| Hotline: 0983.970.780

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Cần hỗ trợ giải bài toán khó

Thứ Tư 20/04/2022 , 09:13 (GMT+7)

Cần truyền thông để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, ý nghĩa của chính sách Bảo hiểm Xã hội, các gói hỗ trợ của Chính phủ...

Người lao động đến nhận lương hưu tại BHXH quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người lao động đến nhận lương hưu tại BHXH quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thực tế đáng lo

Trước sức ép xăng dầu tăng, vật giá leo thang, dịch bệnh Covid-19… khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương thưởng khiến cho người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông gặp nhiều khó khăn trong bước đường mưu sinh. Trong khi đó, mức lương trong 2 năm qua không tăng, NLĐ phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, không có tích lũy, khiến cho nhiều người lựa chọn phương án rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, thay vì bảo lưu chờ lương hưu.

Chị Doãn Thị Th. (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) gần 20 năm nay, mức lương cơ bản chỉ hơn 5,5 triệu đồng/tháng. Chị Th. thuê nhà sống một mình gần công ty, mỗi tháng chi phí tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống cũng mất tầm 3 triệu đồng; ngoài ra lâu lâu còn có sinh nhật, ma chay… cũng mất 1 triệu đồng, chị còn lại chẳng bao nhiêu để gửi về quê nuôi mẹ già. “Tôi quyết định nghỉ việc để về quê, vì giờ cũng lớn tuổi rồi mà chi phí như thế thì còn lại đâu bao nhiêu. Thôi thì rút BHXH một lần để lấy tí vốn về quê buôn bán, có thời gian chăm mẹ già”, chị Th. chia sẻ.

Sau 10 năm làm công nhân cho một công ty may ở Bình Dương, chị Nguyễn Hồng H. (30 tuổi) quyết định nghỉ việc, nhận BHXH một lần với số tiền gần 60 triệu đồng để lo trang trải khó khăn trước mắt của gia đình.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 242.000 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó 158.000 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thông qua tài khoản ngân hàng.

"Những năm trước khi vật giá còn thấp, với mức lương công nhân thì tôi cũng tằn tiện đủ chi tiêu. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, công ty cũng gặp nhiều khó khăn nên bị chậm lương, có khi chậm 2-3 tháng. Mà công nhân chúng tôi thì chị biết rồi, chỉ chờ vào tiền lương mỗi tháng, chứ nào có khoản gì dự trữ đâu. Thành ra, tôi đành nghĩ đến việc xin rút BHXH một lần, để đưa tụi nhỏ về quê. Nhiều lúc nghĩ sau này già, không đóng BHXH thì trông mong vào đâu, cũng buồn lắm nhưng biết làm sao”.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là hơn 200.000 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần, mỗi năm trung bình có gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Trong đó, 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH, chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, để giữ chân NLĐ, các nhân viên BHXH đã được quán triệt khi tiếp nhận hồ sơ cần giải thích, thuyết phục NLĐ bảo lưu để tiếp tục tham gia nhằm có lương hưu sau này. Tuy nhiên, nhiều NLĐ vẫn chọn rút BHXH 1 lần, nên cơ quan BHXH phải giải quyết theo quy định. Tỷ lệ hưởng BHXH 1 lần đã rơi vào số NLĐ nữ, do sức ép về nuôi con, chăm lo gia đình, việc làm biến động nhiều hơn nam.

Thống kê cho thấy, trong số 13,4 triệu người già có gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Với tốc độ già hóa dân số nhanh hiện nay, phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập. Trong khi đó, nhiều lao động còn trẻ hoặc trung niên đã đi rút BHXH, chấp nhận tuổi già không có chỗ dựa tài chính, BHYT.

Trước thông tin nhiều NLĐ rút BHXH một lần khi chưa thực sự hiểu rõ về những lợi ích mà BHXH mang lại sau khi về già, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng, NLĐ chưa thực sự hiểu rõ về chính sách ưu việt của BHXH, bởi thời gian càng dài, đóng càng cao thì được hưởng càng cao. NLĐ hay có tâm lý cứ cầm tiền của mình trước đã, đến đâu hay đến đó mà họ quên đi cái ích lợi lâu dài hơn.

