Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT TP Cần Thơ) phân tích, những tác động của ngập đô thị đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, tác động của lũ thượng nguồn, triều cường, mưa nội vùng là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ngập đô thị.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị nội ô thành phố, do đã trải qua nhiều giai đoạn đầu tư, nguồn lực tổ chức thi công chưa đồng bộ, dẫn đến khả năng thoát nước kém khi gặp những trận mưa lớn, gây ra ngập.
Một vấn đề nữa được ông Ninh chỉ ra là do yếu tố đô thị hóa, bề mặt thành phố đã được bê tông hóa, các dòng chảy do mưa sẽ tập trung dồn về nơi thấp nơi trũng. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học, yếu tố sụt lún bề mặt đất khiến tình trạng ngập nghiêm trọng hơn.
Tác động rõ ràng nhất, ngập đô thị do các đợt triều cường vừa qua đã tác động trực tiếp đến sinh hoạt của người dân, giao thông công cộng, hoạt động kinh doanh, buôn bán, bộ mặt cảnh quan và vệ sinh môi trường đô thị.
Theo dõi tình hình diễn biến ngập thời gian qua, lãnh đạo ngành thủy lợi TP Cần Thơ nhận định, từ năm 2004 đến nay (khoảng 19 năm), có 13 năm mực nước đỉnh triều trên địa bàn TP Cần Thơ ghi nhận cực độ của năm, vượt báo động III. TP Cần Thơ rất “nhạy cảm” với yếu tố ngập lụt, do đó để ứng phó cần nguồn lực lớn và lộ trình đầu tư lâu dài.
Vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã triển khai Dự án chống ngập, nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước của 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều hay Dự án âu thuyền Cái Khế, công trình sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới. Các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần giúp đô thị nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH.
Ông Ninh cho biết, trong tương lai thành phố sẽ đầu tư thêm các hạng mục bảo vệ cho vùng lõi quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Cụ thể là hệ thống kè dọc sông Cần Thơ, tuyến đê bao chắn rạch Cái Sơn kết hợp với hệ thống cống âu thuyền Cái Khế và trạm bơm, để ứng phó với tình hình ngập do tổ hợp các yếu tố bất lợi như lũ, triều, mưa…
Vị lãnh đạo này nhấn mạnh, kiểm soát kín vùng đê bao kết hợp với hệ thống bơm và nhiều công trình khác mới giải quyết được tình trạng ngập. Đây là một trong những nền tảng tương lai để giải quyết căn bản vấn đề ngập. Hiện nay, các hạng mục công trình đang được khẩn trương thực hiện. Ông Ninh tin tưởng, khi hệ thống các công trình này hoàn thành đồng loạt, hiệu quả chống ngập đô thị sẽ được thể hiện rất rõ.
Ở góc độ là đơn vị phối hợp cùng với các cơ quan chuyên môn thẩm định, tổ chức thực hiện các công trình, ông Ninh khẳng định, chủ đầu tư đã có biểu đồ theo dõi tiến độ, chuyển đổi linh hoạt các hạng mục cũng như khối lượng công việc theo từng giai đoạn, sớm hoàn thành đưa vào khai thác các công trình để phát huy hiệu quả chống ngập sớm nhất.
Các đề án đều hướng tới mục tiêu giúp đô thị chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH. Đặc biệt là nâng cao nhận thức người dân, tăng cường sự phối hợp giữa địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với BĐKH
Bên cạnh đó, trong dự thảo Quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề quy hoạch đô thị cũng được thành phố quan tâm tính toán. Trong đó, đã tính đến phương án khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Nghiên cứu phân vùng thủy lợi một cách thuận thiên, bám theo các kênh, trục sông chính và ứng với mỗi vùng thủy lợi sẽ có một chức năng nhiệm vụ rõ ràng.
Cụ thể, toàn thành phố sẽ được phân thành 7 vùng thủy lợi, như phía Bắc kênh Cái Sắn, vùng giữa kênh Cái Sắn và kênh Thốt Nốt, vùng giữa kênh Thốt Nốt và kênh Ô Môn, vùng thủy lợi Ô Môn – Xà No hay vùng Nam Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy và các cồn… từ đó các cơ quan chuyên môn sẽ có phương án khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước một cách bền vững.
Việc phân bổ nguồn nước được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, trong điều kiện bình thường, nguồn nước đủ để đảm bảo 100% nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là nước phục vụ sinh hoạt và các ngành sản xuất hiệu quả kinh tế cao.