| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ, Vĩnh Long có nguy cơ ngập cao nhất do triều cường cuối tháng 11

Thứ Năm 24/11/2022 , 09:23 (GMT+7)

Đợt triều cường từ 24-27/11 ở ĐBSCL được dự báo là ở mức cao, qua đó có thể gây ngập nặng cho nhiều địa phương, nhất là Cần Thơ và Vĩnh Long.

Nhiều đường phố ở Cần Thơ bị ngập trong đợt triều cường cuối tháng 10/2022. Ảnh: Sơn Trang.

Nhiều đường phố ở Cần Thơ bị ngập trong đợt triều cường cuối tháng 10/2022. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu dự báo triều của Viện Kỹ thuật Biển cho thấy, triều ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo từ nay đến cuối năm ở mức cao. Đỉnh triều trong các tháng 11 và 12 đạt đỉnh vào thời gian cuối tháng.

Cụ thể, trên khu vực ven Biển Đông, đỉnh triều dự báo cao nhất năm 2022 vào tháng 11, tại Trần Đề đạt 2,41 m, cao hơn báo động III (BĐ III) 0,11 m, cao hơn năm 2021 0,35 m; tại Bến Trại đạt 1,95 m, cao hơn BĐ III 0,05 m, cao hơn năm 2021 0,04 m.

Trên khu vực biển Tây, đỉnh triều dự báo cao nhất năm 2022 tại Sông Đốc đạt 1,25 m vào ngày 25/12 (cao hơn BĐ III 0,30 m, cao hơn năm 2021 0,01 m), tại Xẻo Rô đạt 1,12 m vào ngày 28/11 (cao hơn BĐ III 0,12 m, cao hơn năm 2021 0,05 m).

Kết quả triều dự báo ở trên mới chỉ xét trong điều kiện bình thường của thời tiết. Nếu trong điều kiện gió mạnh mực nước tại các trạm ven Biển Đông, nhất là trạm Trần Đề, có thể gia tăng thêm từ 5-20 cm.

Tuy lũ đầu nguồn sông Cửu Long đến nay đã xuống thấp hơn khá nhiều so với mức BĐ I, nhưng với triều cường cuối tháng 11 được dự báo ở mức như trên, nguy cơ xảy ra ngập do triều cường được nhận định ở mức cao trên địa bàn các tỉnh vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL trong kỳ triều cường cuối tháng 11 (khoảng từ ngày 24-27/11), đặc biệt trong trường hợp trong kỳ triều cường xảy ra mưa lớn.

Theo đó, ở vùng giữa, tình trạng ngập có thể xảy ra ở mức cao trên những khu vực có địa hình thấp thuộc Cần Thơ, Vĩnh Long, khu vực giữa 2 sông Tiền và sông Hậu của Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang. Trong đó nguy cơ bị ngập cao nhất là trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

Triều cường gây ngập ở Cần Thơ. Ảnh: Sơn Trang.

Triều cường gây ngập ở Cần Thơ. Ảnh: Sơn Trang.

Khu vực ven biển Đông tuy ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn nhưng do triều cường được dự báo ở mức khá cao, nên vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập triều trên những khu vực có địa hình thấp ở các địa phương ven biển thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và một phần nằm phía gần biển Đông của tỉnh Cà Mau.

Khu vực ven biển Tây là vùng ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn, nhưng triều cường được nhận định ở mức cao hơn BĐ III từ 12-22 cm, nên nguy cơ ngập do triều cường trên những vùng có địa hình thấp là không tránh khỏi, như trên địa bàn TP Cà Mau và các khu vực sản xuất và khu dân cư có địa hình trũng thấp thuộc Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé gồm địa bàn các huyện An Minh, An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và TP Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang, trong kỳ triều 24-27/11.

Ngoài ra, khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, cần đặc biệt lưu ý nguy cơ ngập úng khi mưa lớn xảy ra trong kỳ triều cường.

Trước nguy cơ triều cường cao vào cuối tháng 11, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương ở ĐBSCL rà soát các tuyến bờ bao, ô bao xung yếu, các tuyến mới đắp. Qua đó, xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời trên vùng giữa ĐBSCL gồm Vĩnh Long, Tp. Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, các huyện giữa 2 sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp. Trên các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL gồm các địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Những địa phương cấp huyện, thị xã có nguy cơ cao bị ngập trong đợt triều cường cuối tháng 11: Vùng nội đô TP Cần Thơ; khu vực thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình, Bình Tân, Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, TP Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang; huyện Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang. TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, thị xã Giá Rai, thị trấn Gành Hào thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Cầu Kè, huyện Tiểu Cần, Thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; TP Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng; huyện Năm Căn, Trần Văn Thời, TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau; huyện An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng thuộc tỉnh Kiên Giang.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.