Ông Mến dẫn chứng, trong đợt cứu trợ xã hội vừa qua của Chính phủ cũng căn cứ từ số năm đóng BHXH, không cần căn cứ vào mức đóng của từng cá nhân. Như Nghị quyết 116 của Chính phủ chia làm 6 mức hưởng trợ cấp, cơ quan BHXH căn cứ vào mức thời gian đóng để đưa ra các mức từ 1,8 triệu đồng - 3,7 triệu đồng/người lao động. Nếu NLĐ rút BHXH một lần trước thời gian đó thì không được nhận khoản tiền này trong thời điểm dịch bệnh vừa qua. Rất thiệt thòi.

Người lao động đến làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy,

Người lao động đến làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy,

Niềm vui tuổi già khi lãnh lương hưu

Ngồi đợi nhận lương hưu tại BHXH quận 1, bà Phan Thị Hương (64 tuổi) cho biết, trước đây là nhân viên tại một bưu điện, đến nay cứ hàng tháng bà lại đến lãnh lương hưu. “Lương của tôi cũng không cao, hàng tháng lãnh khoảng 5 triệu đồng. Già rồi, có được như thế cũng đã là mừng, tôi có thể thoải mái chi tiêu riêng cho bản thân mình, mà không phải ngửa tay xin con cái. Nhân viên BHXH cũng tư vấn cho tôi có thể nhận tiền lương qua thẻ, nhưng tôi cứ thích tự mình đến lấy”, bà Hương chia sẻ.

Cũng là một trong những người được lãnh lương hưu khi về già, bà Nguyễn Thị Liên (61 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) phấn khởi chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi lãnh được 3,3 triệu đồng, còn chồng tôi thì được 4,3 triệu đồng. Như vậy, hàng tháng, hai vợ chồng cũng được gần 8 triệu đồng, đủ để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng già, mà không cần con cái phải lo lắng.

Lúc trước, khi con rể tôi nghỉ việc, chuyển công tác cũng có ý định rút BHXH một lần để đầu tư kinh doanh, vì mức lương của con rất cao, nên nếu lãnh thì chắc cũng được kha khá. Nhưng tôi đã khuyên con không nên rút ngay, mà tiếp tục đóng BHXH để khi về già thì đã có tiền lương hưu đó chi tiêu hàng ngày mà chẳng cần phải suy nghĩ gì.

Không những thế, người già về hưu như chúng tôi còn được hỗ trợ BHYT miễn phí với mức khám được đảm bảo 95% mà không cần phải lo lắng gì. Về già mỗi tháng được 3-4 triệu là vô cùng hạnh phúc”, bà Liên chia sẻ.

Bà Liên cũng cho biết, ngày xưa bà ở quê thì cứ hàng tháng đến BHXH lãnh lương hưu một lần, nhưng khi chuyển vào TP.HCM bà đã chuyển sang nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng cá nhân. “Cứ đến tháng là họ lại chuyển đúng số lương. Có đợt Nhà nước tăng lương vùng thì những người già như tôi cũng vẫn được hưởng quyền lợi này, tăng thêm được tí nào mừng tí đó”, bà Liên nói.

Truyền thông là “chìa khóa” để người tham gia BHXH hiểu và tin tưởng

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 với 63 điểm cầu BHXH trên cả nước sáng 19/4, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm chủ thể và tình hình diễn biến dịch bệnh nên công tác phát triển người tham gia tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ngành BHXH đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đưa chính sách đến DN và NLĐ nhanh nhất, thuận tiện nhất với hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí tập trung đẩy mạnh truyền thông đa dạng, linh hoạt để NLĐ hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, các gói hỗ trợ của Chính phủ, lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội.

Tính đến hết quý I/2022, số người tham gia BHXH là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,28 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt tăng 1,78% và 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); BHTN trên 13,4 triệu người, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ 2021.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu, thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, NLĐ, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ…

Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, dự kiến từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ chi 100 tỷ đồng hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động, trao "mái ấm công đoàn" cho công đoàn viên... Qua đó, nhằm chăm lo, nâng cao đời sống cho công nhân, tập trung hỗ trợ những công nhân kém may mắn khi bị tai nạn lao động, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mục tiêu "không bỏ sót công nhân, người lao động khó khăn". Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của "Tháng công nhân" TP.HCM năm nay là chăm lo cho người lao động hậu Covid-19, trong đó, đặc biệt chú trọng chăm sóc lao động nữ, lao động bị ảnh hưởng nặng…

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm