật chưa đồng bộ, còn nặng về sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Nhiều loại sâu bệnh mới phát sinh, việc phòng ngừa còn nhiều hạn chế...

Trước mắt, mục tiêu của Hòa Bình là nâng cao chất lượng cây có múi với diện tích hiện có, lực lượng chủ công là Sở NN-PTNT. Tỉnh định hướng tập trung trước hết vào quản lý, cải thiện chất lượng giống, thâm canh theo chiều sâu. Không khuyến khích và không hỗ trợ đối với việc mở rộng diện tích, làm tốt công tác quy hoạch trồng.

Tỉnh chủ trương duy trì quy mô diện tích cây có múi khoảng 14.000 ha ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường. Thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. Đẩy mạnh công tác chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 có 100% diện tích áp dụng và có trên 50% diện tích được chứng nhận.  

PGS - TS Nguyễn Minh Châu (đội mũ), nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam sát cánh cùng nông dân Hòa Bình tìm hiểu thực trạng bệnh trên cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS - TS Nguyễn Minh Châu (đội mũ), nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam sát cánh cùng nông dân Hòa Bình tìm hiểu thực trạng bệnh trên cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy tỉnh sẽ có giải pháp nào để kiểm soát dịch hại trên cây có múi thời gian tới, thưa ông?

Những năm gần đây, hiện tượng vàng lá thối rễ gây hại trên cây ăn quả có múi có xu hướng gia tăng tại các vùng trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh, điển hình là huyện Cao Phong và ở các diện tích trồng tái canh.

Trong các nguyên nhân thì do nấm Fusarium, Phythophthora, rệp sáp chiếm tỷ lệ cao, gây hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện diện tích nhiễm bệnh vàng lá thối rễ chiếm khoảng 5 - 7% tổng diện tích trồng của huyện Cao Phong. Tuy nhiên việc phòng trừ còn rất hạn chế do áp dụng các biện pháp không đồng bộ, nông dân thiếu thông tin.

Để quản lý hiệu quả đối tượng bệnh hại này, giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với Viện BVTV (Bộ NN-PTNT) thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cây cam, quýt tại tỉnh Hòa Bình.

Từ kết quả của đề tài, đã ban hành quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại vùng rễ cây cam, quýt trên cơ sở ứng dụng chế phẩm sinh học. Qua đó khuyến cáo huyện Cao Phong và các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân áp dụng trong những năm tiếp theo. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng đề án tái canh cây có múi nói chung và cây cam huyện Cao Phong để nâng cao giá trị.

Giảm phụ thuộc bán tươi, tăng tỷ lệ chế biến

Thị trường bán tươi các loại quả có múi đang có xu hướng giảm dần đều và khá bấp bênh. Hòa Bình sẽ có biện pháp gì để tháo gỡ, đặc biệt là hướng tới chế biến, xuất khẩu? 

'Tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy chế biến hoa quả công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến sẽ khởi công đầu năm 2021.

Hiện một tập đoàn đang xin chủ trương đầu tư nhà máy chế biến hoa quả công suất 50.000 tấn/năm tại huyện Yên Thủy'.

(Ông Đinh Công Sứ)

Quả có múi hiện nay chủ yếu bán tươi, trong đó tiêu thụ qua hợp đồng với các doanh nghiệp, siêu thị chỉ chiếm khoảng 18% sản lượng, qua các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, hội chợ chiếm khoảng 2- 3%. Còn lại, tiêu thụ qua hệ thống thương lái chiếm tới 60% và tiêu thụ qua kênh bán lẻ trực tiếp từ các nhà vườn chiếm khoảng 20%. 

Đến nay, có 1 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận và 4 nhãn hiệu tập thể, nhiều lễ hội, hội chợ trong và ngoài tỉnh về cây có múi đã liên tục được tổ chức, góp phần tích cực trong giao thương, quảng bá, tiêu thụ qua hợp đồng, tìm kiếm thị trường tiềm năng xuất khẩu...

Hiện đã có những doanh nghiệp, HTX, trang trại đầu tư nghiên cứu và tổ chức công đoạn bảo quản sản phẩm (bằng kho lạnh và màng phủ) nhưng quy mô còn nhỏ, đặc biệt sản phẩm khó tiêu thụ do thói quen của người tiêu dùng thích sử dụng hàng tươi. Hoạt động sơ chế, chế biến thành nước ép, rượu, xà phòng, mứt... đã được một số cơ sở triển khai tuy nhiên quy mô hẹp, mang tính chất thử nghiệm, mới chỉ đạt OCOP 3, 4 sao của tỉnh.

Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2025, chúng tôi sẽ tập trung khai thác thị trường trong nước, sau đó sẽ nghiên cứu thị trường nước ngoài. Bởi hiện việc xuất khẩu rất khó khăn do dịch Covid-19, thứ nữa là do thị trường trong nước còn khá rộng.

Để tiếp cận thị trường quốc tế, phải khẳng định được chất lượng. Muốn vậy trên cơ sở bản đồ thổ nhưỡng, tới đây Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch sao cho phù hợp với những loại cây có múi.

Hi vọng trong thời gian tới, với vào cuộc của các cấp ủy chính quyền cũng như doanh nghiệp cùng với bà con chắc chắn là sau khi có chế biến sâu, thị trường sẽ mở rộng.

Cam là đối tượng cây ăn quả khó tính, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cam là đối tượng cây ăn quả khó tính, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chất lượng và độ an toàn của nông sản ngày càng được người tiêu dùng chú ý. Tỉnh đã có định hướng nào cho sản xuất cây có múi theo chuẩn VietGAP, hữu cơ?

Đến nay, toàn tỉnh có 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ..., chiếm khoảng 19,2% tổng diện tích. Trong đó, diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 1.100ha, chứng nhận an toàn thực phẩm là 1.028ha, hữu cơ là 3,2ha.

Việc áp dụng tem thông minh truy xuất nguồn gốc và sử dụng bao bì nhãn mác ngày càng được quan tâm. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sẽ giảm dần và chấm dứt hỗ trợ trực tiếp cho diện tích trồng mới để tập trung nguồn lực đầu tư cho các hoạt động về chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP, hữu cơ, các hoạt động nâng cao năng lực và xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn (nông thôn mới, khuyến nông...) để hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị và các hoạt động về bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm quả có múi.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.