Bộ Y tế liên tục phát đi những khuyến cáo đề phòng bệnh sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có gần 27 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, mà 70% nằm ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa thì khả năng bùng phát sốt xuất huyết càng tăng cao.
Hiện tại, đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh.
Sốt xuất huyết được xác định là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác, nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả.
Bệnh sốt xuất huyến khiến cho cơ thể người bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp. Sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao. Sốt xuất huyết dạng nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, theo chu kỳ hàng năm, thì hiện nay đang bước vào cao điểm sốt xuất huyết, từ tháng 6 đến tháng 8. Vì vậy, mỗi gia đình và mỗi cá nhân đều phải có ý thức cảnh giác để gìn giữ sức khỏe. Sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thuộc thể nhẹ, thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với paracetamol, lau mát khi sốt cao.
Còn trẻ em bị sốt xuất huyết phải theo dõi kỹ lưỡng và phải tham vấn bác sĩ thường xuyên.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu tự theo dõi sát tại nhà. Hoặc có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Sốt xuất huyết nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Đáng lo ngại là bệnh sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường, nên nhiều người có tâm lý chủ quan, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa.
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Muốn cắt đứt đường lây truyền của muỗi, không chỉ ngành y tế triển khai các đợt phun hóa chất phòng chống dịch, mà người dân cần vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
Lưu ý: Xử lý dứt điểm các điểm tù đọng ngập nước. Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi. Đồng thời, phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.