ThS-BS Nguyễn Ngọc Tú, Khoa hồi sức cấp cứu Khu D - Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy cho biết, ngày 16/6, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân B.M.T (nam, sinh năm 1990) trong tình trạng suy hô hấp cấp nặng, hôn mê
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết trong lúc đang làm công việc tại một nhà máy sản xuất thực phẩm tại Long An thì bệnh nhân bị ngã xuống hồ xử lý nước thải. Cùng lúc đó, cũng có hai nạn nhân bị ngã xuống, tuy nhiên, hai trường hợp này được vớt lên trễ, và đã tử vong.
Bệnh nhân T. may mắn được vớt lên sớm và được đưa đến gần nhất để cấp cứu. Trên đường đưa đến đến cấp cứu bệnh nhân có ngưng tim một lần và đã được hồi sức tim phổi thành công. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân diễn tiến ngày càng nặng và được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ xác định bệnh nhân có hội chứng RDS nặng, và được tiến hành nội soi phế quản cho thấy bệnh nhân bị chảy máu đường thở nhiều, tri giác mê và được đặt nội khí quản để giúp thở.
“Phổi bệnh nhân có tình trạng tổn thương lan tỏa hai bên phổi, có tình trạng suy đa cơ quan như gan và thận, trầy xước da nhẹ”, bác sĩ Tú cho hay.
Cũng theo bác sĩ Tú, qua khai thác thì được biết bệnh nhân ngã xuống hồ xử lý nước thải có chứa chất Xút (NaOH) nhiều dẫn đến bệnh nhân bị tổn thương do chất Xút hay gọi là Natri hiđroxit. Và bệnh nhân sẽ được theo dõi chứng ăn mòn của Xút diễn tiến trong 7 ngày.
“Theo y văn, đây là một chất có tính chất ăn mòn rất cao. Với trường hợp bệnh nhân này, đường hô hấp bị ăn mòn, sẽ dẫn đến tình trạng biến chứng sớm ARDF, hoại tử phổi, phù phổi và những biến chứng muộn sau này có thể diễn tiến nặng trong vòng một tuần.
Đặc biệt, những di chứng sau này có thể gây lên tình trạng ung thư đường hô hấp, sẹo hẹp đường hô hấp…”, bác sĩ Tú nói
Hiện bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn còn phải thở máy và được tích cực theo dõi sát diễn tiến bệnh.
Theo ThS-BS Doãn Uyên Vy, chuyên Khoa bệnh nhiễm độc, ngộ độc Bệnh viện Chợ Rẫy, Xút là dạng chất kiềm, có tính ăn mòn mạnh nên thường được dùng làm hóa chất tẩy rửa. Nếu không may uống hoặc hít phải chất Xút sẽ gây tổn thương đường hô hấp, tiêu hóa.
“Khác với ngộ độc acid thường có tác dụng nhanh thì ngộ độc do Xút có tác dụng từ từ và sâu hơn", bác sĩ Vy thông tin.
Ngoài ra, theo bác sĩ Vy, không loại trừ trong hầm xử lý nước thải của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có các chất khác như H2S (hydro sunfua - chất có mùi trứng thối), chỉ cần hít phải khí này cũng sẽ khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ, kể cả người đi cứu cũng bị chết.
Nhiều trường hợp tử vong hoặc nguy kịch do ngộ độc khí H2S khi vào hầm ủ cá, hầm xử lý chất thải, hầm chứa nước mắm hoặc chui xuống các ống cống, hố ga làm phân bón… do không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ.
Kể về một trường hợp ngộ độc khí H2S rất hy hữu được cứu kịp thời, bác sĩ Vy cho biết, trong lúc vệ sinh nhà cửa, một người đàn ông đã đổ 5 lít acid xuống đường ống cống.
Tuy nhiên, một lúc sau, ba người trong nhà đột nhiên té xỉu, phải đưa đi cấp cứu. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, theo phản ứng hóa học, acid kết hợp với chất thải hữu cơ ở dưới đường ống cống đã sinh ra khí H2S và theo hệ thống cống bốc khí lên ở trong nhà khiến ba người bị ngộ độc loại khí té xỉu.
Ngoài Xút thì có một loại hóa chất có tính kiềm cũng được sử dụng phổ biến là amoniac (NH3). Như trường hợp một nữ bệnh nhân làm nghề cạo mủ cao su bị ngộ độc NH3 trong thời gian dài mà không hay biết. Bởi công việc hàng ngày mỗi lần cạo mủ cao su, bệnh nhân này thường cúi xuống đóng mở thùng đựng cao su và vô tình hít liên lục khí này mỗi ngày mà không hay biết.
Sau đó, chị thường ho, tăng tiết đàm nhớt nên chỉ nghĩ mình bị ho thông thường và đi khám chuyên khoa tai mũi họng và được cho uống thuốc kháng sinh trong nhiều năm. Khi đến BV Chợ Rẫy thì tình trạng hai phổi của bệnh nhân đã xơ hóa và diễn tiến nặng, tử vong.
Vì vậy, bác sĩ Vy cũng khuyến cáo, các cơ sở sản xuất nên tập huấn cho công nhân các kiến thức phòng tránh ngộ độc các loại khí này, đồng thời phải trang bị hệ thống báo động cấp cứu kịp thời, trang bị phương tiện bảo hộ để không hít phải những khí đó…
Còn đối với các gia đình cần chú ý khi sử dụng các chất vệ sinh, tẩy rửa bồn cầu, không nên đổ quá nhiều khi vệ sinh vì dễ sinh ra khí H2S… hít vào gây ngộ độc.