Ngày 25/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.
Năm 2020, trong bối cảnh hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các công tác thường xuyên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã vận dụng các điều kiện nhằm triển khai nhiều chương trình, dự án khuyến nông quan trong cho ngành nông nghiệp.
Đẩy mạnh hợp tác công tư về khuyến nông
Về các dự án khuyến nông phục vụ phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều dự án như: Dự án Xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 các tỉnh ĐBSCL: Thâm canh chè an toàn và liên kết chuỗi chế biến, tiêu thụ nguyên liệu; trồng mới, thâm canh vùng nguyên liệu chanh leo và dứa; sản xuất chè xanh an toàn theo VietGAP; xây dựng và phát triển mô hình sản xuất điều bền vững; dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh ven biển miền Trung...
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng triển khai nhiều dự án khuyến nông phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM như: Dự án sản xuất lúa Japonica và liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc; Dự án Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1...
Dự án phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa; Dự án Ứng dụng công nghệ cấy máy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Dự án xây dựng mô hình nuôi biển Cá giò (Rachycentroncanadum): thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa; Dự án chăn nuôi gà theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm: xây dựng được 9 mô hình chăn nuôi gà theo VietGAHP tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
Trong năm, hàng loạt các chương trình, dự án khác thuộc các chương trình quan trọng cũng đã được triển khai như: Các dự án khuyến nông xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dự án, mô hình trình diễn khuyến nông hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau thiên tai; các dự án, mô hình trình diễn khuyến nông phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Các dự án, mô hình trình diễn khuyến nông ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái…
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong năm 2020, bên cạnh việc bám sát các nhiệm vụ thường xuyên, Trung tâm đã đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức hoạt động khuyến nông để ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác khuyến nông trong giai đoạn tới.
Theo đó, các hoạt động khuyến nông đã từng bước gắn với các dịch vụ khuyến nông tư nhân của khối các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp; tăng cường hợp tác đầu tư công - tư trong công tác khuyến nông; đổi mới hoạt động của các dự án khuyến nông theo hướng gắn với thực tiễn sản xuất, đổi mới công tác đào tạo sát hơn với thực tiễn, dễ tiếp thu…
Đây cũng là những định hướng mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục đổi mới, triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021 cũng như những năm tới…
Khuyến nông gặp nhiều khó khăn do sáp nhập
Cùng với ngành Bảo vệ thực vật và ngành Thú y, hoạt động của hệ thống khuyến nông nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn do việc sáp nhập hệ thống khuyến ở cơ sở.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay đã có 14/63 tỉnh tiến hành sắp xếp theo hướng hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp (trong đó có khuyến nông). Từ đó dẫn tới sự thay đổi về tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh.
Có 23/63 tỉnh đã tiến hành rà soát, thực hiện tinh gọn bộ máy (giảm số phòng, giảm biên chế), thay đổi về tên gọi, bổ sung thêm các chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động như: dịch vụ nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quản lý công trình thủy lợi…
Có 2 tỉnh (Lai Châu, Bình Dương) đã tiến hành giải thể Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chuyển giao nhiệm vụ khuyến nông cho các Chi cục thực hiện.
Sau khi đổi mới, sắp xếp, kiện toàn, các tổ chức khuyến nông cấp tỉnh mới đã hoạt động theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều nội dung, lĩnh vực hoạt động mới như: Khảo nghiệm, kiểm nghiệm (Bình Phước, Tiền Giang…); nông nghiệp công nghệ cao (Bắc Ninh); quy hoạch (Yên Bái); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Lâm Đồng, Đồng Tháp); quản lý, khai thác công trình thủy lợi (Hậu Giang); sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, tư vấn, dịch vụ, xúc tiến thương mại…
Ở cấp huyện, theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có 35/63 tỉnh, thành phố tiến hành hợp nhất Trạm Khuyến nông (cùng với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y) để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trực thuộc UBND huyện.
Có 25/63 tỉnh, thành phố vẫn đang duy trì mô hình Trạm Khuyến nông huyện (chưa hợp nhất các Trạm), trong đó 17 tỉnh hoạt động theo mô hình quản lý ngành dọc (Trạm Khuyến nông trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) và 8 tỉnh hoạt động theo mô hình quản lý theo cấp (Trạm Khuyến nông trực thuộc UBND huyện).
Ở cấp cơ sở: Theo báo cáo, hiện có 38 tỉnh, thành phố còn duy trì cán bộ khuyến nông cấp xã với số lượng khoảng 6.500 người. Cộng tác viên khuyến nông thôn bản hiện có 10 tỉnh duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến nông với tổng số khoảng hơn 16.000 người.
Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp, các tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chỉ đạo, phối hợp hoạt động khuyến nông; chính sách, chế độ đối với cán bộ khuyến nông; nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông…
Tới dự và chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị trong thời gian tới, công tác khuyến nông cần đi vào chiều sâu, không chỉ làm mô hình “cho cần câu”, mà còn dạy cả “cách câu cá” cho nông dân, truyền lửa, sự tự tin, động lực và khát vọng làm giàu cho nông dân….
Khuyến nông là khuyến khích sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh mới, còn phải chú trọng tới khâu thị trường phát triển thị trường, gắn vơi xúc tiến thương mại, gắn với hoạt động của các doanh nghiệp...
Mô hình khuyến nông cần phải chú trọng vào hiệu quả cuối cùng, lan tỏa được ra sản xuất, tránh tình trạng hết dự án là hết mô hình, không mở rộng lan tỏa được ra thực tế.
Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông cần đi sâu vào quan điểm "hệ sinh thái", suy nghĩ về hình thức du lịch nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khuyến nông...
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu thu hút nguồn lực, hợp tác đầu tư, hợp tác công - tư về hoạt động khuyến nông, cơ cấu lại hình tức tổ chức bộ máy, hình thức hoạt động của các đơn vị của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhằm hoạt động ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn...
Thông qua khuyến nông, cần phát hiện được những nút thắt của ngành nông nghiệp, đời sống nông thôn, nông dân...
Bởi khuyến nông có hệ thống rộng khắp từ Trung ương tới địa phương, rất sâu sát, nắm rõ về tâm tư, khó khăn của nông dân...
Theo đó, khuyến nông không chỉ có nền tảng về kỹ thuật, mà còn truyền thụ cả về nền tảng văn hóa để gắn với đời sống nông dân, nâng cao năng lực cộng đồng...
Tại hội nghị, nhiều cá nhân, tập thể của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý của Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN-PTNT gồm: Quyết định trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lương Tiến Khiêm, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia).
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Phòng Thông tin, Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia); quyết định công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2019 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.