| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Trại heo rừng trên 200 con

Thứ Hai 12/05/2008 , 07:15 (GMT+7)

Vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, không ai có thể ngờ đem heo rừng về nuôi được. Vậy mà có một nông dân tự bỏ ra cả tỷ đồng làm trang trại nuôi heo rừng, đang cho lợi nhuận cao.

Đó là anh Thái Thiện Tùng (sinh năm 1975, ngụ phường Tân Phú - quận Cái Răng – Cần Thơ) đang có đàn heo rừng trên 200 con.

Được sự giới thiệu của một người quen, chúng tôi chạy xe dọc theo đường Quang Trung chừng 5km, đến cầu Bến Bạ rồi quẹo phải vào một con lộ nhỏ, đi thêm 700m nữa đến khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, quận Cái Răng để tận mắt xem trang trại nuôi heo rừng được coi là hiếm ở TP Cần Thơ này.

Mô hình nuôi heo rừng của anh Thái Thiện Tùng

Nói về ý tưởng, anh Tùng cho biết trước thấy dân vùng ngoài (miền Đông Nam bộ) nuôi heo rừng nhiều và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Còn ở ĐBSCL có nuôi nhưng rất ít, riêng ở Cần Thơ thì chưa thấy ai nuôi nên anh quyết định thử sức một lần. Trước khi nuôi heo rừng, anh Tùng đã đi hầu hết các trang trại ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai tham khảo và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi để khái quát và có phương án nuôi phù hợp với đất Tây Nam bộ.

Đầu năm 2007, được một người quen giới thiệu, anh Tùng gặp được chủ trang trại nuôi heo rừng ở tận Thái Lan, sau đó anh đã nhập về 120 con heo bố mẹ (10 con đực, 110 con cái), mỗi con nặng khoảng 50kg với giá cả chục triệu đồng/con. Về mặt kỹ thuật nuôi anh được các chủ người Thái Lan chỉ dẫn tận tình, có tài liệu để tham khảo nên an tâm. Anh Tùng cho biết, sau khi nhập về được ngành chức năng hết sức quan tâm, đã tiến hành tiêm thuốc phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VII cho rằng, đây là loại heo nhập, lại là loại động vật hiếm nuôi ở ĐBSCL cho nên cần phải kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu khác so với Thái Lan và các tỉnh miền Đông vì thế trong quá trình nuôi đã xuất hiện heo bị tiêu chảy và ho gió. Song anh Tùng cho biết đây chỉ là hiện tượng rất bình thường. Chi cục Thú y TP.Cần Thơ cho biết, những triệu chứng trên không có gì nghiêm trọng vì do chúng thay đổi môi trường sống.

Với diện tích nuôi hơn 1.000m2, chuồng trại được xây với 2 loại hình, loại chuồng nền đất có rào lưới B40 dành cho heo chưa đẻ hoặc đẻ rồi và loại chuồng xây gạch bê tông dành cho heo chuẩn bị đẻ hoặc đang đẻ và có chuồng riêng cho heo con tránh tình trạng heo con bị cắn chết. Theo anh Tùng, heo rừng sống chủ yếu là nền đất, không gian rộng cho nên mô hình chuồng như trên một phần để đảm bảo được vệ sinh chuồng trại dễ dàng, một phần cho heo thích ứng với môi trường sống tự nhiên.

Hàng ngày thả chúng ra nền đất, chiều lùa vào và khi cho ăn thì đánh kẻng, hình thức này độc đáo và thuận lợi để tập trung cho heo ăn đúng giờ. Heo ăn ngày hai buổi sáng và chiều, thức ăn chủ yếu là rau, củ, cám và thức ăn dành cho heo con. Anh Tùng cho biết thêm, nuôi heo rừng thuận lợi vì có thức ăn tự nhiên có sẵn, nhiều loại rau, củ như rau muống, rau lang, cải, khoai đều có thể mua hoặc trồng để cung cấp hàng ngày. Thịt heo rừng ít mỡ, săn chắc, thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao hơn thịt heo thường. Cho nên nhiều người dân ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu đã tìm đến mua

Giá bán heo con trung bình từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg, thu lời được từ 50 đến 100 ngàn đồng/kg. Còn giá heo bố mẹ thì khá cao, khoảng 300.000đ/kg, cũng thu lời 50-100 ngàn đồng/kg. Hiện nay, anh Tùng đã bán được gần 10 con cả heo con và bố mẹ. Một số nhà hàng, quán ăn ở Cần Thơ đã tìm đến để mua, bởi theo các chủ kinh doanh thì thịt heo rừng đang rất được ưa chuộng.

Với 70 heo con vừa đẻ và nhiều heo mẹ khác đang mang thai, hiện nay trang trại của anh Tùng có thể nói là rất thành công khi lần đầu nuôi thử nghiệm. Anh Tùng cho biết thêm sau khi cho đàn heo đẻ hết sẽ mở rộng mô hình này ở một số địa điểm khác rộng rãi hơn.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.