| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Tăng cường bảo vệ vườn cây ăn trái đợt triều cường dâng cao

Thứ Bảy 22/10/2022 , 17:08 (GMT+7)

Tiền Giang Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn trái trên 82.000 ha tập trung tại các huyện phía Tây gồm Cái Bè, Tân Phước, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.

Những ngày qua, khi lũ về kết hợp với mưa to và triều cường dâng cao đã đe dọa sự an toàn vườn cây ăn trái ở Tiền Giang. Chính quyền và nhân dân địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó để làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Vừa qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với mưa to và triều cường đã làm mực nước trong kênh mương vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang dâng cao. Để bảo vệ hơn 16.000 ha cây khóm (dứa) với sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm, UBND huyện Tân Phước đã xây dựng 134 ô đê bao, với chiều dài 755 km. Đồng thời, địa phương cũng bố trí 159 trạm bơm điện với 293 máy bơm. Trong đó, 106 máy bơm đã vận hành bơm tháo nước nhờ đó toàn bộ cánh đồng khóm nơi đây được an toàn.

Nông dân Bùi Hữu Thiện trồng 15 ha khóm tại các xã Phú Mỹ, Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước chia sẻ: “Mực nước năm nay cao, nhờ có trạm bơm lúc nào cũng túc trực nên đợt này không bị ngập. Nhà nước làm các ô đê bao, mỗi ô vài trăm ha, có người đứng đại diện ra bơm, thu tiền bơm tát mỗi năm từ 400.000 - 500.000 đồng/ha”.

Cơ giới hoá khơi thông dòng chảy. Ảnh: Minh Đảm.

Cơ giới hoá khơi thông dòng chảy. Ảnh: Minh Đảm.

Tại địa bàn vùng kiểm soát lũ phía Tây, ngay từ đầu mùa mưa lũ, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đã rà soát mạng lưới cống đập, đê bao gắn với xây dựng lịch vận hành hợp lý các công trình thủy lợi phòng, chống thiên tai cho hai dự án Đông và Tây Ba Rài. Hai dự án có tổng chiều dài đê bao khoảng 77.000 m bảo vệ gần 8.300 ha vùng trồng cây ăn trái đặc sản, chủ yếu là sầu riêng chuyên canh phía Nam Quốc lộ 1 tiếp giáp sông Tiền thuộc địa bàn huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.

Ông Đặng Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết: Đến thời điểm này các đê bao, cống đập trên địa bàn xã đã đóng kín, hơn 1.300 ha cây sầu riêng được bảo vệ chắc chắn. Chỉ vài tháng sau vườn cây sẽ cho thu hoạch. Giá sầu riêng đang ở mức cao nên nhà vườn quyết tâm bảo vệ vườn cây khi đỉnh triều dâng cao.

Nhà vườn bơm nước chống ngập vườn mít khi triều cường dâng cao. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà vườn bơm nước chống ngập vườn mít khi triều cường dâng cao. Ảnh: Minh Đảm.

Những ngày qua khi đỉnh triều ở mức cao kết hợp với mưa to một số ô đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái ở các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè bị sạt lở nhỏ. Chính quyền và người dân đã khẩn trương gia cố đê, chủ động bơm tát nước ra bên ngoài để bảo vệ vườn cây đặc sản. Đáng lo nhất, hai loại cây mít và sầu riêng chịu ngập úng kém và đang giai đoạn cho trái nên nhà vườn rất quan tâm ứng phó.

Cách đây mấy ngày, ông Lương Văn Tùng cũng như các nhà vườn ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phải liên tục bơm tát để bảo vệ vườn cây mít đang cho trái. Hiện khu vườn ông đã đặt mô tơ điện hoạt động 24/24 để bơm nước từ mương vườn ra ngoài. “Năm nay, nước lũ kết hợp với triều cường làm ngập, nước bên ngoài bờ đê cao hơn trong vườn cả mét, vườn nào cũng đặt mô tơ bơm ra", ông Lương Văn Tùng nói.

Hiện nay, vườn sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đang mang trái vụ nghịch, được giá nên bà con phấn khởi tích cực bảo vệ vườn cây. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, vườn sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đang mang trái vụ nghịch, được giá nên bà con phấn khởi tích cực bảo vệ vườn cây. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Phan Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè chia sẻ: "Tràn đê chỗ nào thì khắc phục chỗ đó, dùng cơ giới và sức dân. Không được chủ quan, cơ bản đến nay giữ vững được đê bao, không ảnh hưởng nhiều đến cây sầu riêng và mít".

Để nâng cao công tác chủ động phòng chống thiên tai mùa mưa bão, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang phối hợp các ngành, các địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống đê bao ngăn lũ và triều cường trên địa bàn quản lý. Đồng thời, khẩn trương nâng cấp và sửa chữa, khắc phục những chỗ hư hỏng, đảm bảo chống tràn, chống ngập úng cho các vùng sản xuất trọng điểm.

Các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã củng cố, kiện toàn tổ chức mạng lưới các lực lượng tham gia phòng, chống, ứng cứu thiên tai. Toàn tỉnh đã thành lập được 172 đội thanh niên xung kích ở 100% xã, phường, thị trấn. Mỗi đội có từ 80 - 130 thành viên gồm: Lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích chữ thập đỏ, đoàn viên thanh niên, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội. Khi có thiên tai xảy ra, lực lượng này sẽ được huy động kịp thời hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.