Bác sĩ Nguyễn Thị Ngát, khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai trường hợp ngộ độc sau khi ăn cá mó vẹt biển.
Được biết, gia đình anh N.T.H (nam, sinh năm 1981, ngụ quận 2, TP.HCM) đi nhà hàng ăn món cá mó vẹt biển (một con cá chế biến thành nhiều món như hấp xì dầu, nấu lẩu - PV). Sau khi ăn tối, đến đêm anh H. thấy nhức mỏi cổ, sau đó lan xuống vai, tay, vùng thắt lưng, ngực đau thắt, khó thở, vã mồ hồi nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Anh H. nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mệt, đau cơ. Khám cận lâm sàng các bác sĩ cho biết, anh H. có tình trạng hủy cơ. “Có thể bệnh nhân bị ngộ độc chất độc palytoxin có trong hải sản nên gây ra tình trạng hủy cơ. Nếu lượng chất độc này nhiều có thể sẽ gây suy thận, suy đa cơ quan”, bác sĩ Ngát nói.
Ngay trong đêm, các bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới và Khoa Thận nhân tạo đã hội chẩn, quyết định cho bệnh nhân lọc thận để loại bỏ bớt chất độc và lọc một số chất đã chuyển hóa trong cơ thể bệnh nhân. Sau khi lọc thận, bệnh nhân được chuyển sang khoa Bệnh Nhiệt đới (BV Chợ Rẫy) với sinh hiệu ổn, hết đau cơ, tự thở và tiếp tục theo dõi chức năng gan, thận, tình trạng thải chất độc ra ngoài cơ thể.
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân T.T.T.H (sinh năm 1960) - mẹ vợ anh H., nhập viện tại BV Chợ Rẫy sau 12 giờ ăn món cá mó với tình trạng nhẹ hơn.
Một người chú của anh H. nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định với tình trạng nhẹ hơn. Những người còn lại trong gia đình anh H. cũng có tình trạng nhức, đau cơ nhẹ và theo dõi tại nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngát, cá mó biển bản thân nó không có chất độc, tuy nhiên, khi cá mó sống quanh các rạn san hô và ăn các vi sinh vật hoặc cá nhỏ sống tại các rạn san hô đó có thể sẽ nhiễm độc từ các vi sinh vật này.
“Nếu bệnh nhân ăn ít thì sẽ có vài triệu chứng thoáng qua, còn nếu ăn nhiều thì tình trạng ngộ độc nặng có thể xảy ra. Đặc biệt, chất độc palytoxin thường tích tụ nhiều trong nội tạng (gan, ruột), da của cá và không bị phân hủy kể cả khi đã nấu chín”, bác sĩ Ngát phân tích.
Hải sản là món ăn khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên nếu dùng hải sản không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Những chất độc thường gặp có trong hải sản như Tetrodotoxin (là một chất độc thần kinh có thể gây tử vong có tên bắt nguồn từ cá nóc); hoặc ăn phải các loại hải sản được nấu không hợp vệ sinh nhiễm khuẩn trực tiếp từ các vi khuẩn chứa trong hải sản.
Các triệu chứng ngộ độc sau khi ăn hải sản chủ yếu là đau bụng, nôn ói, tê bì tay chân, thở khó, đau nhức cơ… trường hợp nặng nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong. Vì vậy, bác sĩ Ngát khuyến cáo, nếu xuất hiện các triệu chứng trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu hồi sức kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Ngát, người dân khi lựa chọn cá mó biển làm thực phẩm cho bữa ăn của gia đình mình nên tránh các con cá mó có nhiều màu sắc sặc sỡ, trọng lượng lớn từ 1,5kg trở lên và đặc biệt không ăn các cơ quan nội tạng của con cá. Đối với các loại hải sản lạ, chưa từng ăn thì cần hết sức thận trọng, vì trong đó có thể chứa chất độc nguy hiểm mà chúng ta không lường trước được.
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị khoảng 10 - 20 ca ngộ độc hải sản, trong đó có nhiều trường hợp ngộ độc nặng do chất độc ảnh hưởng đến thần kinh vì ăn cá nóc, so biển (nhầm lẫn với con sam)… hoặc ăn phải những loại hải sản không rõ nguồn gốc, không rõ tên…
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2010 - 2019, ghi nhận 33 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong so biển, trong đó có 69 người mắc, 18 người chết, 58 người đi viện. Riêng năm 2020, tính đến ngày 31/5 toàn quốc đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển làm 12 người mắc, 11 người đi viện điều trị và một người tử vong. Đặc biệt, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận số vụ, số mắc, số chết do ngộ độc độc tố tự nhiên trong so biển cao nhất giai đoạn 2010 - 2020 như Tiền Giang (3 vụ), Long An (3 vụ), Bến Tre (3 vụ)…