Theo đó, tuyến luồng Định An - Cần Thơ trên sông Hậu bắt đầu từ phao số “0” cách cửa Định An (Trà Vinh) khoảng 23km và kết thúc tại cảng Cần Thơ. Bờ trái tuyến luồng đi qua địa phận của 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, bờ phải đi qua tỉnh Sóc Trăng và TP Cần Thơ.
Chiều dài toàn tuyến hơn 121km, trong đó có khoảng hơn 30km là điểm tắc nghẽn, mớn nước không đủ sâu để tàu 10 – 20 nghìn tấn đi vào. Trong khi đó, luồng Quan Chánh Bố đưa vào khai thác từ năm 2017 nhưng không lâu sau cũng bị bồi lắng nghiêm trọng.
Theo ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, thời gian qua, các đơn vị cảng không đầu tư thiết bị là do không có tàu vào được. Vấn đề nạo vét luồng sông Hậu để duy trì luồng cho tàu vào cảng Cần Thơ đáp ứng công suất 20 nghìn tấn là vấn đề hết sức cấp bách. Qua đó, nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics của cả vùng hiện nay.
Do vậy, Sở GTVT Cần Thơ tham mưu UBND TP đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận điều chỉnh lại chuẩn tắc luồng dự kiến nạo vét có độ sâu từ dưới 6,5m, đủ để cho phép tàu biển tải trọng 10 nghìn tấn trở lên ra vào các cảng của TP và các cảng khác trên sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất các cảng trong khu vực.
Theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/3/2022. Trong đó, có dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có tải trọng từ 10 nghìn tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần thơ. Theo đó, phương án thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp tham gia được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.